Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy cải cách hành chính

Hoàng Thanh| 14/11/2019 09:16

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT), đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tạo điều kiện môi trường pháp lý thuận lợi, thúc đẩy ứng dụng, phát triển CNTT, thúc đẩy cải cách hành chính (CCHC), phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Người dân tra cứu TTHC tại UBND xã Nâm N'Jang (Đắk Song). Ảnh: Song Việt

Theo đó, ứng dụng CNTT trong CCHC và các hệ thống phần mềm dùng chung được triển khai trên quy mô toàn tỉnh. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai, bảo đảm kết nối gửi nhận liên thông văn bản điện tử giữa các sở, ban, ngành và địa phương. Cổng Thông tin điện tử tỉnh được triển khai hiệu quả, đồng bộ, tích hợp  Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời cho người dân và doanh nghiệp. Hệ thống một cửa điện tử đã được thực hiện hiệu quả tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, phục vụ người dân và doanh nghiệp đến giao dịch.

Từ khi thành lập đến nay, trung bình mỗi năm Trung tâm Hành chính công tỉnh tiếp nhận mới gần 23.000 hồ sơ và giải quyết 22.600 hồ sơ, đạt 98,3%. Toàn tỉnh cung cấp 552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; trong đó 440 dịch vụ do tỉnh triển khai (344 dịch vụ cấp tỉnh, 94 dịch vụ cấp huyện, 2 dịch vụ cấp xã) và 112 dịch vụ do các bộ, ngành Trung ương triển khai.

Hiện các sở, ban, ngành, địa phương đã và đang tích cực triển khai ứng dụng chuyên ngành về CNTT phục vụ chỉ đạo, điều hành qua các hệ thống: Phần mềm quản lý bệnh viện, bảo hiểm, y tế cơ sở; hệ thông tin địa lý GIS, giám sát và quan trắc môi trường tự động tại các điểm xung yếu; phần mềm quản lý cấp giấy phép lái xe, cầu đường; quản lý các dự án đầu tư công, tài sản công, ngân sách, hộ tịch, đối tượng người có công và chế độ chính sách... Ngoài ra, các lĩnh vực kê khai thuế, bảo hiểm xã hội qua mạng, quản lý hóa đơn điện tử… cũng được doanh nghiệp cung cấp dịch vụ triển khai sâu rộng đến tận các cơ quan quản lý cấp huyện, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Song song đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hàng năm, tỉnh cũng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý về CNTT, kiến thức ứng dụng CNTT cơ bản, quản trị mạng, khai thác internet, khai thác sử dụng hệ thống phần mềm dùng chung, qua đó giúp tiếp cận và cập nhật các kiến thức về Chính phủ điện tử, cách mạng công nghiệp lần thứ 4...

Mặt khác, tỉnh cũng đầu tư đồng bộ hạ tầng viễn thông, internet từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Mạng thông tin di động 3G, 4G đã cơ bản cung cấp dịch vụ gần 100% diện tích các địa bàn dân cư trên địa bàn tỉnh, đáp ứng cơ bản nhu cầu của người dân.

Hạ tầng truyền dẫn cáp quang được kéo đến trung tâm của 71 xã, phường có kết nối băng rộng cố định đến trung tâm. Internet tốc độ cao cũng đã đến với trung tâm các xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, mạng truyền số liệu chuyên dùng được triển khai đến tận các sở, ban, ngành, địa phương và duy trì, bảo đảm hoạt động thông suốt. Hạ tầng CNTT trong các cơ quan Nhà nước đều được đầu tư nâng cấp. Hầu hết cơ quan, đơn vị có hệ thống mạng nội bộ LAN và có kết nối internet. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được kết nối thông suốt từ tỉnh đến Trung ương, phục vụ hiệu quả các cuộc họp thường kỳ, đột xuất của UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương.

Đối với việc gửi, nhận văn bản trên Trục liên thông văn bản quốc gia, đến thời điểm hiện tại, tỉnh cũng đã hoàn thành việc kết nối liên thông và triển khai áp dụng gửi, nhận văn bản với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương.

Qua đánh giá, cơ chế, chính sách về ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh vẫn còn bất cập, chưa có cơ chế hỗ trợ, ưu đãi cho cán bộ chuyên trách CNTT nên rất khó khăn trong việc tuyển dụng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong cơ quan Nhà nước. Nhiều cơ quan, đơn vị vẫn chưa quán triệt sử dụng Phần mềm quản lý văn bản và điều hành để thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong luân chuyển nội bộ. Trang Thông tin điện tử các sở, ban, ngành và địa phương đã được thiết lập nhưng thông tin cung cấp không được thường xuyên. Số lượng các dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 vẫn còn hạn chế, chủ yếu người dân và doanh nghiệp đến giao dịch trực tiếp tại các sở, ngành và Trung tâm Hành chính công tỉnh. Tốc độ đường truyền thấp, chưa có giải pháp kết nối và triển khai tổng thể.

Việc ứng dụng công nghệ nói chung và CNTT nói riêng trong các tổ chức, doanh nghiệp của tỉnh ngày càng được quan tâm đầu tư. Nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp được nâng cao thông qua công tác tuyên truyền và các khóa tập huấn do sở, ngành, địa phương tổ chức. Các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh đã đầu tư khá bài bản cho ứng dụng CNTT vào quản lý sản xuất, kinh doanh và đạt kết quả cao. Nhiều hệ thống phần cứng, trang thiết bị và phần mềm tiên tiến được đưa vào ứng dụng, góp phần quan trọng trong sự phát triển của các tổ chức, doanh nghiệp.

Theo Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT trong tình hình mới, thời gian tới, cùng với việc tập trung nâng cao nhận thức và vai trò của các cấp ủy, tỉnh tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến về CNTT, bảo đảm thông tin đến cán bộ, người dân kịp thời . Tỉnh tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung nội dung ứng dụng, phát triển CNTT vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cũng như đề án, dự án đầu tư của tỉnh. Tỉnh ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho chương trình, kế hoạch, dự án ứng dụng và phát triển CNTT, đào tạo nguồn nhân lực CNTT phù hợp với đặc thù phát triển kinh tế... Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ triển khai có hiệu quả các hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh, đặc biệt là các hệ thống phần mềm nền tảng phục vụ cho việc xây dựng Chính quyền điện tử cấp tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy cải cách hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO