Đại biểu Quốc hội Đắk Nông thảo luận về phát triển kinh tế-xã hội

Đ.D| 22/07/2021 19:27

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 22/7, các đại biểu thảo luận tại tổ về báo cáo kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, giải pháp 6 tháng cuối năm 2021 và kết quả thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016-2020; kế hoạch, giải pháp giai đoạn 2021-2026.

Tham gia thảo luận tổ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã tích cực có nhiều  ý kiến thảo luận sâu về kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển thời gian qua cũng như giải pháp cho giai đoạn tới.

Thảo luận về các báo cáo của Chính phủ, đại biểu Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đồng tình cao với những đánh giá về kết quả chúng ta đã đạt được trên các lĩnh vực; những nguyên nhân, khách quan, chủ quan và giải pháp Chính phủ đề ra trong thời gian đến. 6 tháng vừa qua, cả hệ thống chính trị, toàn dân đã thực hiện tốt mục tiêu kép là vừa phát triển vừa phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, trước  tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, an dân để tiếp tục đoàn kết vượt qua đại dịch. Một số địa phương yếu về nguồn lực, hạ tầng giao thông chậm phát triển, dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ khó khăn hơn trong lưu thông, khoanh vùng dập dịch và điều trị. Vì vậy, Trung ương cũng cần kịp thời hỗ trợ cho các địa phương này khi phát sinh dịch bệnh.

Đại biểu Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông thảo luận tại tổ

Về kế hoạch 5 năm, đại biểu Ngô Thanh Danh cho rằng trước hết chúng ta phải phát triển tốt kinh tế vĩ mô; tăng cường đối ngoại và phát triển mạnh mẽ nội lực. Trong 5 năm qua cho thấy,  chúng ta đã phát huy rất tốt nội lực, trí tuệ của người Việt Nam, cùng với linh hoạt trong công tác đối ngoại nên vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên tầm cao mới.

Về giải pháp trong giai đoạn 2021-2026, đại biểu Ngô Thanh Danh cho rằng  chúng ta cần giải quyết tốt bài toán giữa phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc; phát triển gắn với môi trường bền vững và rút ngắn khoảng cách giàu nghèo. Mặt khác, Trung ương cần ưu tiên tập trung nguồn lực cho các vùng khó khăn, nhất là khi có dịch bệnh phát sinh. Mặt khác, Tây Nguyên là vùng kinh tế động lực nên cần quan tâm hơn nữa về đầu tư nguồn lực phát triển hạ tầng để phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế của toàn khu vực này.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông cũng thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ về kết quả, những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đời sống người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn. Gói 62 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân được phân bổ kịp thời đã tạo tin tưởng từ Nhân dân với Chính phủ. Bên cạnh đó, việc thành lập “Qũy vắc xin phòng chống Covid-19” là một sáng kiến được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, doanh nghiệp, người dân đồng tình hưởng ứng.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông thảo luận tại tổ

Đại biểu Dương Khắc Mai đồng quan điểm với đánh giá của Chính phủ và Ủy ban kinh tế về những vấn đề thách thức do đại dịch Covid-19 như: doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng, tiêu thụ nông sản của Nhân dân gặp khó khăn; xuất khẩu của chúng ta vẫn đang phụ thuộc nhiều vào FDI, chỉ cần 1 tác động sẽ kéo theo dây chuyền trong xuất khẩu. Đặc biệt, thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên khó khăn trong xây dựng cơ bản vì giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, trong khi hạ tầng giao thông chưa phát triển, chi phí vận chuyển lớn dẫn đến giá cả cao hơn các vùng đồng bằng rất nhiều.

Đại biểu Dương Khắc Mai kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, theo sát, có giải pháp xử lý kịp thời những nguy cơ về thị trường bất động sản hiện nay. Một số vấn đề khác như: hàng đa cấp, sàn tiền ảo liên tục diễn ra gây hệ lụy tác động người dân nên Chính phủ, các bộ, ngành cần có giải pháp ngăn chặn ngay từ đầu.  Liên quan đến đại dịch Covid-19, đại biểu cho rằng Chính phủ cần có báo cáo đánh giá tác động xã hội, từ đó có giải pháp căn cơ lâu dài từ giáo dục, phát triển kinh tế, tâm lý đại bộ phận người dân.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn đại biểu Đắk Nông tham gia thảo luận tại tổ

Liên quan đến lĩnh vực đầu tư công, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn đại biểu Đắk Nông nhấn mạnh: Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Tình trạng chuyển nguồn năm này sang năm sau vẫn diễn ra. Trong khi tiền thì đi vay rồi nhưng để đó, không giải ngân được, không đưa vào nền kinh tế được mà vẫn phải trả lãi thì rất là lãng phí. Nguyên nhân là rất nhiều dự án chưa làm chặt ngay từ đầu để trình Quốc hội nên khi thực hiện gặp vướng mắc. Nếu các cơ quan chú ý đến, đánh giá tác động môi trường đầy đủ, báo cáo Quốc hội thì Quốc hội sẽ quyết luôn cơ chế đặc thù để các đơn vị có thể triển khai ngay. Tuy nhiên, do chúng ta chưa chủ động ngay khâu thẩm định, đề xuất dẫn đến dự án triển khai chậm, lãng phí vốn đầu tư công. Đây là những nguyên nhân chủ quan mà cụ thể là ý thức tuân thủ pháp luật của các cơ quan khi mà triển khai dự án trình với Quốc hội. Một trong những giải pháp tiếp theo mà Chính phủ đưa ra là việc phân cấp, phân quyền, kiểm tra, giám sát, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng cần thêm vào nội dung xử lý vi phạm. Vì ngoài phân cấp, phân quyền, kiểm tra, giám sát thì mọi hành vi vi phạm cần được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh để chúng ta có kết quả tốt hơn trong giải ngân vốn đầu tư công.

Liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn chậm như báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng ở đây có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có cả khách quan và chủ quan. Về mặt khách quan, doanh nghiệp nào trong diện cổ phần hóa mà tốt thì tư nhân đã tham gia. Đến thời điểm này, còn những doanh nghiệp thuộc diện khó, quá khó để cổ phần hóa. Chung quy chủ yếu chúng ta đang vướng ở mấy điểm liên quan đến thể chế nên cần sớm tháo gỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội Đắk Nông thảo luận về phát triển kinh tế-xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO