Đắk Song huy động cả hệ thống chính trị chung tay giúp dân xóa nghèo bền vững

Hoàng Hoài| 01/05/2020 08:32

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và quyết tâm cao của các cấp, các ngành, huyện Đắk Song đã cơ bản thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu về xóa nghèo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.

Nâng cao nhận thức, ý thức giảm nghèo

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Khánh, Phó Bí thư Huyện ủy Đắk Song, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đã đặt ra chỉ tiêu, hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,5-2%/năm. Thực tế qua 5 năm triển khai, năm nào, huyện cũng đạt chỉ tiêu, thậm chí có năm đạt tới 5%. Đầu nhiệm kỳ, huyện còn 14% hộ nghèo và đến năm 2020 thì chỉ còn 6,11% hộ nghèo. Để có được kết quả này, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã xây dựng nghị quyết, ban hành các kế hoạch, giải pháp để giảm nghèo một cách bền vững.

Hội LHPN huyện Đắk Song trao hỗ trợ sinh kế giảm nghèo cho chị Phạm Thị Thanh ở thôn 5, xã Thuận Hà

Trong đó, huyện xác định 3 giải pháp trọng tâm cần thực hiện đó là: Tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức, phát huy nội lực của người dân; thực hiện phương châm “hướng về cơ sở” hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo; phát huy vai trò đảng viên về giúp dân xóa nghèo. Mỗi giải pháp, huyện đều phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị để có sự phối hợp giúp đỡ tốt nhất.

Qua khảo sát, tìm hiểu thực tế của các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể cho thấy, nguyên nhân nghèo thì có nhiều, song yếu tố then chốt lại chính là ý thức tự giác, quyết tâm thoát nghèo của người dân. Từ đó, huyện Đắk Song xác định, giải pháp đầu tiên cần triển khai thực hiện chính là công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức. Bởi nếu nghèo vì thiếu vốn, khoa học kỹ thuật, cây, con giống thì khi được giúp đỡ sẽ thoát được nghèo, nhưng "nghèo trong tư tưởng" thì rất khó để chữa. Một khi người dân luôn nghĩ mình là hộ nghèo, không có ý chí phấn đấu, thay đổi thì giải pháp gì cũng không có tác dụng.

Do đó, các cấp, ngành trong huyện, nhất là Mặt trận, đoàn thể chính trị xã hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến tận từng gia đình, từng khu dân cư để nâng cao nhận thức, ý thức giảm nghèo cho cán bộ, hội viên, người dân mình. Nhờ đó, ý thức của người dân về xóa nghèo ngày càng được nâng lên và nhiều hộ nghèo đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.

Hướng về cơ sở hỗ trợ sinh kế

Theo ông Nguyễn Ngọc Thân, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song, thực hiện phương châm “hướng về cơ sở” của Huyện ủy, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong huyện đã phối hợp, tập trung đến từng cơ sở, địa bàn khu dân cư để tìm hiểu tâm tư, hoàn cảnh, nguyên nhân nghèo, nắm bắt số hộ nghèo để có sự hỗ trợ phù hợp. Hàng năm, UBND huyện đều trích từ nguồn Quỹ Vì người nghèo để hỗ trợ sinh kế chăn nuôi, sản xuất cho các gia đình nghèo. Riêng năm 2020 này, UBND huyện đã phê duyệt hỗ trợ sinh kế số tiền 250 triệu đồng và phân bổ các cơ quan, tổ chức lựa chọn hộ nghèo để trực tiếp giúp đỡ, theo dõi.

Hội LHPN huyện Đắk Song trao hỗ trợ sinh kế giảm nghèo cho chị Đinh Thị Nhị ở thôn 3, xã Thuận Hà

Đơn cử như Hội Cựu chiến binh huyện đã chỉ đạo các cơ sở đăng ký thoát nghèo có địa chỉ cụ thể. Qua tổng hợp, đầu năm 2019, toàn Hội còn 94 hộ nghèo (chiếm 4,5%); cận nghèo là 87 hộ (chiếm 4,2%); hội viên nhà dột nát là 30 hộ (chiếm 1,4%). Từ đó, Hội  phấn đấu hỗ trợ thoát nghèo cho 17 gia đình hội viên. Cụ thể, từ nguồn Quỹ Vì người nghèo, Hội đã phân bổ hỗ trợ cho 11 hộ gia đình về công cụ lao động, con giống, vật nuôi và qua kiểm tra, nắm bắt đều cơ bản đã thoát nghèo.

Theo ông Nguyễn Đình Liên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện, cũng từ hoạt động hướng về cơ sở, nắm bắt tình hình hội viên còn nghèo về nhà ở, Hội đã xây dựng nghị quyết xóa nhà cho hội viên khó khăn. Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm, Hội đều hỗ trợ làm mới và sửa chữa từ 2-3 căn nhà Nghĩa tình đồng đội.

Tương tự, chỉ tính riêng năm 2020, Hội LHPN huyện Đắk Song có 15 gia đình hội viên nghèo được hỗ trợ mua con giống phát triển chăn nuôi. Các gia đình tự lựa chọn mô hình để phát triển và trực tiếp lựa chọn con giống phù hợp. Thực tế, khi được hỗ trợ, các chị thực sự rất vui mừng và quyết tâm chăn nuôi tốt để sớm thoát nghèo.

Ngoài ra, Hội Phụ nữ huyện còn duy trì các mô hình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo có địa chỉ; thành lập các câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế; mô hình hội viên khá giúp hội viên nghèo…

 Cùng với duy trì các giải pháp trên, sau khi nghiên cứu, tìm hiểu thực tế của địa phương, Huyện ủy đã xây dựng mô hình “5 đảng viên giúp một hộ dân thoát nghèo” để cán bộ, đảng viên phát huy vai trò, trách nhiệm của mình đối với người dân nơi sinh sống. Cụ thể, 29 tổ chức cơ sở đảng với 2.632 đảng viên trực tiếp giúp đỡ 1.273 hộ nghèo; trong đó năm 2020 phấn đấu giúp 452 hộ thoát nghèo.

Phát huy trách nhiệm của đảng viên

Tinh thần “đảng viên đi trước" cũng là cách làm thiết thực để cổ vũ người dân trong xóa nghèo cũng như gắn kết niềm tin vào Đảng, chính quyền. Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện nghị quyết về giảm nghèo, để đạt được chỉ tiêu này, huyện Đắk Song đã phấn đấu giảm 2,17% hộ nghèo.

Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Nam Bình Phạm Khánh Hưng, thực hiện mô hình “5 đảng viên giúp một hộ dân thoát nghèo”, Đảng ủy xã đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, trong đó yêu cầu 240 đảng viên giúp đỡ 60 hộ nghèo trong năm 2020, có nghĩa là 4 đảng viên sẽ giúp 1 hộ thoát nghèo. Hiện nay, các đảng viên được phân công đã trực tiếp đi xuống các hộ nghèo khảo sát nguyên nhân, xác định giải pháp để giúp đỡ thiết thực.

Theo Phó Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Khánh, bước đầu triển khai mô hình, hầu hết các đảng viên trong huyện đều rất phấn khởi, đồng thuận, quyết tâm cao và đang từng bước hỗ trợ các hộ nghèo về vốn, khoa học kỹ thuật, cây, con giống để có thêm điều kiện thoát nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Song huy động cả hệ thống chính trị chung tay giúp dân xóa nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO