Báo cáo nhân sự Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Phó chủ nhiệm các cơ quan của Quốc hội

Nguồn TTXVN/VOV| 25/07/2016 16:26

Sáng 25/7, tiếp tục phiên làm việc của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV, ông Trần Văn Túy - Trưởng ban Công tác đại biểu báo cáo kết quả nhân sự Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Phó chủ nhiệm các cơ quan của Quốc hội.

bao cao quoc hoi danh sach 34 cap pho vua duoc phe chuan hinh 0

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV

Với Hội đồng Dân tộc, cơ cấu được duyệt là không quá 4 Phó Chủ tịch, không quá 4 ủy viên thường trực, 38 ủy viên khác. Có 3 Phó Chủ tịch đã được phê chuẩn là ông Giàng A Chu (Yên Bái), ông Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) và bà Cao Thị Xuân (Thanh Hoá).

Với Ủy ban Pháp luật, số Phó Chủ nhiệm không quá 4, số ủy viên thường trực không quá 8 và 30 ủy viên khác. Có 3 Phó Chủ nhiệm đã được phê chuẩn là bà Trần Thị Dung (Điện Biên), ông Phạm Trí Thức (Thanh Hoá), ông Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng).

Với Ủy ban Tư pháp được duyệt số lượng tối đa là 5 Phó Chủ nhiệm, 5 ủy viên thường trực và 31 ủy viên khác. Hiện tại mới chỉ có 4 nhân sự được chọn làm Phó Chủ nhiệm là các ông Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai), Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang), Nguyễn Văn Pha (Nam Định).

Ủy ban Kinh tế sẽ có không quá 4 Phó Chủ nhiệm, 5 ủy viên thường trực và 33 ủy viên khác. Đến nay, có 3 Phó Chủ nhiệm là các ông Dương Quốc Anh (Gia Lai), Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang).

Ủy ban tài chính - ngân sách được phân cơ cấu tối đa 4 Phó Chủ nhiệm, 5 ủy viên thường trực; 35 ủy viên khác nhưng mới chỉ chọn được 3 cấp phó là các ông Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang), Đinh Văn Nhã (Phú Yên), Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hoá).

Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng được phê chuẩn cơ cấu không quá 5 Phó Chủ nhiệm, không quá 5 thường trực, 34 ủy viên khác. Có 4 Phó Chủ nhiệm được phê chuẩn đến thời điểm này: bà Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang), bà Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), ông Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), ông Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Ủy ban Các vấn đề xã hội được cơ cấu tối đa là 5 Phó Chủ nhiệm, 5 ủy viên thường trực, 41 ủy viên khác. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận 4 ông/bà: Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá), Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang), Đặng Thuần Phong (Bến Tre), Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) làm Phó Chủ nhiệm.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường có không quá 5 Phó Chủ nhiệm, 4 ủy viên thường trực, 32 ủy viên khác. Đến thời điểm này đã được phê chuẩn đủ cả 5 cấp phó là các ông Nguyễn Vinh Hà (Kon Tum), Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Trần Văn Minh (Quảng Ninh), Phùng Đức Tiến (Hà Nam), Lê Hồng Tịnh (Đồng Nai).

Ủy ban Đối ngoại được duyệt cơ cấu tối đa 4 Phó Chủ nhiệm, 4 ủy viên thường trực; 24 ủy viên khác. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đủ 4 Phó Chủ nhiệm của Ủy ban này, gồm các ông Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), Vũ Hải Hà (Đồng Nai), Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận), Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh).

Ủy ban Quốc phòng an ninh được duyệt cơ cấu không quá 3 Phó Chủ nhiệm, 5 ủy viên thường trực. Tuy nhiên, hiện tại, Ủy ban thường vụ Quốc hội đang phối hợp với các cơ quan để tiến hành quy trình phê chuẩn các Phó Chủ nhiệm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định khi có nhân sự cụ thể có đủ điều kiện để phê chuẩn. Hiện mới chỉ có 5 ủy viên thường trực của Ủy ban này được Ủy ban Thường vụ duyệt.

34 Phó Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm các cơ quan này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cân nhắc kỹ về tiêu chuẩn, điều kiện từng nhân sự cụ thể. Các cơ quan chưa đủ số lượng cấp phó sẽ tiếp tục được xem xét, kiện toàn khi có cán bộ đủ tiêu chuẩn và điều kiện.

* Cũng trong buổi làm việc sáng 25/7, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 và thảo luận dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017.

Theo Tờ trình, tiêu chí lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề trong Chương trình giám sát năm 2017 sẽ dựa trên nguyên tắc: là những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế-xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với công tác xây dựng pháp luật; không trùng với các chuyên đề đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong khoảng từ 3 đến 5 năm tính đến thời điểm đề xuất; đảm bảo cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực; phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.

Trong năm 2017, đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại phiên họp tháng 8 và tháng 9/2017; Hội đồng Dân tộc giám sát 2 chuyên đề, các Ủy ban giám sát 1-2 chuyên đề, báo cáo kết quả với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội.

Hội đồng, Ủy ban được giao chủ trì giúp về nội dung giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể không tổ chức giám sát chuyên đề riêng của cơ quan mình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung cụ thể sau đây:

1 - Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 (giao Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội giúp về nội dung giám sát).

2 - Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 (giao Ủy ban Pháp luật giúp chủ trì về nội dung giám sát).

3 - Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), xây dựng, chuyển giao (BT) và hợp tác công tư (PPP) (giao Ủy ban Kinh tế giúp chủ trì về nội dung giám sát).

4- Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân gắn với phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh (giao Ủy ban Quốc phòng và an ninh giúp chủ trì về nội dung giám sát).

Một số ý kiến đề nghị Quốc hội cần tăng cường hơn công tác giám sát về thi hành pháp luật, công tác hướng dẫn triển khai thi hành Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của Quốc hội; đồng thời tăng cường hơn nữa công tác "hậu giám sát", đánh giá việc tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung các nội dung như giám sát về môi trường biển liên quan Formosa, an toàn giao thông, đầu tư trong nước và nước ngoài...

Kết luận phần thảo luận này tại phiên họp sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ trên cơ sở các ý kiến góp ý tại phiên thảo luận sáng nay, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến đến các đại biểu Quốc hội về các chuyên đề giám sát năm 2017. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, sẽ lựa chọn 2 chuyên đề để Quốc hội giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội.

Theo chương trình, chiều nay, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo cáo nhân sự Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Phó chủ nhiệm các cơ quan của Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO