ĐBQH Đắk Nông thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Đ.D| 21/07/2021 17:31

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 21/7, Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tại hội trường về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và thảo luận ở tổ một số nội dung theo chương trình.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông tham gia thảo luận tại hội trường chiều 21/7:

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cơ bản thống nhất về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Tuy nhiên, cần bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh một số dự án luật quan trọng nhằm đảm bảo yêu cầu phát triển cũng như lộ trình hoàn thiện pháp luật đã đề ra. 

Trong năm 2021, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội sẽ thông qua 1 Nghị quyết. Kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ thông qua 1 dự án luật  và cho ý kiến đối với 5 dự án luật.

Trong năm 2022, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 5 dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 và cho ý kiến đối với 5 dự án luật.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 4 dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và cho ý kiến đối với 2 dự án luật (trong đó có 1 dự án Luật Đất đai sửa đổi cho ý kiến lần 2 và 1 dự án luật khác).

Với chương trình xây dựng luật, pháp luật như vậy thì tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (vào tháng 10 năm 2022) sẽ trình Quốc hội thông qua 4 dự án luật đã xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và chỉ có 2 dự án luật được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Trong đó có 1 dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được xem xét, cho ý kiến lần 2. Theo đại biểu Dương Khắc Mai, như vậy, về bản chất thì chỉ có 1 dự án luật dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4. Với chương trình xây dựng luật năm 2022 như vậy là chưa bảo đảm tính dự báo, tiếp nối cho năm 2023 và những năm tiếp theo.

Vì vậy, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Chính phủ và các cơ quan có liên quan cần khẩn trương nghiên cứu, triển khai các yêu cầu tại các nghị quyết Trung ương, kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị và chương trình hành động thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, cũng như để thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt là Nghị quyết, Văn kiện Đại hội lần thứ 13 của Đảng sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và các năm tiếp theo. Đại biểu Dương Khắc Mai cũng cho rằng, khi Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và thông qua Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đã tiến hành rà soát và đề nghị cần phải sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan để bảo đảm tính tương thích với Hiệp định. Trong đó đã xác định rất cụ thể việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật Hình sự để xử lý hình sự đối với một số hành vi liên quan đến vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ và sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự…

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông tham gia thảo luận tại hội trường

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc tổng kết, đánh giá tác động và đề xuất Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn chưa được thực hiện. Vì vậy, để đảm bảo thực hiện đúng cam kết quốc tế và nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cần nhanh chóng tổng kết, đánh giá việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Mặt khác, việc sửa đổi, bổ sung các luật về thuế đã được Đảng chủ trương từ nhiều năm qua nhưng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV chúng ta mới thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và chưa trình Quốc hội khóa XIV sửa đổi, bổ sung một đạo luật thuế nào.

Vì vậy, để cụ thể hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về việc “sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, áp dụng mức thuế suất hợp lý, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, góp phần thiết lập môi trường cạnh tranh phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu, tổng kết, đánh giá các dự án luật về thuế và đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông tham gia thảo luận tại hội trường chiều 21/7

Về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn đã được đưa vào Chương trình năm 2020, nhưng lại được rút ra khỏi chương trình để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và chưa có đề nghị đưa dự án luật này vào Chương trình năm 2022.

Vì vậy, để triển khai thực hiện chủ trương của Đảng được xác định tại Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần nhanh chóng chuẩn bị dự án luật này và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 hoặc năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH Đắk Nông thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO