"Công việc gốc" ở Ðắk Nông (kỳ 2): Khi người đứng đầu là "dân ngụ cư" ở Gia Nghĩa

Hoàng Hoài| 24/11/2022 09:10

Thực hiện chủ trương chung của Tỉnh ủy, bên cạnh công tác luân chuyển, bố trí, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ trưởng thành từ thực tiễn cơ sở, Thành ủy Gia Nghĩa còn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã không phải là người địa phương.

ADQuảng cáo

Muốn làm được nhiều hơn

Hơn 1 năm nay, ông Vũ Minh Nghĩa đã được luân chuyển về giữ chức Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Phú. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, ông đã không ngừng học hỏi, dành nhiều thời gian, tâm huyết cho công tác của Đảng. Việc chuyển từ Thành ủy về phường công tác đã giúp ông Nghĩa có cơ hội hiểu thực tiễn công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, để có giải pháp phù hợp.

Cụ thể, để khắc phục tình trạng đảng viên khu dân cư sinh hoạt không thường xuyên, vắng quá số buổi quy định, ông đã kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu cấp ủy các chi bộ trực thuộc duy trì sinh hoạt đều đặn, nghiêm túc. Nhờ đó, đến nay, 13/13 chi bộ đã sinh hoạt định kỳ đều đặn, không còn tình trạng vắng nhiều lần liên tục, chất lượng cũng nâng lên.

Trong công tác phát triển đảng viên mới, để không lặp lại tình trạng đề ra chỉ tiêu nhưng thực hiện không đạt, năm 2022, Đảng ủy phường Nghĩa Phú đã triển khai quyết liệt, yêu cầu các chi bộ rà soát, tạo nguồn, bồi dưỡng, tạo điều kiện để quần chúng ưu tú phấn đấu vào Đảng. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức là giải pháp được Đảng ủy chú trọng để làm sao quần chúng ưu tú thấm nhuần, hiểu rõ và tự nguyện viết đơn xin vào Đảng. Qua đó, Đảng bộ phường đã tạo nguồn và dự kiến năm 2022 sẽ vượt chỉ tiêu phát triển đảng viên mới.

Ông Vũ Minh Nghĩa (ngoài cùng bên trái), Bí thư phường Nghĩa Phú luôn sâu sát cơ sở để lắng nghe phản ánh của người dân

“Khi mình thấy hạn chế, chỉ ra và khắc phục được thì đó là món quà lớn, ý nghĩa đối với mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng. Mình làm việc công tâm, dân chủ, khách quan sẽ dành được sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Một năm về công tác ở phường Nghĩa Phú, tôi thấy gắn bó, muốn làm được nhiều hơn để phường ngày càng phát triển, xứng đáng với niềm tin tổ chức giao”, ông Nghĩa chia sẻ.

Làm hết việc chứ không hết giờ

Cách đây 2 năm, chị Vũ Thị Hà được điều động về giữ chức vụ Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân. Ở môi trường làm việc mới, chị luôn cố gắng vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy được qua nhiều năm công tác tại Văn phòng UBND TP. Gia Nghĩa để tiếp cận, làm quen, nhất là phát huy được tính năng động, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ.

“Thời điểm mới về địa phương tiếp nhận công việc, đúng lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh, do phường thiếu cán bộ, nên một mình tôi phải chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kép là vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, tôi nắm tình hình một cách thường xuyên, liên tục và trực tiếp xuống tận nơi để chỉ đạo, triển khai thực hiện. Khó khăn có, nguy cơ mắc dịch bệnh cũng có, nhưng bản thân luôn cố gắng khắc phục, làm việc có thời điểm gấp 3-4 lần, với phương châm “làm hết việc chứ không hết giờ”, chị Hà cho biết.

Chị Vũ Thị Hà (bên trái), Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân luôn tâm niệm làm hết việc chứ không hết giờ

Phường Nghĩa Tân có nhiều diện tích đất cần được thu hồi, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án của thành phố và của tỉnh. Do đó, chị Hà xác định, nhiệm vụ quan trọng trong công tác giải phóng mặt bằng chính là tuyên truyền, vận động. Do đó, chị tìm hiểu, nắm rõ các quy định, bám sát định hướng, yêu cầu của cấp trên để tuyên truyền, vận động, thuyết phục và giải quyết các vấn đề liên quan, tránh khiếu kiện, khiếu nại sau này và bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân.

ADQuảng cáo

Hay trong nhiệm vụ chuyển đổi số, là địa phương được lựa chọn thực hiện điểm, chị Hà yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thật sự gương mẫu ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các công việc, trong đó bản thân chị là người tiên phong làm trước. Đến nay, 100% cán bộ, công chức của phường đã nhận thức được vai trò và thực hiện chuyển đổi số ở trong giao dịch tại bộ phận một cửa và thực thi công vụ. 100% các cuộc họp của Đảng ủy, UBND phường thực hiện không giấy. Cán bộ, công chức rất quyết tâm trong thực hiện chính quyền số và xã hội số. Trong đó, lực lượng cán bộ trẻ, đoàn viên, thanh niên đi đến từng khu dân cư để hướng dẫn bà con thực hiện chuyển đổi số, trước mắt là sử dụng các phần mềm thanh toán không dùng tiền mặt.

Môi trường để cán bộ rèn luyện

Theo đồng chí Võ Phạm Xuân Lâm, UVTV, Bí thư Thành ủy Gia Nghĩa, thời gian qua, Thành ủy Gia Nghĩa luôn quan tâm thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ đảm nhiệm các chức danh chủ chốt ở cơ sở. Qua đó, cán bộ trong diện quy hoạch có môi trường để rèn luyện, am hiểu thực tiễn, phát triển toàn diện, đồng thời, còn khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín.

Đặc biệt, Thành ủy đã vào cuộc, triển khai thực hiện quyết liệt chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp xã không là người địa phương và người đứng đầu không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Đồ họa: Hoàng Hoài

Trước khi luân chuyển, điều động, Thành ủy dựa trên cơ sở kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ và gắn với chức danh quy hoạch. Trọng tâm là tăng cường việc luân chuyển cán bộ giữa các ngành với nhau, giữa cán bộ làm công tác Đảng, Mặt trận đoàn thể với quản lý nhà nước, từ cấp thành phố xuống phường, xã…

Những cán bộ được luân chuyển hầu hết đều là những người có trình độ năng lực, được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, chịu khó, dám nghĩ dám làm nên đã tạo sự đoàn kết trong tập thể cấp ủy, chính quyền, góp phần quan trọng vào sự bứt phá của địa phương.

Đến nay, TP. Gia Nghĩa đã có 7/8 bí thư Đảng ủy phường, xã và 8/8 chủ tịch UBND phường, xã không là người địa phương, cơ bản đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy trong giai đoạn 2021-2026.

“Qua một thời gian thực hiện mô hình bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp xã không là người địa phương, tôi nhận thấy thực sự mang lại hiệu quả rất lớn. Đó là cán bộ có tinh thần, trách nhiệm cao với công việc, chịu khó tìm hiểu, sát sao với cơ sở, ít bị chi phối bởi các mối quan hệ như gia đình, bạn bè, người thân. Điều này dẫn đến giải quyết công việc cũng mang tính khách quan cao, không cục bộ, khép kín hay nể nang, e dè”, Bí thư Thành ủy Võ Phạm Xuân Lâm cho biết.

Thực tế cho thấy, khi được điều động, luân chuyển về các cơ sở mới, tuy không phải nơi thường trú, sinh sống, nhưng nhiều bí thư, chủ tịch UBND cấp xã phát huy kinh nghiệm, trình độ năng lực, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tổ chức đảng nơi công tác trong sạch, vững mạnh.

Kết quả đó đã cho thấy, đây là chủ trương đúng, nên làm và phải làm để góp phần củng cố mạnh mẽ hoạt động của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, giúp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở trưởng thành nhanh hơn, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nhất là củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

>>Kỳ 3: Thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Công việc gốc" ở Ðắk Nông (kỳ 2): Khi người đứng đầu là "dân ngụ cư" ở Gia Nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO