Ðẩy mạnh cải cách hành chính để tăng cường quảng bá, xúc tiến và thu hút đầu tư

Thạc sỹ Trần Xuân Hải| 08/01/2014 09:32

Khi mới thành lập, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế của tỉnh còn yếu kém và chưa đồng bộ; điểm xuất phát kinh tế - xã hội thấp, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, đời sống đại bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn, trong xã hội nảy sinh nhiều vấn đề mới, phức tạp như di dân tự do, phá rừng… làm phá vỡ các quy hoạch kinh tế - xã hội của địa phương…

Ý thức sâu sắc về những thách thức cũng như thời cơ của một tỉnh mới, các cấp ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh đã tự chủ, phát huy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ từ bên ngoài để vượt qua những khó khăn, thách thức, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để xây dựng Đắk Nông ngày càng phát triển, quy mô nền kinh tế sau 10 năm thành lập đã tăng gần 4 lần.

Đoàn công tác của tỉnh Đắk Nông thăm mô hình trồng rau công nghệ cao tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: Đ.D

Nhìn lại chặng đường sau 10 năm qua, tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao và ổn định, là nhờ thực hiện tốt một số việc sau đây:

Một là, công tác quy hoạch và xây dựng chính sách được chú trọng để làm cơ sở cho việc thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển:

Ngay sau khi thành lập, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác lập và quản lý quy hoạch nhằm làm căn cứ, định hướng xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng các chính sách, quảng bá, cung cấp thông tin cho việc thu hút đầu tư của tỉnh.

Đến nay, hầu hết các quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện, thị xã, ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu đã được phê duyệt; đồng thời từng bước rà soát lại các quy hoạch đã được phê duyệt theo đúng các qui định của pháp luật về lập và quản lý quy hoạch cho phù hợp với tình hình mới, chú trọng hơn nhu cầu và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế của từng ngành, sản phẩm, góp phần cho yêu cầu phát triển chung của tỉnh.

Để tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư, ngoài những cơ chế, chính sách do Trung ương ban hành, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù của địa phương nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh như: Chính sách thu hút nguồn nhân lực, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp chất lượng cao, chính sách phát triển công nghiệp, thương mại và du lịch; chính sách xã hội hóa đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, thể dục thể thao, môi trường…

Hai là, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, gắn với các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư để thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển:

Trong những năm qua, các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện Đề án Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và đạt được một số kết quả nhất định: Năm 2006 bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Đắk Nông xếp hạng thứ 62 thuộc nhóm điều hành thấp, năm 2012 xếp thứ 48 thuộc diện khá.

Công tác cải cách hành chính, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông… đã được các ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính tại cơ quan nhà nước. Nhờ vậy, số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng mạnh, khi mới thành lập, tỉnh Đắk Nông chỉ có hơn 150 doanh nghiệp, đến nay có 2.363 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, với vốn đăng ký 12.986 tỷ đồng.

Công tác quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư được chú trọng để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của tỉnh đến với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; vì vậy, khi mới thành lập tỉnh Đắk Nông chỉ có 3 dự án được cấp phép, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 289 tỷ đồng; nhưng đến nay, toàn tỉnh có 114 dự án được cấp phép đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 15.086 tỷ đồng; trong đó, lĩnh vực công nghiệp – xây dựng có 49 dự án (chiếm 43% tổng số dự án), lĩnh vực nông lâm nghiệp có 36 dự án (chiếm gần 31,9% tổng số dự án), lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ có 10 dự án (chiếm 8,8% tổng số dự án),…

Ngoài ra, hiện đang có 7 dự án có quy mô lớn đang hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư vào địa bàn tỉnh, với tổng vốn đầu tư khoảng 22.400 tỷ đồng. Nhờ vậy mà cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu như: giao thông, cấp điện, cấp nước… đã được đầu tư, từng bước cải thiện để tạo động lực cho phát triển; nhiều dự án, nhà máy lớn đã được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng đã góp phần đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng của khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh theo đúng mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Ba là, đẩy mạnh thu hút đầu tư cho sự phát triển:

Cùng với nguồn vốn đầu tư trong nước, nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần rất lớn cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt trong giai đoạn Chính phủ thực hiện chủ trương thắt chặt tài khóa (trong đó có đầu tư công) như hiện nay. Nhờ thực hiện tốt công tác đối ngoại trong 10 năm qua, tỉnh đã thu hút được 24 dự án ODA, với tổng số vốn đăng ký là 2.674 tỷ đồng; 9 dự án FDI, vốn đăng ký 34,29 triệu USD và 10 dự án NGO, vốn đăng ký 1,58 triệu USD. Các nguồn vốn ODA, FDI và NGO đã đóng góp nguồn lực không nhỏ để xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua.

Bốn là, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để làm động lực cho phát triển kinh tế:

Nhận thức tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, tỉnh ta đã tập trung nguồn vốn ngân sách Nhà nước (trên 45% tổng kế hoạch vốn phân bổ trong năm) và xây dựng các chính sách, kêu gọi, thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, cấp điện. Vì thế, tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường giao thông được nâng lên đáng kể: Đường tỉnh từ 45% năm 2004 lên 91% vào năm 2013; đường huyện từ 15% lên 71%; có 50 buôn, bon được làm đường nhựa, bê tông xi măng, nâng tổng số buôn, bon có từ 1 – 2 km đường nhựa, bê tông xi măng lên 96/139 buôn, bon, đạt tỷ lệ 70% số buôn, bon có 1 – 2 km đường nhựa; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã; 99% thôn, buôn, bon có điện lưới quốc gia.

Nhiều dự án lớn, quan trọng kết nối liên vùng, giao thông vùng đồng bào dân tộc, vùng sản xuất… để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội đã được triển khai đầu tư xây dựng; hệ thống đường sá của tỉnh đã cơ bản được cải thiện, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân, kích thích sản xuất và giao thương hàng hóa đã góp phần rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã được cải thiện đáng kể.

Với những nỗ lực, tự chủ trong việc xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức các cấp ngành và lực lượng lao động cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và từng bước đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng… , kết quả trong 10 năm qua đã làm nền tảng vững chắc để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá và ổn định trong những năm tiếp theo, để “đến năm 2015 thoát ra khỏi tỉnh nghèo và năm 2020 đưa kinh tế Đắk Nông đạt mức bình quân chung của cả nước; tạo tiền đề cơ bản để phát triển toàn diện và bền vững theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa” như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðẩy mạnh cải cách hành chính để tăng cường quảng bá, xúc tiến và thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO