Đại biểu Quốc hội Đắk Nông đề nghị bổ sung chính sách về an sinh xã hội

Đ.D| 10/11/2021 09:41

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, ngày 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tập trung về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19…

ADQuảng cáo

Tham gia thảo luận về nội dung này, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung các gói chính sách mới nhằm bao phủ những khoảng trống hiện nay trong chính sách an sinh xã hội.  

Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông tham gia thảo luận

Đại biểu Dương Khắc mai khẳng định: trong thời gian qua, hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, góp phần ổn định đời sống của Nhân dân, đảm bảo công bằng xã hội. Điều này càng thể hiện rõ trong đại dịch hiện nay. Tuy nhiên, công tác an sinh xã hội vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm.  Đó là tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội mới đạt 35 đến 36%; bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 28 đến 29%. Số nợ chậm đóng bảo hiểm ngày càng gia tăng. Đặc biệt đối tưởng hưởng chế độ bảo hiểm một lần năm 2020 tăng 6,65% so với 2019. Con số này có thể tiếp tục gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Mặt khác, hiện nay còn khoảng 9% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế là một khoảng trống trong công tác chăm sóc sức khỏe đối với người dân.

ADQuảng cáo

Về công tác giảm nghèo, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm nhưng giảm nghèo còn thiếu tính bền vững và khả năng tái nghèo cao. Sự phân hóa giàu, nghèo có xu hướng ngày càng tăng, khoảng cách phát triển giữa các vùng nông thôn và thành thị còn chênh lệch khá lớn. Việc thực hiện chính sách cho người có công vẫn còn tồn tại không ít vướng mắc, bất cập. Một số vấn đề nữa là do ảnh hưởng của đại dịch, một lượng lớn người lao động làm việc tại các đô thị, trung tâm kinh tế lớn trở về các địa phương, trong đó có tỉnh Đắk Nông đã và đang đặt ra những khó khăn, thách thức mới trong vấn đề giải quyết việc làm và an sinh xã hội. Đại dịch đã tác động tiêu cực tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó tác động đến trẻ em theo nhiều khía cạnh, đe dọa đến an toàn, sức khỏe, tính mạng, tâm sinh lý của trẻ em. Việc học tập bị gián đoạn, phương thức học tập mới đặt ra vô vàn khó khăn, thách thức. Đặc biệt là nhóm trẻ em nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa. Đại dịch đã làm hơn 1000 trẻ em mất đi cha, mẹ, người thân. Đây là một vấn đề lớn cần đến sự quan tâm của toàn xã hội trước mắt cũng như lâu dài. Các gói an sinh xã hội năm 2020-2021 dù đã được triển khai rất sớm nhưng trong thực hiện vẫn còn nhiều ách tắc, làm hạn chế đến hiệu quả thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, ngày 9/11

Để chủ trương của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Chính phủ cần có giải pháp toàn diện, nâng cao năng lực quốc gia để ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh, nhất là đầu tư nguồn lực, nâng cao năng lực ứng phó cho cơ sở và từ cơ sở một cách kịp thời để nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Bên cạnh đó, Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập để tạo hành lang pháp lý đầy đủ nhất có thể cho lĩnh vực an sinh xã hội; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách, pháp luật về  an sinh xã hội và để đảm bảo rằng các nguồn lực cho lĩnh vực này được sử dụng đúng mục đích. Tích cực triển khai có hiệu quả các gói hỗ trợ, nghiên cứu, bổ sung các gói chính sách mới nhằm bao phủ những khoảng trống trong chính sách an sinh xã hội. Tập trung huy động hợp lý, hiệu quả, công bằng các nguồn lực xã hội, chăm lo tốt hơn cho đời sống của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Các địa phương cũng cần ưu tiên dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt đối với trẻ em, nhất là trẻ em mồ côi bị tác động bởi đại dịch Covid-19. Phát triển hệ thống bảo hiểm tiến bộ, đẩy mạnh hình thức bảo hiểm tự nguyện, có giải pháp căn cơ, hạn chế thấp nhất tình trạng hưởng chế độ bảo hiệm xã hội một lần, xử lý mạnh để hạn chế tối đa nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế kéo dài; thúc đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng các mô hình an sinh xã hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội Đắk Nông đề nghị bổ sung chính sách về an sinh xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO