Bài học trường tồn "lòng dân, ý Đảng"

Văn Tòa| 01/09/2015 14:11

Nhiều bài học sâu sắc và to lớn được rút ra từ thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa - Cách mạng tháng Tám. Một trong rất nhiều bài học to lớn và sâu sắc đó chính là bài học về “lòng dân, ý Đảng”; bài học về “trí Đảng, lực dân”.

Nếu ý Đảng không hợp với lòng dân thì Đảng không thể nào tập hợp được sức dân triệu người như một, nhất tề đứng lên giành lấy chính quyền. Ngược lại, nếu không có trí tuệ của Đảng thì dân cũng không thể nào dự báo được tình hình, chớp lấy thời cơ và như thế thì dù sức dân có như nước vỡ bờ cũng khó mà tự mình làm nên Cách mạng tháng Tám.

Rõ ràng, bài học Cách mạng tháng Tám đã khẳng định: Đảng không thể thiếu dân, dân không thể không có Đảng. Sự hòa quyện này đã tạo nên một sức mạnh song toàn của trí và lực, làm nên thành công vang dội của Cách mạng tháng Tám và cũng chính sức mạnh ấy đã đưa con tàu Việt Nam tiếp tục vượt qua bao ghềnh thác, bão giông với những kỳ tích rạng ngời trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ.

Đồng chí Trần Quốc Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm mô hình trồng cà phê ghép tại xã Đức Mạnh. Ảnh: Hồng Thoan

Kể từ sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975), chúng ta bắt đầu công cuộc kiến thiết thời hậu chiến trên đống tro tàn; lại phải gồng mình gánh chịu thêm những tổn thất nặng nề trong cuộc chiến đấu bảo vệ hai đầu biên giới và chịu cảnh bao vây cấm vận. Khó khăn chồng chất khó khăn. Một lần nữa lòng dân lại được thử thách trui rèn, ngoan cường chịu đựng, không nản chí, sờn lòng, cùng Đảng từng bước vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách.

Từ bao bộn bề, khốn khó, lòng dân đã hợp cùng ý Đảng tạo nên những bước ngoặt lịch sử trong sự nghiệp kiến thiết mà điển hình là công cuộc đổi mới đất nước (1986). 30 năm sau ngày đổi mới, đất nước đã có những bước tiến rất dài trên nhiều phương diện chính trị, ngoại giao và đặc biệt là những thành tựu vô cùng ngoạn mục trên lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từ miền xuôi đến miền ngược, từ đô thị đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa không ngừng được cải thiện theo hướng đi lên. Bộ mặt nước nhà ngày càng bừng sáng, hai tiếng Việt Nam ngày càng lan tỏa khắp bốn biển, năm châu.

Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, khó có thể tránh khỏi những khiếm khuyết, sai lầm. Xuất phát từ ý nguyện của lòng dân, Đảng đã dũng cảm nhận trách nhiệm về mình khi một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chạy theo lối sống thực dụng, xa hoa, nhạt phai lý tưởng; tham nhũng, hối lộ, lãng phí của công; một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức có quyền đã xa dân, không coi trọng lòng dân, làm cho dân buồn lòng.

Trước thực trạng đó, Đảng đã xác định việc cấp bách phải làm ngay đó là công tác xây dựng Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” ra đời đã đáp ứng đúng ý nguyện lòng dân về việc xây dựng một Đảng dẫn đường thực sự trong sạch, vững mạnh, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Suy cho cùng, bài học của Cách mạng tháng Tám, cốt lõi là bài học về lòng dân hợp cùng ý Đảng. Điểm gặp nhau này tạo nên sức mạnh vô biên mà không một sức mạnh nào có thể sánh kịp.

Muốn ý Đảng hợp với lòng dân, lòng dân hợp cùng ý Đảng thì trước hết Đảng phải hiểu lòng dân. Muốn hiểu lòng dân thì Đảng phải gần dân, lắng nghe dân nói, từ đó mới quy tụ và phát huy sức mạnh lòng dân triệu người như một. Đất nước ta có gần 100 triệu dân, tổng số đảng viên chỉ trên 4 triệu.

Dùng ý chí của trên 4 triệu đảng viên để áp đặt lên nguyện vọng của 100 triệu dân là điều không thể. Vậy nên, sự gặp nhau giữa “lòng dân và ý Đảng”; sự hài hòa giữa “ý Đảng, lòng dân” là nguyên tắc bất biến để quyện dân với Đảng, làm nên những kỳ tích trên con đường dựng xây đất nước: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học trường tồn "lòng dân, ý Đảng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO