Chiến thắng tại Quảng Đức tạo đà quyết định cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Cẩm Trang| 29/04/2020 13:49

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta là một trong những chiến công lớn của thế kỷ XX, là thiên anh hùng ca bất hủ của chiến tranh Nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong thắng lợi vẻ vang ấy, quân dân tỉnh Quảng Đức đã đoàn kết một lòng, bền gan chiến đấu, giải phóng Đức Lập (9/3), mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên lịch sử, tiến tới giải phóng hoàn toàn Quảng Đức (23/3), tạo bước phát triển nhảy vọt, tạo đà quyết định thắng lợi cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Liên tiếp giành thắng lợi

Quảng Đức trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bên cạnh việc đương đầu với Mỹ - ngụy thì còn phải đối phó với một lực lượng phản động có vũ trang, được Mỹ nuôi dưỡng giúp đỡ đó là FULRO với chiêu bài “tự trị giả hiệu, bài Kinh chống Cộng” đã làm cho tình hình chính trị, quân sự trong tỉnh càng thêm phần khó khăn, phức tạp. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Đắk Lắk, Lâm Đồng, Liên Tỉnh ủy IV và Khu ủy 5, 6, 10, Mặt trận Tây Nguyên, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, quân và dân Quảng Đức đã vượt qua những khó khăn, gian khổ, chịu đựng nhiều tổn thất hy sinh, bền bỉ đấu tranh giành được nhiều thắng lợi góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ - ngụy, cùng với quân và dân cả nước lập nên những chiến công hiển hách mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tượng đài "Chiến thắng Đức Lập" Đắk Mil. Ảnh tư liệu

Với những thắng lợi đã đạt trong cả nước, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên (mật danh A275) nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng tỉnh Đắk Lắk, Phú Bổn, Quảng Đức. Mục tiêu then chốt là thị xã Buôn Ma Thuột và ba quận, huyện lỵ quan trọng là Đức Lập, Cẩm Ga, Kiến Đức, thực hiện chia cắt chiến lược và tạo thế chiến lược mới trên chiến trường toàn miền Nam, trong đó lấy Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu của Chiến dịch Tây Nguyên, vùng thị xã Gia Nghĩa và huyện Khiêm Đức là mục tiêu phối hợp cho mặt trận chính ở Buôn Ma Thuột, địa bàn tỉnh Quảng Đức trở thành nơi tập kết xe tăng, pháo binh và các phương tiện chiến đấu.

Mặc dù Quảng Đức là một chiến trường có phong trào còn yếu, thực lực ít nhưng Đảng bộ và quân dân trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực vươn lên, phong trào cách mạng trong tỉnh tuy có lúc lên xuống, có lúc bị tổn thất, khó khăn nhưng cục diện phát triển liên tục từ yếu đến mạnh, từ thắng lợi nhỏ đến thắng lợi lớn cho đến thắng lợi cuối cùng. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Đắk Lắk, Lâm Đồng, các huyện Kiến Đức, Đức Lập, Khiêm Đức, Đức Xuyên và thị xã Gia Nghĩa hừng hực khí thế bước vào cuộc tổng tấn công.

Ngày 8/3/1975, pháo hạng nặng của ta từ hướng tây nã vào quận lỵ Kiến Đức. Ngày 9/3, bộ đội chủ lực Tây Nguyên pháo kích sân bay Nhân Cơ, đồng thời lực lượng vũ trang của huyện cũng nổ súng tấn công vào quận lỵ Kiến Đức; Kiến Đức được giải phóng. Ngày 10/3, quân ta bao vây Nhân Cơ, địch chỉ cố thủ không đủ sức phản kích; tiếp đó ngày 17/3, quân ta tiến đánh và giải phóng các ấp ở Đạo Nghĩa.

Trên mặt trận Đức Lập, đúng 5 giờ 55 phút ngày 9/3/1975, Sư đoàn 10 bộ binh (bộ đội chủ lực Tây Nguyên) nổ súng tiến công tuyến phòng thủ Đức Lập. Đến 8 giờ, Trung đoàn 66 bộ binh của ta chiếm căn cứ Sư 23, Trung đoàn 28 chiếm Núi Lửa. Chiến sự kéo dài đến ngày 10/3 ta chiếm được quận lỵ Đức Lập và các cứ điểm Đắk Song, Đắk Sắk, tuyến phòng thủ Đức Lập phía tây nam Buôn Ma Thuột hoàn toàn bị tiêu diệt, diệt 1 tiểu đoàn của E25, 1 tiểu đoàn bảo an, bắt 100 tên địch, thu 14 pháo và 20 xe tăng thiết giáp. Nắm bắt thời cơ, các đội công tác phát động quần chúng từ Đức Lập đến Đắk Sắk, Đắk Song nổi dậy giành chính quyền, giải phóng huyện Đức Lập và các vùng xung quanh.

Ngày 24/3/1975, sau khi lực lượng địch tại Đức Lập, Buôn Ma Thuột, Kiến Đức, Lạc Thiện bị tiêu diệt, Ngụy quân ở quận lỵ Đức Xuyên tổ chức một đoàn xe 13 chiếc có trang bị đầy đủ vũ khí rút chạy theo đường Lạc Thiện về Đà Lạt. Bộ đội huyện Lắk cùng du kích Nam Ka và du kích các xã căn cứ kịp thời chặn đánh và dùng loa kêu gọi địch ra hàng. Ngày 24/3, quận Đức Xuyên hoàn toàn giải phóng, lực lượng vũ trang trên địa bàn và du kích Nâm Nung tham gia tiếp quản quận lỵ.

Ở Khiêm Đức, Huyện ủy họp đề ra nhiệm vụ giải phóng huyện và thị xã, trước mắt tổ chức chặn đánh địch rút quân từ Buôn Ma Thuột qua Gia Nghĩa về Lâm Đồng theo đường 8; ta bố trí phục kích tại Hang No, bị chặn đánh, địch hoảng loạn tháo chạy vào rừng và chạy về hướng Kinh Đạ. Ngày 22/3, địch ở Gia Nghĩa rút chạy theo đường Kinh Đạ xuống Di Linh bị lực lượng địa phương bám đánh, bắn cháy 2 xe, địch hoảng hốt bỏ cả xe pháo chạy trốn vào rừng về phía sông Đồng Nai.

5 giờ sáng 23/3/1975, lực lượng vũ trang của ta vào tiếp quản địa bàn Gia Nghĩa. Thị xã Gia Nghĩa và huyện Khiêm Đức hoàn toàn được giải phóng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Quảng Đức kết thúc thắng lợi. Từ đây, quân và dân trên địa bàn tỉnh bước sang giai đoạn cách mạng mới.

Được sự lãnh đạo của Trung ương Cục, các huyện thuộc địa bàn tỉnh Quảng Đức phối hợp hài hòa với những trận tấn công bằng lực lượng quân sự của bộ đội chủ lực và bộ đội tỉnh, giải phóng toàn vùng nông thôn, bảo vệ an toàn khu căn cứ, hành lang chiến lược luôn được khai thông, tạo thế liên hoàn ổn định từ Quảng Đức đến các tỉnh trong Quân khu 6 giữa Quảng Đức với Đông Nam Bộ, giữa miền Nam với miền Bắc.

Cắt đứt đường chi viện của địch

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh tự hào về những cống hiến sức người, sức của vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc với 672 người con là liệt sĩ, 750 thương, bệnh binh, hàng ngàn gia đình có công với nước. Đồng bào các buôn làng không kể thanh niên nam, nữ, trẻ già rất tích cực tham gia gùi cõng hàng hóa, đạn dược, đưa đường cho cán bộ, bộ đội. Các buôn làng đã ủng hộ, đóng góp lương thực, cung cấp thực phẩm, trâu bò, heo, gà… Mặc dù còn đói cơm, lạt muối nhưng đồng bào đã thành lập các tổ vòng đổi công, xây dựng mặt trận đoàn kết các dân tộc, nuôi dưỡng thương binh. Huy động hàng vạn ngày công lao động và nhiều phương tiện, đồ dùng, lương thực, thực phẩm để xây dựng, bảo vệ thông suốt hai tuyến hành lang phục vụ cuộc kháng chiến.

Chiến thắng của quân và dân trên địa bàn tỉnh Quảng Đức đã cắt đứt tuyến đường chi viện của địch từ Đông Nam Bộ lên Tây Nguyên theo quốc lộ 14 và từ Lâm Đồng sang theo quốc lộ 28, tạo đà để quân dân ta trên toàn miền Nam nổi dậy, giành thắng lợi quyết định. Đồng thời, đường hành lang chiến lược Bắc – Nam đi qua tỉnh Quảng Đức góp phần vận chuyển nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam, tạo lập căn cứ địa cách mạng - hậu phương tại chỗ một cách vững chắc, tạo lập các yếu tố gắn kết cách mạng ba nước Đông Dương, tạo thế liên hoàn cho các chiến trường quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Đó còn là thắng lợi của sự đoàn kết - đoàn kết giữa các dân tộc trong tỉnh, đoàn kết quân và dân trong chiến đấu đã đưa phong trào đấu tranh của quần chúng trở nên sôi động với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo. Trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng, Ban cán sự Đảng tỉnh Quảng Đức các cấp bộ đảng không ngừng được củng cố, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức; coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo cả về xây dựng tổ chức và nội dung hoạt động của chính quyền, mặt trận, các tổ chức đoàn thể quần chúng cách mạng, tạo ra sức mạnh tổng hợp. Dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng bộ, ý Đảng và lòng dân hòa quyện với truyền thống đoàn kết, yêu nước, kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm, nâng cao uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của cả dân tộc, góp phần cùng cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào” là nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên địa bàn tỉnh Quảng Đức.

Có thể nói, 45 năm sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới. Thắng lợi vĩ đại ấy là bước phát triển ở giai đoạn chín muồi của tất cả những phong trào đấu tranh, chống Mỹ của quân và dân ta trong cả nước; trong đó, phải kể đến những đóng góp to lớn của Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết trong giai đoạn hiện nay, Đảng bộ tỉnh không ngừng được củng cố, kiện toàn, ra sức lãnh đạo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh phát huy truyền thống, đoàn kết, nhất trí, khắc phục khó khăn, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu như Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh đã đề ra, góp phần xứng đáng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến thắng tại Quảng Đức tạo đà quyết định cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO