Đắk Mil, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có sức lan tỏa

Mỹ Hằng| 18/04/2019 09:06

Thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Đắk Mil đã đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đạt được nhiều kết quả theo chiều hướng tích cực, có sức lan tỏa rộng rãi.

ADQuảng cáo

Đồng bào M'nông ở Đắk Mil tham gia thi diễn tấu cồng chiêng tại Hội Xuân Kỷ Hợi 2019

Theo đó, để việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 27 mang lại hiệu quả, huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân gắn việc thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang với việc thực hiện các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng thôn, bon, cơ quan, đơn vị văn hóa và xây dựng nông thôn mới.

Các phòng chức năng của huyện phối hợp, hướng dẫn các địa phương xây dựng và chỉnh sửa quy ước, hương ước thôn, bon phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, lấy các nội quy làm cơ sở tiêu chuẩn bình xét các danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa. Người dân còn được tổ chức đăng ký, ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Từ đó, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội dung, quy định của việc thực hiện nếp sống văn minh, những quy ước, hương ước của địa phương ngày càng được người dân thực hiện nghiêm túc.

Việc cưới được tổ chức văn minh, lịch sự, tiết kiệm, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế và văn hóa của từng gia đình, địa phương. Nam nữ đều tự nguyện kết hôn, cùng nhau thực hiện tốt luật Hôn nhân gia đình. Hình thức tổ chức lễ cưới trang trọng, các nghi thức diễn ra ngắn gọn, nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Không còn tình trạng ăn uống linh đình, nhiều nơi đã tổ chức tiệc trà theo hướng gọn nhẹ, tiết kiệm. Việc đăng ký và trao giấy chứng nhận kết hôn đã được các địa phương thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Đối với việc tang cũng được đưa vào quy ước xây dựng thôn, bon, tổ dân phố văn hóa để các khu dân cư, gia đình cùng nhau thực hiện như không sử dụng nhạc tang sau 23 giờ đêm và trước 5 giờ sáng; người qua đời nếu không có thân nhân, gia đình đứng ra lo liệu thì chính quyền, đoàn thể phối hợp, chịu trách nhiệm tổ chức đám tang. Mỗi khi gia đình nào có người qua đời đều đến chính quyền khai báo và làm giấy khai tử.

ADQuảng cáo

Các đám tang đều có ban lễ tang phối hợp cùng gia đình tang chủ tổ chức các nghi thức nghiêm trang, vệ sinh, văn minh, tiết kiệm. Người chết không để trong nhà quá 48 giờ và được mai táng đúng quy định, vừa bảo đảm hợp vệ sinh vừa thể hiện được tình cảm đạo hiếu với người đã khuất. Tình trạng rải tiền, vàng mã trên đường đưa tang về cơ bản được xóa bỏ.

Sau đám tang không còn tình trạng làm cỗ mời khách, chỉ tổ chức gọn nhẹ trong gia đình. Việc phân biệt “chết lành” hay “chết dữ” và tổ chức ăn uống dài ngày của đồng bào dân tộc thiểu số được xóa bỏ. Đến nay, hầu hết các khu dân cư đều có quy hoạch nghĩa trang và nơi chôn cất theo đúng quy định, bảo đảm hợp vệ sinh, trật tự và mỹ quan. Việc xây dựng mồ mả gọn gàng, sạch đẹp, không phô trương gây lãng phí.

Chỉ tính riêng từ năm 2016-2018 trên địa bàn huyện đã có 9.545 đám cưới; trong đó có 6.330 đám cưới theo nếp sống văn hóa mới và 3.125 đám cưới theo mô hình mới hiệu quả, tiết kiệm.

Vấn đề lễ hội cũng được chính quyền các cấp huyện Đắk Mil quan tâm, gìn giữ. Mỗi khi có lễ hội diễn ra, thôn xóm, người dân đều viết đơn xin phép chính quyền địa phương rồi mới tổ chức. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, không kéo dài ngày, diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quê hương. Phần lễ ngắn gọn, thiết thực, không rườm rà, tiết kiệm thời gian. Phần hội có nhiều trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc như đi cà kheo, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co...

Hầu hết các lễ hội được tổ chức đều có sự thống nhất chung, thời gian không quá 2 ngày, gìn giữ, bảo đảm vệ sinh, an ninh trật tự...Tiêu biểu như Lễ hội Hoa đăng ở thị trấn Đắk Mil được tổ chức hàng năm vào đầu năm mới; Lễ hội Lồng Tồng của đồng bào các dân tộc phía Bắc tổ chức tại các xã Long Sơn, Đắk R’la…

Theo ông Ngô Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện-Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Đắk Mil, để phong trào thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có sức lan tỏa, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng các hoạt động liên quan đến xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư. Tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tiếp tục được gắn với bình xét công nhận các danh hiệu văn hóa và danh hiệu thi đua của cán bộ, đảng viên...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Mil, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có sức lan tỏa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO