Cần làm rõ nhiều vấn đề trong ngành Giáo dục

Công Tính-Thành Dũng| 21/05/2019 15:44

Phát biểu trước Quốc hội về Dự án luật Giáo dục sửa đổi, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Nguyễn Trường Giang cho rằng, Cơ quan soạn thảo Dự án luật cần làm rõ vấn đề đạo về đức học đường có liên quan đến những nhà giáo không được đào tạo ở trường sư phạm, hay không?

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng nay 21/5, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án luật Giáo dục (sửa đổi).

Video: Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH Đắk Nông phát biểu về Dự án luật Giáo dục sửa đổi.

Quy định chưa trọng dụng được người tài

Liên quan đến quy định trình độ chuẩn của nhà giáo như: Giáo viên mần non thì tốt nghiệp cao đẳng trở lên; giáo viên tiểu học, trung học phổ thông, trung học cơ sở thì tốt nghiệp đại học trở lên. Chỉ ở môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo ở trình độ đại học sư phạm thì tốt nghiệp đại học chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Nguyễn Trường Giang đề nghị cân nhắc. Bởi vì, quy định trên đây chưa phù hợp với chủ trương tuyển dụng, trọng dụng người có tài năng và đội ngũ viên chức là nhà giáo. Hiện nay, các quy định trong luật Viên chức, luật Cán bộ, công chức, luật Giáo dục hiện hành cũng chỉ quy định đối với giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học là bắt buộc phải tốt nghiệp trung cấp sư phạm. Còn các bậc học phổ thông khác trình độ giáo viên không bắt buộc giáo viên phải tốt nghiệp các trường sư phạm. “Quy định như vậy sẽ tuyển dụng người có tài năng vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông”, đại biểu Nguyễn Trường Giang giải thích.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang cũng băn khoăn, Cơ quan soạn thảo cần báo cáo rõ hơn với Quốc hội về những vụ việc gần đây, gây bức xúc trong dư luận có liên quan gì đến giáo viên không được đào tạo ở trường sư phạm hay không.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH Đắk Nông phát biểu về Dự án luật Giáo dục sửa đổi. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Nhiều lo ngại với ngành Giáo dục

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương cho rằng, hiện nay bệnh thành tích diễn ra rất phổ biến, chúng ta từng thực hiện cuộc vận động hai không để chống tiêu cực nhưng cho tới giờ thì không làm nữa. Luật giáo dục và cách thức giáo dục, đánh giá, xếp loại chuyển cấp đang gây ra lo ngại cho con em chúng ta.

“Việc các cháu đi học mà bị lưu ban thì là điều rất bình thường... Trước đây chúng ta đi học cũng thế, học không tốt thì lưu ban, chưa rèn luyện tốt thì phải trách phạt. Nhưng bây giờ thì sao? Cháu nào học thế nào, rèn luyện yếu cũng cứ cho lên lớp. Nguyên do ở đây là bệnh thành tích”, đại biểu Phương nói.

Theo ông Phương, việc quy định cứng nhắc dẫn tới việc áp lực cho thầy cô phải cho học sinh lên lớp dù không đạt chuẩn. Đại biểu Ninh Bình dẫn chứng, trước đây dù bị thầy cô trách phạt nhưng học sinh và giáo viên vẫn yêu thương nhau.

“Bây giờ chúng ta thì sao, bây giờ cái gì cũng sợ. Sợ đánh giá các cháu điểm thấp thì sợ các cháu buồn. Cho các cháu lưu ban sợ các cháu tổn thương. Thầy cô nghiêm khắc lại sợ xã hội, cộng đồng mạng. Phải chăng ngày xưa ông cha chúng ta giáo dục không tốt hay sao?”, ông Phương nói.

Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân bày tỏ, những tiêu cực trong thi cử bị phát hiện trong thời gian qua đã đặt giáo dục trong tâm điểm của dư luận. Ông Nhân cho rằng, vai trò của gia đình phải được đặt trong gốc rễ vấn đề này. “Hiện nay nhiều gia đình vẫn "khoán trắng" việc giáo dục cho nhà trường, do đó sẽ rất bất công nếu đổ hết lỗi về các hành vi xấu, thiếu chuẩn mực của các em cho nhà trường”, ông Nhân nói.

Băn khoăn về quy định nhiều bộ sách giáo khoa

Một nhóm vấn đề được đại biểu tập trung mổ xẻ là những nội dung về quy định nhiều bộ sách giáo khoa trong chương trình giáo dục phổ thông. Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, Phạm Thị Thu Trang đưa ra vấn đề, Dự thảo quy định một môn học có một bộ sách giáo khoa nhằm tránh độc quyền. Tuy nhiên, theo bà Trang thì việc này khiến cử tri rất băn khoăn, việc sử dụng sách giáo khoa đang “loạn” và gây lãng phí. Đại biểu Trang đề nghị cân nhắc kiểu áp dụng đại trà như thế này.

Vấn đề này cũng được Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Phạm Văn Hòa nêu ra. Đại biểu Hòa dẫn chứng, sách giáo khoa là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua. Ông Hòa đồng ý quan điểm xã hội hoá sách giáo khoa, một chương trình nhiều bộ sách, nhưng đề nghị quy định rõ sách giáo khoa phải sử dụng ổn định lâu dài, chứ không thể dùng một năm rồi bỏ. “Hội đồng thẩm định sách giáo khoa nên giao cho Thủ tướng thành lập, không nên giao cho Bộ trưởng, bởi Thủ tướng thành lập thì hội đồng này sẽ có thành phần đa dạng, uy tín”, đại biểu Hòa bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần làm rõ nhiều vấn đề trong ngành Giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO