23/3 - Mốc son tự hào

Cẩm Trang| 24/03/2020 10:44

Ngày 23/3/1975 đi vào lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Nông như một dấu mốc quan trọng, đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại trong cuộc tiến công, giải phóng thị xã Gia Nghĩa, mở ra bước ngoặt quan trọng trong chiến dịch Tây Nguyên, góp phần tạo khí thế tiến công và nổi dậy của toàn chiến trường miền Nam, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

5 giờ sáng ngày 23/3/1975, lực lượng vũ trang của ta vào tiếp quản thị xã Gia Nghĩa, quân địch tháo chạy toán loạn. Trưa 23/3, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trước dinh Tỉnh trưởng Quảng Đức, Ty cảnh sát và các công sở khác. Thị xã Gia Nghĩa và huyện Khiêm Đức hoàn toàn giải phóng.

Nguồn TTXVN

Chiều ngày 26/3/1975, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa để chào mừng chiến thắng và chào mừng sự ra mắt của Uỷ ban Quân quản thị xã. Hơn 1.000 người, bao gồm các đồng chí cán bộ, đảng viên; các lực lượng vũ trang và đông đảo đồng bào thị xã đến dự. Kết thúc cuộc mít tinh, các đồng chí trong Ủy ban Quân quản cùng các lực lượng vũ trang và quần chúng tổ chức thành từng đoàn diễu hành qua các tuyến đường của Gia Nghĩa. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Quảng Đức kết thúc thắng lợi. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, ta đã tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch trên một chiến trường rộng lớn, mở đầu cho sự sụp đổ dây chuyền và thất bại thảm hại của toàn bộ hệ thống chính quyền tay sai toàn miền Nam và kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Có thể khẳng định, việc nhanh chóng chớp thời cơ khi nhiều địa bàn quan trọng ở khu vực Tây Nguyên đã được giải phóng; sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng chủ lực, quân và dân các dân tộc tỉnh Quảng Đức đã nổi dậy tấn công, truy kích, tiêu diệt địch và tiếp quản thị xã Gia Nghĩa. Với vị trí là án ngữ đường 14 nối Buôn Ma Thuột với tỉnh Bình Phước và khởi nguồn đường số 8 nối sang tỉnh Lâm Đồng. Do đó, khi thị xã Gia Nghĩa được giải phóng đã cắt đứt tuyến đường chi viện của địch từ Đông Nam Bộ lên Tây Nguyên theo đường quốc lộ 14 và từ Lâm Đồng sang theo quốc lộ 28, làm cho địch rơi vào thế bị động, mất phương hướng chiến đấu.

Thị xã Gia Nghĩa được giải phóng là kết quả của sự đoàn kết, đùm bọc, gắn bó keo sơn giữa lực lượng quân đội chủ lực và đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng; sự khéo léo trong việc sử dụng nghệ thuật chiến tranh Nhân dân, nghệ thuật lợi dụng địa hình hiểm trở để gây khó khăn cho địch. Từ đó, đã rút ra nhiều bài học quý báu như bài học về chủ nghĩa anh hùng cách mạng; về sự lãnh đạo tài tình của Đảng, mà trực tiếp là Đảng bộ tỉnh; về sức mạnh vĩ đại của sự đoàn kết đồng bào các dân tộc; về chiến tranh Nhân dân; về bạo lực cách mạng...

45 năm trôi qua, từ ngày được giải phóng, trải qua những thăng trầm, khó khăn của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sau 16 năm thành lập, từ một thị xã với cơ sở hạ tầng thấp kém đến nay thành phố Gia Nghĩa đã vươn mình phát triển mạnh mẽ về kinh tế - văn hóa - xã hội, là thành phố trẻ năng động, đổi mới với các chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội nổi bật. Phát huy truyền thống sẵn có, trước mắt Đảng bộ và Nhân dân thành phố Gia Nghĩa phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, chỉ đạo sâu sát để các phường, xã thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội theo hướng phát triển xanh, bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, thành phố Gia Nghĩa mở rộng diện tích lên gấp ba lần hiện nay và trở thành đô thị thông minh, sinh thái và giàu bản sắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
23/3 - Mốc son tự hào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO