Cần có cơ chế đầu tư ưu tiên cho khu vực Tây Nguyên

Đ.D| 02/11/2020 16:09

Ngày 2/11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV tiến hành họp tập trung tại Tòa nhà Quốc hội (Hà Nội).

Buổi sáng 2/11, sau khi nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội giai đoạn 2015 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 – 2025, kỳ họp chia tổ để thảo luận sâu về nội dung này.

Tổ 15 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Ninh Thuận, Đắk Nông, Hưng Yên, Tiền Giang đã tiến hành họp tổ với nhiều vấn đề liên quan đến báo cáo của Chính phủ.

Tổ 15 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Ninh Thuận, Đắk Nông, Hưng Yên, Tiền Giang tiến hành thảo luận

Đa số đại biểu các tỉnh đánh giá cao báo cáo kết quả phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2015 – 2020 của Chính phủ. Đặc biệt, mặc dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, nhất là dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng với đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, sự đồng lòng, đoàn kết của quân và dân, đến nay, kinh tế Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng dương, được bạn bè quốc tế công nhận.  Những thành tích đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch của Việt Nam đã được các nước ghi nhận.

Nhiều đại biểu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Chính phủ khi chỉ ra những khó khăn còn tồn tại, qua đó đưa ra những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới.

Đại biểu Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông góp ý vào Báo cáo kinh tế-xã hội giai đoạn 2015-2020; phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ

Góp ý về báo cáo kinh tế-xã hội của Chính phủ,  đại biểu Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh: Trong điều kiện chống thiên tai, địch họa như thời gian qua, thì những kết quả đạt được đã nâng tầm vị thế của Việt Nam. Trong đối nội, đối ngoại chúng ta cũng đạt được thành công, rất đáng tự hào, trân trọng. Đây cũng là bài học lớn để không những cho nhiệm kỳ này mà trong cả quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên đồng chí Ngô Thanh Danh cho rằng đánh giá cả một giai đoạn thì sự đầu tư cho các vùng, các tỉnh còn chậm, nhỏ và không đồng đều. Vì vậy, Chính phủ cần có một kế hoạch để phân bổ vốn đầu tư hài hòa hơn. Nếu các tỉnh khó khăn mà không có sự hỗ trợ phù hợp từ trung ương thì chắc chắn sẽ càng tụt hậu dần.

Đồng chí Ngô Thanh Danh đề nghị trong xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025, Chính phủ cần chú ý đến vùng, miền, những tỉnh khó khăn để đầu tư, cùng nhau phát triển, không bỏ lại tỉnh nào phía sau. Liên quan đến 5 nhiệm vụ, 3 đột phá trong báo cáo của Chính phủ, đồng chí Ngô Thanh Danh cho rằng cần phải tập trung phát triển hơn nữa. Vì đến nay, còn nhiều lĩnh vực chưa đạt, thiếu những bước đột phá quan trọng để phát triển đất nước trong giai đoạn tiếp theo, nhất là 3 đột phá gồm thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng thì các tỉnh Tây Nguyên còn hạn chế.

Ngoài những nội dung trên, trong phiên thảo luận tại tổ, các vấn đề liên quan đến cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, an ninh trật tự, công tác an toàn hồ đập cũng được các đại biểu tập trung thảo luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có cơ chế đầu tư ưu tiên cho khu vực Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO