Đắk Nông sau 40 năm giải phóng

Đức Diệu| 23/03/2015 16:17

Sau 40 năm kể từ ngày được giải phóng (23/3/1975-23/3/2015), với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân toàn tỉnh, Đắk Nông đã có những bước tiến quan trọng trên lộ trình phát triển. Từ một tỉnh có kinh tế lạc hậu, chủ yếu là tự cung, tự cấp, đến nay, Đắk Nông đang được biết đến với một địa phương đầy tiềm năng, tiềm lực cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

ADQuảng cáo

Đầu tư cơ sở hạn tầng được quan tâm

Hòa bình lập lại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đắk Nông bắt đầu công cuộc kiến thiết với xuất phát điểm rất thấp, hầu như từ con số không. Vì thế, qua một thời kỳ dài (từ năm 1975 đến thời điểm trước khi tái thành lập tỉnh), Đắk Nông vẫn chỉ là một địa bàn hoang sơ, nghèo nàn và lạc hậu. Tuy nhiên, kể từ sau khi tỉnh được thành lập (1/1/2004), Đắk Nông từng bước khởi sắc trên nhiều mặt mà trước hết là hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư ngày càng đồng bộ hơn.

Một góc thị xã Gia Nghĩa hôm nay. Ảnh: Ngọc Tâm

Nếu như trước năm 2003, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh chỉ ở mức rất thấp thì sau khi thành lập tỉnh đến nay, bình quân mỗi năm, vốn đầu tư toàn xã hội tăng hơn 27%. Đơn cử, giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 55.683 tỷ đồng; trong đó, các nguồn vốn ngân sách tín dụng, vốn ODA do tỉnh quản lý là 9.700 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn Nhà nước, vốn đóng góp của nhân dân, các doanh nghiệp...

Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đang tăng cao ở những năm gần đây. Riêng chỉ tính năm 2013, tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào địa bàn tỉnh đạt 8.537 tỷ đồng, tăng 37,25% so với năm 2012 và tăng gần 10 lần so với năm 2004.

Để tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững, nguồn vốn đầu tư do tỉnh quản lý trong những năm qua được tập trung phân bổ đầu tư hạ tầng kinh tế, giáo dục, đào tạo nhằm tạo động lực cho sự phát triển. Trong quá trình đầu tư, bằng các cơ chế, chính sách phù hợp, linh hoạt, tỉnh đã từng bước khắc phục tình trạng đầu tư không đồng bộ, dàn trải, sớm đưa các công trình vào sử dụng, phát huy nguồn vốn đầu tư.

Để sớm cải thiện hạ tầng thấp kém, thiếu đồng bộ, tỉnh đã tập trung nguồn lực ngân sách Nhà nước, huy động nguồn vốn ODA, cũng như xây dựng các chính sách để thu hút huy động nguồn lực trong nhân dân. Từ một địa phương với cơ sở hạ tầng yếu kém, đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 3.500 km đường bộ từ tỉnh lộ đến đường liên thôn, liên xã với tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa khá cao.

Bên cạnh đó, hệ thống trường học, bệnh viện, trạm y tế xã, phường cũng được đầu tư xây dựng kiên cố; trụ sở hành chính Nhà nước được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu làm việc, học tập và khám, chữa bệnh cho cán bộ, người dân. Ngoài quan tâm đầu tư khu vực nông thôn, những năm qua, tỉnh cũng đã chú trọng khắc phục thực trạng hạ tầng kinh tế yếu kém khu vực đô thị.

Theo đó, tỉnh đã tập trung nguồn lực ngân sách Nhà nước, huy động các nguồn vốn khác để ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị. Chỉ tính riêng thị xã Gia Nghĩa, từ ngày thành lập tỉnh đến nay, với nhiều nguồn khác nhau, thị xã đã được đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng cho xây dựng hạ tầng kinh tế. Từ đây, các chỉ tiêu về kết cấu hạ tầng đô thị được cải thiện vượt bậc với tỷ lệ đô thị hóa đạt 20%.

Các đô thị như thị xã Gia Nghĩa đã công nhận đô thị loại III, thị trấn Đắk Mil và Kiến Đức được nâng cấp thành đô thị loại IV. Bên cạnh đó, các tuyến giao thông quan trọng, mang tính liên vùng từng bước được đầu tư như quốc lộ 14, đường bắc nam, đường tránh đô thị Gia Nghĩa, tuyến đường từ Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp) đi Quảng Khê (Đắk Glong) và các tuyến tỉnh lộ...

ADQuảng cáo

Nổi bật nhất là qua việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh cũng đã đầu tư, xây dựng được hàng trăm ki lô mét đường nhựa, đường bê tông liên thôn, nội đồng; xây dựng được nhiều công trình cầu, cống, công trình thủy lợi để phục vụ đi lại, sản xuất của người dân.
Với việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, mạng lưới hạ tầng cơ sở trên địa bàn đang từng bước được đồng bộ hóa, phục vụ kịp thời cho nhu cầu phát triển.

Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk R'lấp) đi vào hoạt động sẽ tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy nền công nghiệp khai khoáng của tỉnh

Kinh tế đang phát triển đúng hướng

Có thể thấy, “bức tranh” kinh tế của tỉnh chỉ thực sự khởi sắc sau khi thành lập tỉnh, nhất là từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (giai đoạn 2005-2010) đến nay. Kết thúc năm 2004, tổng sản phẩm GDP trên địa bàn tỉnh đã tăng 10,5% so với năm 2003, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng ngành Nông - Lâm nghiệp giảm từ 83,6%, xuống 78,1%, công nghiệp - xây dựng tăng từ 4,4% lên 5,9%, dịch vụ từ 12% lên 16%, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới.

Bước ngoặt trong phát triển kinh tế của Đắk Nông được bắt đầu từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX với những dấu ấn đậm nét. Giai đoạn này, tăng trưởng kinh tế tỉnh trung bình đạt 13,53%/năm. Quy mô và chất lượng nền kinh tế được nâng lên rõ rệt.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trên nền tảng  kinh tế đã đạt được, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2011-2015), tỉnh  đã khẳng định, kinh tế đang phát triển đúng hướng. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế theo hướng có chiều sâu, mang tính bền vững, tỉnh đã đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm gồm “2 tập trung, 3 đột phá” để tập trung nguồn lực thực hiện.

Từ đây, không chỉ tỷ trọng về nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ đang có những chuyển dịch tích cực mà chất lượng ở các lĩnh vực kinh tế cũng đang từng bước đi vào chiều sâu. Xét một số chỉ tiêu cơ bản, giai đoạn 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt bình quân trên 13%/năm; thu ngân sách năm 2015 phấn đấu đạt gần 1.500 tỷ đồng; giá trị kinh tế trên một ha đất nông nghiệp đã tăng gấp nhiều lần so với giai đoạn trước khi thành lập tỉnh...

Đặc biệt, với việc khởi động đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) và định hướng lựa chọn một số cây, con chủ lực của tỉnh để xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp, khuyến khích đầu tư, phát triển, ngành Nông nghiệp tỉnh nhà đang có nhiều triển vọng phát triển về chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa.

Trong sản xuất công nghiệp, việc hàng loạt dự án tầm cỡ được triển khai như Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ; Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông... đã và đang khẳng định đây là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong năm 2015, sản xuất công nghiệp của tỉnh phấn đấu thực hiện đạt 3.110 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2010; chỉ số sản xuất công nghiệp trong giai đoạn này tăng bình quân 12,21%/năm.

Có thể thấy, tuy chưa thực sự tạo được những bứt phá ngoạn mục nhưng nền kinh tế của tỉnh thời gian qua đã có những bước chuyển biến khá tích cực, tạo tiền đề, điều kiện để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh cũng như huy động nguồn lực cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông sau 40 năm giải phóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO