Chú trọng tuyên truyền, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển

Tường Mạnh| 29/03/2017 09:17

Đầu Xuân Đinh Dậu vừa qua, trong dịp đến thăm Báo Đắk Nông, đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nhắn nhủ, mong muốn các cơ quan báo chí trong tỉnh, cùng với tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị thì chú ý đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, thúc đẩy phát triển du lịch của Đắk Nông.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, là một tỉnh có khí hậu ôn hòa, giao thông thuận lợi, có nhiều thắng cảnh đẹp, vậy mà trong dịp tết có rất ít du khách đến địa bàn tỉnh Đắk Nông. Trong khi đó, du khách lại ùn ùn kéo đến Đà Lạt, Bình Thuận, Vũng Tàu… làm cho các khu vui chơi, địa điểm du lịch, khách sạn, nhà nghỉ chật kín. Bên cạnh việc ngành du lịch của tỉnh còn nhiều hạn chế thì một phần cũng phải kể đến công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Đắk Nông đến với bạn bè, người dân trong và ngoài nước cũng còn ít, chưa tạo sức hút đối với du khách.

Du khách tham quan thác Liêng Nung, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa). Ảnh: Hồ Mai

Có thể nói, là một tỉnh Tây Nguyên, Đắk Nông có tiềm năng du lịch khá toàn diện, hội đủ các yếu tố để phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Tiềm năng lớn nhất về thiên nhiên, sinh thái. Địa bàn tỉnh có một hệ thống rừng bảo tồn đặc dụng như Tà Đùng, Nam Nung với hệ sinh thái động vật, thực vật phong phú. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có một hệ thống thác nhiều nhất khu vực như cụm thác Gia Long - Trinh Nữ - Đray Sáp dọc sông Sêrêpốk, thác 7 tầng, thác Giấy, thác Ngầm, thác Lưu Ly, thác Liêng Nung, thác Cô Tiên…

Ngoài ra, nhiều hồ nước tự nhiên và nhân tạo nổi tiếng như hồ Ea Snô, hồ Tây, hồ Thủy điện Đồng Nai, hồ thủy điện Đắk R'tíh. Đặc biệt, hang động núi lửa Krông Nô - một hang động thuộc loại lớn và hùng vĩ nhất Đông Nam Á vừa được phát hiện. Hiện nay tỉnh ta đang xúc tiến xây dựng Công viên địa chất Krông Nô và hứa hẹn về một điểm du lịch hấp dẫn.

Về tài nguyên nhân văn, địa bàn tỉnh cũng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có các đồng bào tại chỗ như M’nông, Mạ, Ê đê… hiện đang lưu giữ một kho tàng văn hóa lễ hội phong phú, đa dạng. Tỉnh cũng nằm trong quần thể không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và kho tàng sử thi bất hủ...

Trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích lịch sử quan trọng như Di tích lịch sử N’Trang Lơng (Tuy Đức), Di tích N’Trang Gưr (Krông Nô) Di tích lịch sử Khu cách mạng B4 (Krông Nô), Nhà ngục Đắk Mil… Tất cả những di sản lịch sử văn hóa nói trên là nguồn tài nguyên quý giá để chúng ta bảo tồn, khai thác, phát triển du lịch tỉnh nhà.

Tuy nhiên, tình hình phát triển du lịch ở tỉnh Đắk Nông thời gian qua vẫn chỉ ở mức độ rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Nguyên nhân một phần là do công tác quy hoạch và đầu tư cho phát triển du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa còn có những hạn chế nhất định và chưa kịp thời.

Mặt khác, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn nghèo nàn; chương trình du lịch văn hóa chưa được triển khai mạnh mẽ; sản phẩm du lịch chưa đa dạng; nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế; nhận thức về công tác xã hội hóa du lịch chưa cao. Vì vậy, để cho du lịch thực sự là mũi nhọn, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội thì tỉnh Đắk Nông vẫn còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi không ít sự đầu tư cả về nhân lực lẫn vật lực.

Thực tế, trước yêu cầu, nhiệm vụ chung của tỉnh, thời gian qua, các cơ quan báo chí trong tỉnh cũng đã “nhập cuộc” trong việc tuyên truyền, phản ánh mọi khía cạnh, sắc diện của vấn đề phát triển du lịch ở địa phương, nhằm góp một tiếng nói nhất định trong việc thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Bằng cách tiếp cận vấn đề và các góc độ phản ánh khác nhau, các cơ quan báo chí đã có những bài viết nêu bật những chủ trương, chính sách, giải pháp của tỉnh trong vấn đề phát triển du lịch. Những địa điểm du lịch, khu di tích lịch sử, các lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn cũng được tuyên truyền, giới thiệu, góp phần giúp bạn đọc gần xa phần nào hiểu được những tiềm năng du lịch của tỉnh.

Mỗi khi tỉnh có tổ chức sự kiện chính trị, văn hóa lớn, có đông đại biểu, khách du lịch đến địa bàn tỉnh, báo chí luôn có những bài viết, phỏng vấn để tìm hiểu thêm ý kiến, đánh giá, cảm nhận của du khách đối với vùng đất, con người Đắk Nông.

Không dừng lại ở việc tuyên truyền, quảng bá một chiều, báo chí còn có những bài viết đi sâu tìm hiểu những hạn chế, sai phạm trong việc đầu tư xây dựng các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh. Việc phá vỡ cảnh quan, vi phạm bảo vệ môi trường tại các địa điểm, khu du lịch cũng được phản ánh để giúp ngành chức năng kịp thời có biện pháp xử lý.

Thế nhưng, như đã nói ở trên, do tình hình phát triển du lịch ở tỉnh Đắk Nông thời gian qua còn ở mức độ “khiêm tốn”, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, hoạt động du lịch còn “trầm lắng” nên công tác tuyên truyền về lĩnh vực này của các cơ quan báo chí cũng chưa thật sự sôi động, phong phú lắm.

Vì vậy, như chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, trong thời gian tới, các cơ quan báo chí cần phải nỗ lực rất nhiều trong công tác tuyên truyền, quảng bá, phát triển du lịch.  Báo chí cần bám sát vào những mục tiêu, giải pháp cụ thể của tỉnh để có thông tin, phản ánh cho thật trúng, đúng, đa dạng, phong phú, góp phần đắc lực trong việc thúc đẩy ngành du lịch ngày càng phát triển.

Cùng với việc phản ánh toàn diện các phương diện hoạt động du lịch như: quảng bá các dự án đầu tư, quy hoạch phát triển du lịch, báo chí cũng nên xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, giới thiệu tiềm năng du lịch, mang lại những thông tin bổ ích cho độc giả và du khách trong và ngoài tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chú trọng tuyên truyền, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO