Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông: Cần lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội

Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đoàn đại biểu QH tỉnh)| 24/11/2014 10:45

Tại phiên thảo luận, đóng góp ý kiến vào Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đại biểu Quốc hội Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh đã có ý kiến đóng góp. Báo Đắk Nông trích đăng ý kiến đóng góp của đại biểu.

ADQuảng cáo

Đại biểu Quốc hội Tôn Thị Ngọc Hạnh và các đại biểu thảo luận cùng Thủ tướng Chính phủ bên lề kỳ họp. Ảnh: Đoàn ĐBQH

Về Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tôi xin có một vài ý kiến về một số nội dung như sau:

Một là, tôi đồng ý với nhiều nội dung trong phần đánh giá chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa hiện hành của Đề án. Riêng về nội dung đánh giá: Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa hiện hành “còn nặng tính hàn lâm” thì quả thực là tôi chưa đồng ý.

Không thể đánh giá là “nặng tính hàn lâm” trong khi trải qua 15 năm thực hiện, học sinh các cấp học vẫn tiếp thu tốt nội dung truyền đạt của chương trình và sách giáo khoa hiện hành.

Theo tôi, đánh giá chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa hiện hành “quá tải, chưa thiết thực” là hoàn toàn chính xác, tôi nghĩ rằng đây mới là điều cần nhấn mạnh, thậm chí là một trong những quan điểm chính trong hệ thống quan điểm khi xây dựng Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Nói gì thì nói, nhưng rõ ràng với chương trình sách giáo khoa hiện hành, đa số học sinh phổ thông các cấp học hiện nay phải rất vất vả, không đủ thời gian để đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu học tập.

Theo tôi cần xác định lại thật chính xác ngôn từ khi đề ra Nội dung chương trình đổi mới sách giáo khoa là để “giảm tính hàn lâm” khi tích hợp chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học đến trung học cơ sở (tại mục đ, điểm 2, phần III). Khi tích hợp chương trình như nội dung đề án, thì cần chú trọng tính toàn diện và hài hòa, hợp lý giữa lý thuyết và thực hành.

ADQuảng cáo

Hai là, về “Thực hiện chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa”.

Trước hết là về xây dựng “Chương trình”, tôi thống nhất việc giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng vì rõ ràng là phải thống nhất toàn quốc về chuẩn đầu ra, có khác chăng là do địa phương vận dụng trong khuôn khổ cho phép của Chương trình.

Trên cơ sở giải pháp “Huy động tối đa trí tuệ của những người am hiểu và có kinh nghiệm về giáo dục phổ thông tham gia xây dựng, góp ý chương trình, sách giáo khoa” như đề án đã nêu. Tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên công khai và xin ý kiến góp ý, phản biện ngay từ khi biên soạn Chương trình, lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội, nhất là những nhà khoa học, những người am hiểu trong lĩnh vực giáo dục được đóng góp ý kiến, kiến nghị; Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức tiếp thu đầy đủ để chỉnh lý Chương trình đã dự thảo. Để khi Chương trình trở thành cơ sở pháp lý, “chương trình cứng” để biên soạn sách giáo khoa, sẽ không có nhiều vướng mắc, tạo ra sự đồng thuận về một vấn đề lớn trong xã hội.

Tại Phương án triển khai việc biên soạn sách giáo khoa mới có nêu: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông; đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Theo tôi, những ưu điểm và hạn chế Đề án nêu ra về vấn đề này là chấp nhận được, vấn đề là cần phải xác định Hội đồng quốc gia thẩm định độc lập sẽ là như thế nào để tránh được việc hạn chế tính chủ động, sáng tạo, đảm bảo được tính đa dạng, phong phú, nâng cao được chất lượng, hiệu quả của việc sử dụng sách giáo khoa.

Ba là, quá trình thực hiện Chương trình mới, Sách giáo khoa mới, theo hình thức cuốn chiếu, cũng rất cần Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý đổi mới dần các cấp học, lớp học đang thực hiện theo chương trình cũ, sách giáo khoa cũ. Có nghĩa là trên cơ sở những cái mới được thông qua thể hiện tại chương trình “chuẩn” đã được chấp nhận, thì cũng nên tiến hành sửa đổi trong chừng mực có thể đối với những cấp học chưa đến lượt cuốn chiếu đổi mới. Điều này chưa thấy trong lộ trình thực hiện của đề án để tạo ra sự đồng bộ dần dần trong cùng một hệ thống giáo dục.

Bốn là, cùng với việc đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa, Đề án cũng đã đề ra nội dung Tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới trong lộ trình thực hiện. Tôi xin lưu ý thêm, là cần phải chuyển đổi luôn chương trình đào tạo ở các trường Sư phạm, là nơi có thể gọi là đào tạo “máy cái” trong sự nghiệp giáo dục, đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn về đổi mới chương trình và đổi mới sách giáo khoa.

Tôi rất mong rằng Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp này.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông: Cần lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO