Cựu chiến binh với ký ức Gia Nghĩa trong những ngày tháng 3 lịch sử

Phan Đinh| 23/03/2020 08:52

Năm 20 tuổi, ông Nguyễn Văn Khanh đã theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ và chiến đấu tại chiến trường Quảng Đức (nay là thành phố Gia Nghĩa). Đã 60 năm trôi qua, nhưng ký ức về những tháng năm cùng đồng đội trực tiếp chiến đấu để giải phóng mảnh đất Gia Nghĩa vẫn in đậm trong trái tim người cựu chiến binh ấy.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khanh kể, ông sinh ra và lớn lên ở xã Điện Nam, huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Năm 1960, ông gia nhập quân ngũ và tham gia chiến đấu chống giặc Mỹ tại chiến trường Quảng Đức. Ông công tác tại Ban Hậu cần Tỉnh đội Quảng Đức.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khanh cùng vợ xem các huân chương, huy chương do Đảng, Nhà nước trao tặng cho ông

Hiện nay, ông Khanh đang sinh sống tại tổ dân phố 2, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa). Ông là Trưởng Ban liên lạc chiến trường Quảng Đức tại thành phố Gia Nghĩa. Nhớ lại những ngày tham gia giải phóng Gia Nghĩa, đó là những ngày của tháng 3 lịch sử năm 1975, ông Khanh kể: Quân mình vào Quảng Đức khi ấy không phải là bất ngờ mà có sự chuẩn bị trước. Lệnh của Trung ương là phải giải phóng Tây Nguyên.

Trước thời gian đó, chúng tôi thành lập đoàn vận tải chủ yếu chuẩn bị cơ sở vật chất để khi tiếp quản giải phóng Quảng Đức thì thu chiến lợi phẩm và chở về làm chỗ dựa lương thực, hàng hóa để chuẩn bị cho lâu dài. Đến ngày 10/3/1975, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) được giải phóng thì địch co cụm, dồn trở lại và tập trung vào Quảng Đức. Địch từ các huyện như huyện Kiến Đức, Khiêm Đức, Đức Lập dồn hết về Gia Nghĩa.

Mục đích của giặc Mỹ là về lại Lâm Đồng để cố thủ. Nhưng bộ đội quân giải phóng ta chặn các nẻo đường, nên địch quyết định phải bỏ Quảng Đức để rút về. Đầu tiên chúng rút về Buôn Ma Thuột, nhưng trận đánh hôm 10/3/1975 khiến chúng thất bại, nên phải chạy về theo quốc lộ 28. Thế bấy giờ của địch là bỏ của chạy lấy người. Giặc lên xe là chạy, nhưng đến quốc lộ 28 do đường nhỏ, nên ùn tắc. Cuối cùng chúng phải chạy bộ về hướng sông Đồng Nai, nhưng cũng bị quân ta đánh và thua trận. Gia Nghĩa được giải phóng vào ngày 23/3/1975.

Ông Khanh nhớ lại, sau khi Gia Nghĩa được giải phóng, địch vẫn tuyên truyền, xuyên tạc, nói những điều rúng động về quân giải phóng, nên Nhân dân hoảng sợ, chạy theo địch. Gia Nghĩa coi như "vườn không nhà trống", không có người. Lúc bây giờ chỉ có một số gia đình ở rải rác tại các thôn Nghĩa Đức, Nghĩa Thành, Nghĩa Phú… "Sau khi chúng tôi lên thì dân đói. Khi chạy giặc về họ đi bộ không nổi. Chúng tôi phải dùng xe chở dân từ sông Đồng Nai về Gia Nghĩa để cứu đói. Rồi lại chở bộ đội từ Gia Nghĩa đi Bù Đăng (Bình Phước) để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Rồi chở gạo từ Bù Đăng về lại Gia Nghĩa để nuôi dân. Suốt từ 23/3 cho đến 30/4/1975 thì dân mới trở về Gia Nghĩa tương đối và khoảng 3 tháng sau thì dân mới ổn định”, ông Khanh kể.

Đã 80 tuổi đời và cựu chiến binh Nguyễn Văn Khanh có tới 60 năm gắn bó với mảnh đất Gia Nghĩa. Ông đã có 51 năm tuổi Đảng. Từ lúc còn trai trẻ tham gia đánh giặc cho đến hòa bình, xây dựng cuộc sống, ông luôn cống hiến tuổi xuân, sức lực, trí tuệ  cho mảnh đất Gia Nghĩa. Ông Khanh tâm sự: “Thời kỳ bao cấp thì cơ cực, hàng hóa tự cung tự cấp, nên đời sống người dân lúc bấy giờ ở Gia Nghĩa nói riêng và cả nước nói chung gặp nhiều khó khăn. Đất nước đổi mới là “chìa khóa” mở ra cho nền kinh tế nước nhà phát triển, trong đó Gia Nghĩa của chúng ta đã trở thành một thành phố. Tôi mong rằng, sau này thành phố Gia Nghĩa tiếp tục chú trọng phát triển công nghiệp để thu hút sự đầu tư, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho Nhân dân, để Gia Nghĩa ngày càng giàu đẹp hơn!"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cựu chiến binh với ký ức Gia Nghĩa trong những ngày tháng 3 lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO