Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội

V.D (t.h)| 22/05/2015 21:18

Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là chủ đề được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ trong phiên họp sáng nay, 22/5.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng 22/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015; Dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Thảo luận tại tổ, một trong những nội dung thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội đó là Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội. Đa số ý kiến đồng tình cần thiết phải sửa đổi điều Luật này theo đề xuất của Chính phủ nhằm đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận người lao động chỉ làm việc ở khu vực phi chính thức trong một thời gian ngắn, trong điều kiện chuyển dịch lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức còn chậm, việc làm của người lao động chưa thực sự bền vững. Theo đó, trước mắt cho phép người lao động nếu có nguyện vọng thì được nhận lại số tiền đã tham gia bảo hiểm xã hội.

Một số đại biểu cho rằng, khi Luật đi vào cuộc sống mà không sát với thực tiễn thì phải sửa đổi là chuyện bình thường. Tuy nhiên, điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội chưa có hiệu lực thi hành đã phải sửa là việc chưa có tiền lệ. Những vướng mắc, bất cập của điều Luật này lại không phải do cơ quan làm luật và các cơ quan liên quan phát hiện ra mà do chính người lao động. Qua đó cho thấy, chất lượng công tác xây dựng pháp luật chưa cao.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại tổ trong phiên thảo luận sáng nay, 22/5. Ảnh: Lã Anh/SGGP

Nhất trí cao với đề xuất sửa đổi điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội như Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Trần Thanh Hải (TP. Hồ Chí Minh) đưa ra phân tích cụ thể: Trường hợp một công nhân lành nghề, lao động lâu năm, đến khi về hưu chỉ được nhận chưa đầy 1 triệu đồng/tháng. “Phải chờ đợi hàng chục năm để nhận khoản tiền ít ỏi không đủ sống như vậy trong khi đời sống lại đang rất khó khăn, thì lựa chọn nhận BHXH một lần của người lao động là chính đáng, không thể không xem xét”, ông Hải nói.

Cho rằng công tác xây dựng pháp luật hiện nay, trong nhiều trường hợp là xa rời thực tiễn, mà Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chỉ là một trong nhiều ví dụ, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM góp ý: “Quốc hội cần tạo thêm không gian tranh luận trong quá trình làm luật. Cách thức thảo luận, biểu quyết thông qua các văn bản luật cần được đổi mới. Tôi thấy việc chỉ thông qua một vài điều luật – có khi lại không phải là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau – rồi sau đó thông qua toàn văn dự luật là chưa đảm bảo cân nhắc, tiếp thu hết mọi ý kiến xác đáng của của đại biểu Quốc hội”.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) đồng ý với đề xuất, cần phải sửa theo đề xuất của Chính phủ, tuy nhiên dùng từ “trước mắt” là không ổn, vì làm luật phải hướng tới sự lâu dài. Nếu nói “trước mắt”, người lao động sẽ lại hoài nghi, vì “trước mắt là vậy, sau này thế nào”.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội cho Quốc hội nhiều bài học. “Việc Quốc hội xem xét thông qua luật BHXH là đúng theo thủ tục, mục đích, không có gì sai cả, nhưng cần rút kinh nghiệm khâu lấy ý kiến của nhân dân, lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Bây giờ chưa làm tốt điều đó thì tốt nhất không sửa Điều 60 này, Quốc hội nên có Nghị quyết vì luật này chưa có hiệu lực, có thể ra nghị quyết về lộ trình thực hiện” – đại biểu Đinh Xuân Thảo nói.

Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) thì nêu ý kiến, cùng với việc sửa Luật, cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người lao động để họ hiểu và hướng tới đảm bảo an sinh xã hội, tăng số người được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.

Cũng trong sáng nay, thảo luận về dự án Luật Giám sát hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, một số ý kiến cho rằng, cần quy định một cách thống nhất về hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, trong đó, không chỉ xác định rõ thẩm quyền, phạm vi giám sát của từng chủ thể mà còn tăng cường sự phối hợp trong quá trình tiến hành hoạt động giám sát nhằm nâng cao hiệu quả giám sát và tránh sự chồng chéo, trùng lặp. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội và hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân.

Cho ý kiến về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, một số đại biểu cho rằng, thời gian qua việc triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội vẫn còn những hạn chế kéo dài, phải điều chỉnh nhiều lần. Chỉ tính từ tháng 6 năm ngoái đến nay, đã đề nghị điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh đến 3 lần. Bên cạnh đó, chất lượng một số dự án Luật còn hạn chế, tình trạng tồn đọng văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, pháp lệnh còn nhiều. Một số dự án Luật chỉ 2 đến 3 năm đã phải sửa, thậm chí có Luật chưa có hiệu lực thi hành đã phải sửa.

UBND cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản pháp luật

Chiều 22/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước Quốc hội, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho biết, vẫn còn 2 loại ý kiến về thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã.

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật. Ảnh: Lã Anh/SGGP

Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vì thực tế thời gian qua ở nhiều địa phương đã không ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc nếu ban hành thì có nhiều văn bản của cấp huyện, cấp xã thường sao chép lại văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, thậm chí là không phù hợp với văn bản của cơ quan cấp trên... Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất vì đấy là công cụ quan trọng để chính quyền các cấp này thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của mình theo luật định.

Về việc tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đó bao gồm các chủ thể như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, các cơ quan, tổ chức khác và cá nhân đều có quyền góp ý kiến và được tạo điều kiện góp ý kiến về các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Về kiến nghị về luật, pháp lệnh, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của ĐBQH,  Dự thảo Luật bổ sung quy định ĐBQH có quyền tự mình hoặc đề nghị Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn ĐBQH, Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban thường vụ Quốc hội hỗ trợ trong việc lập văn bản kiến nghị về luật, pháp lệnh, hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm trong việc bảo đảm điều kiện cần thiết để ĐBQH thực hiện quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh, quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

Về việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho rà soát, chỉnh lý bổ sung vào Dự thảo Luật quy định trách nhiệm lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản và cơ quan, tổ chức có liên quan bằng nhiều hình thức. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức đối thoại trực tiếp về chính sách với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để lấy ý kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO