Thủ tục hành chính về đất đai: Những "điểm nghẽn" cần tháo gỡ

Nguyễn Lương| 04/08/2017 10:11

Thời gian qua, mặc dù các địa phương, đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong cải cách quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai và bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, thủ tục hành chính ở lĩnh vực này vẫn còn nhiều "điểm nghẽn" gây không ít phiền hà cho tổ chức, cá nhân.

Nhiều cá nhân đến làm hồ sơ, thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai tại bộ phận "một cửa" UBND thị xã Gia Nghĩa.

"Tắc" do cán bộ thực thi

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, từ đầu năm đến nay, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 92.000 hồ sơ của tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực đất đai. Trong số này, tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn so với thời gian quy định vẫn còn khá lớn. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực này chỉ đạt khoảng 37%, trở thành một trong những lĩnh vực có mức độ hài lòng thấp nhất.

Để từng bước cải thiện tình trạng trên, UBND tỉnh đã giao cho sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, xây dựng, điều chỉnh các bộ thủ tục khung trong lĩnh vực đất đai theo hướng thống nhất, phù hợp với thực tế. Vấn đề là, mặc dù bộ khung về thủ tục hành chính đã được xây dựng, thống nhất nhưng vẫn không giải quyết triệt để các bất cập phát sinh.

Ông Đàm Quang Trung, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Hiện nay, riêng về lĩnh vực đất đai, tỉnh đã xây dựng được bộ khung gồm 45 bộ thủ tục hành chính. Sau khi thống nhất bộ khung về thủ tục này, tính liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện chuyên môn hóa hơn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số thay đổi về bộ thủ tục hành chính, cũng như sự lơ là của một bộ phận cán bộ chuyên môn đã ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết hồ sơ trong lĩnh vực này”.

Thực tế, trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, bất cập về quy trình là khá phổ biến. Ông Trần Đình Ninh, Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa cho biết: “Hiện nay, quy định về chuyển đổi quyền sử dụng đất, cấp sổ đỏ còn nhiều bất cập, gây không ít phiền hà cho người dân. Bởi vì, để hoàn thành một bộ hồ sơ cấp "sổ đỏ", địa phương mất khá nhiều công đoạn, thời gian nên chất lượng phục vụ người dân không đạt như mong muốn”.

Ông Ninh lý giải thêm, trước đây, việc điều chỉnh, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tách sổ do một cơ quan chức năng phụ trách. Còn bây giờ, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất là do UBND thị xã phụ trách, nhưng chuyển quyền sử dụng đất lại thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường. Như vậy, theo quy trình, sau khi UBND thị xã làm xong bước một, phải chuyển lên Sở Tài nguyên và Môi trường để hoàn thành bước hai. Sau khi hoàn thành 2 bước này, về phía thị xã mới thực hiện khâu cuối cùng là cấp "sổ đỏ" cho người dân. Như vậy, địa phương muốn hoàn thành quy trình, thủ tục phải trải qua nhiều công đoạn. Vậy nhưng, khi người dân, tổ chức không hiểu rõ quy trình này lại đổ lỗi cho địa phương “làm khó”.

Ngoài bất cập về quy trình, hiện tại, sự lơ là, thiếu trách nhiệm của một số cán bộ chuyên môn cũng là nguyên nhân đã dẫn đến số hồ sơ trễ hẹn tăng cao. Ông Vũ Tá Long, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong khẳng định: “Tại địa phương, trong số các hồ sơ, thủ tục trễ hẹn, có đến 80% thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai. Về phía huyện cũng thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm này. Tuy nhiên, trong số thủ tục trễ hẹn này, có hơn 70% chậm trễ là xuất phát ở Phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường)”. Liên quan đến vấn đề này, ông Đàm Quang Trung lý giải, thời gian qua, nhiều hồ sơ sau khi hoàn thành thủ tục hành chính xong, còn “lưu” tại Văn phòng Đăng ký đất đai. Bởi vì, sau khi hoàn thành trên máy tính, một số cán bộ tại đây không bấm “Enter” để chuyển về cho bộ phận một cửa, vì vậy, quá thời gian hẹn với các tổ chức, cá nhân”.

Chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết về công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2017, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Huy nhấn mạnh: Trong giải quyết thủ tục hành chính ở lĩnh vực đất đai, chậm trễ ở đơn vị nào, phải thống kê, giao trách nhiệm cho đơn vị đó. Nếu ở huyện, thị xã đã làm hết trách nhiệm thì Văn Phòng đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) phải xem lại trách nhiệm của mình. Sở Tài nguyên và Môi trường cần xem xét lại những hạn chế, từ đó, có những pháp giải hữu hiệu hơn, nhằm giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân. Ðối với những thủ tục rườm rà, đơn vị cần tham mưu cho UBND tỉnh cắt bỏ, nhằm tạo sự thông thoáng, tránh phiền hà trong quá trình giải quyết thủ tục hồ sơ.

Vướng đâu phải "gỡ" đó

Ngoài những nguyên nhân trên, thời gian qua, việc chậm trễ nhiều hồ sơ, thủ tục trong lĩnh vực đất đai còn xuất phát từ nhiều lý do khác. Trước hết, do sự thiếu chặt chẽ trong công tác phối hợp giữa văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường), Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp xã trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, công dân. Ở những nơi đã ban hành đầy đủ bộ thủ tục hành chính, công tác tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân lại chưa đầy đủ. Hơn thế, các hình thức phổ biến, tuyên truyền chưa thực sự đa dạng nên không bảo đảm được sự tiếp cận đơn giản nhất từ phía người dân, doanh nghiệp. Chưa kể, thực trạng cơ sở vật chất hiện nay tại các địa phương còn hạn chế, nhất là ở cấp cơ sở nên việc công bố, công khai các thủ tục hành chính có nơi vẫn còn mang tính hình thức. Một số địa phương chưa chủ động trong bố trí bộ phận để tiếp nhận những phản hồi của người dân, doanh nghiệp về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính để đề xuất điều chỉnh, sửa đổi kịp thời.

Ông Đàm Quang Trung cho biết, mục tiêu của đơn vị trong cải cách thủ tục hành chính về đất đai là phải cắt giảm 20% thời gian thực hiện, cũng như điều chỉnh một số quy trình theo hướng phù hợp hơn. Vì thế, trước những bất cập trên, hiện nay, đơn vị phân công cán bộ phụ trách tìm hiểu từng bộ hồ sơ tại từng địa phương. Trên cơ sở này, nếu cán bộ chuyên môn phát hiện bị “tắc” ở khâu nào sẽ giải quyết ở khâu đó. Đối với những bộ thủ tục hành chính còn rườm rà, đơn vị tiếp tục xem xét, phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh để cho chủ trương cắt bỏ.

Rõ ràng, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai có liên quan phần lớn đến người dân, tổ chức. Vì vậy, việc quan tâm tháo gỡ những "điểm nghẽn" là hết sức cấp bách, cần thiết nhằm góp phần nâng cao khả năng tiếp cận đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tục hành chính về đất đai: Những "điểm nghẽn" cần tháo gỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO