Đắk Som ngày ấy... bây giờ

Hoàng Thanh| 14/08/2018 10:00

Xã Đắk Som (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) hiện có 2.378 hộ, với 11.487 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 76%. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong quá trình phát triển, nhưng được sự quan tâm về mọi mặt của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và sự nỗ lực vươn lên của người dân, Đắk Som đang ngày càng khởi sắc.

ADQuảng cáo

Khu vực Đắk Nang-xã Đắk Som ngày càng sầm uất. Ảnh: Quang Vũ

Một thời gian khó

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập tỉnh Đắk Nông, chúng tôi đã có dịp vào Đắk Nang (khu vực 4 thôn) của xã Đắk Som hiện nay. Lúc đó, địa bàn rất khó khăn, ngoại trừ khu vực trung tâm, nhiều thôn, bon ở đây vẫn còn “3 không” (không đường, không điện, không trường, trạm).

Để đến được Đắk Nang, chúng tôi phải vượt qua chặng đường dài, đất lầy lội, những căn nhà gỗ, tre nứa, lợp tranh lưa thưa dọc đường thôn le lói ánh đèn dầu. Muốn tìm chỗ nghỉ chân cũng khó vì hầu hết bà con người Mông ở đây không biết tiếng phổ thông. Trong chuyến công tác ấy, thông qua các giáo viên bám trường tại điểm trường tiểu học ở địa bàn, chúng tôi được biết nơi đây chỉ có 1 bon người Mạ, còn lại là đồng bào dân tộc Mông. Các hộ dân ở đây phần lớn là hộ nghèo, kinh tế chủ yếu là trồng cây lương thực ngắn ngày như bắp, sắn và khai thác lâm sản phụ từ rừng.

Đồng bào Mông ở Đắk Som luôn mặc trang phục truyền thống của dân tộc

Đời sống khó khăn, bà con không quan tâm đến việc học hành của con cái và vẫn duy trì các tập tục lạc hậu như ốm đau thì cúng bái, tảo hôn, sinh nhiều con… nên cái vòng đói nghèo cứ luẩn quẩn. Theo các giáo viên, đường đến trường xa xôi, cách trở, có những địa bàn cách trường tới gần 20 km nên việc vận động các em đi học rất khó. Vì vậy, tình trạng bỏ học diễn ra triền miên vì các em mải lên nương rẫy để phụ giúp bố mẹ. Thậm chí, nhiều em mới 13 tuổi đã lập gia đình. Nhiều năm liền địa bàn không có học sinh theo học THCS.

Hạ tầng khó khăn, thiếu thốn, dân trí thấp, ảnh hưởng nhiều đến việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như phổ biến kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi của cơ quan chức năng, đoàn thể đến với bà con cũng rất gian nan.

Thế hệ trẻ như Thào Seo Chứ ý thức việc sinh con ít để có điều kiện chăm sóc, cho con ăn học

Được quan tâm đầu tư hạ tầng

Thế rồi thời gian khó cũng nhanh chóng qua đi. Có lẽ, người dân ở khu vực Đắk Nang cho đến giờ vẫn ngỡ ngàng bởi sự đổi thay nhanh đến như vậy. Từ năm 2007, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia như: 134, 135… và các dự án khác, chính quyền địa phương đã từng bước đầu tư xây dựng hạ tầng và triển khai các chương trình an sinh xã hội để hỗ trợ bà con.

Trước hết, tỉnh đã quan tâm đầu tư, đưa điện lưới quốc gia về khu vực này. Điện về đã sáng bừng cuộc sống của bà con nơi đây. Có điện, không chỉ giúp cuộc sống sinh hoạt thuận tiện, bà con còn có điều kiện tiếp thu, cập nhật thông tin, khoa học kỹ thuật để phục vụ sản xuất. Tiếp đó, năm 2009, tuyến đường nhựa từ trung tâm xã xuống Đắk Nang được xây dựng đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho bà con đi lại, vận chuyển nông sản và học sinh có điều kiện theo học cao hơn. Trạm y tế, trường học cũng được xây dựng đồng bộ, khang trang.

Theo ông Hoàng Huy Tùng, Chủ tịch UBND xã Đắk Som, được sự đầu tư của Nhà nước và chính quyền địa phương, hiện nay gần 100% số hộ của xã được sử dụng điện lưới quốc gia. Hạ tầng hiện tại cơ bản đáp ứng được nhu cầu, các trục đường chính ở các thôn, bon đều là đường nhựa hoặc bê tông. Có được những điều kiện thuận lợi đó, bà con đang ra sức phát triển kinh tế, tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, bà con đã hiến đất, góp công xây dựng, hoàn thành 9/9 hội trường thôn, bon để làm nơi sinh hoạt của cộng đồng và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nhất là các lễ hội, cồng chiêng và ngành nghề thủ công. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bà con dần từ bỏ những tập tục lạc hậu, chú trọng đến việc học hành của con cái. Tại địa bàn, trên 90% trẻ em đến trường đúng độ tuổi. Các gia đình cũng chú trọng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ và tỷ lệ sinh giảm dần.

ADQuảng cáo

Về kinh tế, hiện bà con đang chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Hiện nay, toàn xã có 2.600 ha cà phê, 40 ha tiêu, gần 100 ha cây ăn quả như bơ, sầu riêng. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất ngày càng tăng lên. Chú trọng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nên số hộ nghèo của xã giảm dần theo từng năm. Năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo của xã gần 90%, hiện nay đã giảm xuống chỉ còn 60%.

Bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm

Có được những kết quả đáng mừng đó, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, bà con nơi đây cũng đã dần thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn vươn lên thoát nghèo, làm giàu, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Biết chuyển đổi cây trồng, gia đình ông Giàng A Tráng, thôn 4, xã Đắk Som hiện mỗi năm thu hoạch khoảng 10 tấn cà phê. Ảnh: Quang Vũ

Gia đình ông Giàng A Tráng, ở thôn 4 là một trong những người định cư đầu tiên theo kế hoạch ở khu vực Đắk Nang từ năm 2001. Khi mới vào đây, cũng như nhiều hộ dân khác, gia đình ông rất khó khăn. Những mảnh đất khai hoang được, ông chủ yếu trồng sắn, hiệu quả không cao, nên nhiều năm liền luôn thiếu đói. Năm 2007, từ khi có điện, ông đã chuyển đổi sang trồng cà phê và từ năm 2010 đến nay năm nào cũng thu được gần 10 tấn cà phê. Ngoài ra, ông còn trồng 3 sào lúa nước mỗi năm thu được 2 tấn lúa, cả gia đình 7 người ăn không hết.

Ông Tráng cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người dân chúng tôi mới có điều kiện vươn lên, biết cách làm ăn, nếu không cuộc sống sẽ mãi đói nghèo”.

Ngoài trồng cà phê và lúa, vợ chồng Giàng A Tráng còn trồng bắp để nuôi gà

Gia đình anh Thào A Giả ở thôn 1 thì có cách làm khác. Từ năm 2009, sau khi có đường giao thông thuận lợi, anh đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư dịch vụ vận tải. Ban đầu, anh mua lại chiếc ô tô cũ 50 chỗ để vận chuyển khách từ Đắk Nang đi Lào Cai. Sau nhiều năm làm ăn hiệu quả, anh “nâng cấp” dần phương tiện, hiện đã mua được 1 chiếc xe giường nằm, trị giá 3,5 tỷ đồng.

Còn các gia đình Vừ Thị Dụ, Thào Seo Chứ và Tráng A Giáo, ở thôn cũng có cách nghĩ và cách làm khác. Vừ Thị Dụ vừa tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm và có mong ước được trở lại mảnh đất Đắk Som yêu thương để dạy “con chữ” cho con em mình. Tráng A Giáo thì học THPT xong đăng ký đi học nghề và hiện đang là công nhân tại Nhà máy Alumil Nhân cơ (Đắk R’lấp).

Gặp anh khi về thăm nhà cuối tuần, Giáo tâm sự: “Trước đây, vì điều kiện khó khăn, nhận thức chưa đầy đủ nên bà con mình sống khó khăn, luẩn quẩn. Hiện tại, Đảng, Nhà nước đã tạo rất nhiều điều kiện cho bà con vươn lên nên mình được đi học nghề để phấn đấu, tạo dựng cuộc sống”. Thào Seo Chứ thì rất hiếu học, anh đã theo học đại học luật những mong sau này được công tác tại địa phương để có điều kiện giúp đỡ bà con.

Cả Dụ, Chứ và Giáo là thế hệ trẻ sau này, đều đã có gia đình, song khác với bà con người Mông tại địa bàn, họ đều sinh rất ít con. Thào Seo Chứ tâm sự: “Trước đây, bà con thường có quan niệm sinh nhiều con, nên cứ bị cái vòng đói nghèo bám riết. Thế hệ chúng tôi thì khác, ai cũng ý thức rằng sinh ít con để có điều kiện nuôi dạy, chăm sóc và cho ăn học, có điều kiện vươn lên”.

So với nhiều năm về trước, Đắk Som đã từng bước khởi sắc, nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn trên bước đường đi lên. Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, sự thay đổi tư duy của bà con, nhất là của các bạn trẻ như nói trên, chắc chắn trong một tương lai không xa, Đắk Som sẽ tiếp tục khởi sắc, trở thành vùng quê giàu đẹp, hòa cùng nhịp bước với các địa phương của tỉnh Đắk Nông trên bước đường phát triển đi lên.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Som ngày ấy... bây giờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO