Nâng cao chỉ số PCI Đắk Nông: Đâu là điểm nghẽn ? (kỳ 2: Cần thêm sự quyết liệt và đồng bộ)

Đức Diệu – Nguyễn Lương| 17/04/2019 10:13

Sau khi kết quả PCI được công bố, UBND tỉnh Đắk Nông thường tổ chức các diễn đàn như hội thảo, cuộc họp để phân tích, mổ xẻ những hạn chế để đưa ra kế hoạch, lộ trình khắc phục. Tuy nhiên, một thực tế là những hạn chế, yếu kém được nhiều năm đề cập nhưng việc khắc phục rất chậm và hiệu quả thực thi chưa đạt như mong muốn.

Góc nhìn các chuyên gia

Năm 2014, tại hội thảo về nâng cao chỉ số PCI được UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức, các chuyên gia đã chỉ ra 3 vấn đề mà doanh nghiệp Đắk Nông đang gặp khó khăn, cần phải cải thiện gồm: Vốn đăng ký kinh doanh; lao động - việc làm; cải cách hành chính. Cụ thể là trong lĩnh vực đất đai; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; quyết toán, hoàn thuế giá trị gia tăng đang bị doanh nghiệp than phiền vì thủ tục rườm rà, thời gian giải quyết hồ sơ chậm hoặc cán bộ không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ nên doanh nghiệp phải trả thêm chi phí không chính thức.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân cho rằng lãi suất và điều kiện cho vay vốn khó, thậm chí phải bồi dưỡng cán bộ ngân hàng khi vay vốn. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cho rằng lãnh đạo tỉnh có chủ trương, chính sách tốt nhưng không được thực hiện đúng ở một số sở, ngành, cấp huyện; những sáng kiến tốt ở cấp tỉnh nhưng thực thi ở các sở, ngành lại có vấn đề. Chưa kể đến, vấn đề đơn giản là tìm kiếm thông tin kinh doanh; dịch vụ tư vấn thông tin pháp luật; tìm kiếm đối tác và dịch vụ xúc tiến thương mại tại tỉnh cũng rất hạn chế.

Những hạn chế trên đã được tỉnh ghi nhận và đưa vào kế hoạch khắc phục bằng việc giao cụ thể từng lĩnh vực, đầu việc cho các đơn vị chức năng triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, năm 2014 và những năm tiếp theo, mặc dù có cải thiện về điểm số nhưng thứ hạng về PCI Đắk Nông vẫn không được cải thiện, thậm chí một số chỉ số thành phần còn có xu hướng giảm điểm hoặc tăng nhưng không đáng kể.

Trong năm 2018, khi phân tích chỉ số PCI năm 2017, các chuyên gia nhận định những điểm nghẽn mà Đắk Nông đã chỉ ra bấy lâu tuy đã có động thái tích cực trong thực hiện nhưng thiếu đồng bộ, quyết liệt dẫn đến sự cải thiện chậm hơn so với vận động PCI trong toàn quốc. Cái chậm ở đây trước hết là thể chế pháp lý, thủ tục hành chính cải cách chưa đồng bộ; nhân lực thực thi chính sách thiếu sáng tạo, quyết tâm dẫn đến nhiều khâu, điểm vẫn còn tắc nghẽn. Đến nay, những lĩnh vực trên vẫn chưa được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận có sự cải thiện nhiều. Thậm chí, một số lĩnh vực, mức hài lòng của doanh nghiệp đang có dấu hiệu tụt giảm hơn. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong tổng điểm khảo sát từng chỉ số thành phần của PCI các năm gần đây.

Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty Nguyên Thành Phát (Đắk R'lấp) kiến nghị đội ngũ thực thi công vụ tại các sở, ngành nâng cao trình độ, đạo đức để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Lương

Nhận định của doanh nghiệp

Trao đổi bên lề hội thảo nâng cao chỉ số PCI Đắk Nông năm 2018, nhiều doanh nghiệp thẳng thắn thừa nhận động thái cải cách của lãnh đạo tỉnh là rất đáng ghi nhận song quá trình thực thi vẫn “tắc”.

Theo ông Trần Văn Thuân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh thì cái quan trọng nhất là một số doanh nghiệp đã giảm sút niềm tin ở phía chính quyền. Thứ nữa là tính minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin và quá trình giám sát trong thực thi công vụ chưa cao. Điều này thể hiện ở chỗ là nhiều chủ trương, chính sách của tỉnh ban hành nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống. Doanh nghiệp chưa thực sự được thụ hưởng từ những chính sách này.

Tính minh bạch, ứng dụng thông tin còn yếu, cùng với quá trình giám sát thực hiện chưa được quan tâm nên mỗi khi xảy ra “sự cố” gì cứ đùn đẩy trách nhiệm mà không một đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm để xử lý “sự cố”. Trung tâm Hành chính công đi vào hoạt động là sự cố gắng của tỉnh song còn nhiều vấn đề cần bàn. Hiện tại, cứ đụng đến lĩnh vực nào, cán bộ phải chạy qua sở nọ, sở kia để cập nhật số liệu, văn bản, quy định, mà chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung nên doanh nghiệp mất nhiều thời gian khi làm thủ tục, hồ sơ.

Thời điểm giữa năm 2018, ông T.V.H (xin giấu tên) chủ doanh nghiệp xây dựng chia sẻ: “UBND tỉnh đưa Trung tâm Hành chính công đi vào hoạt động, nhưng nhiều lúc doanh nghiệp chưa thấy được sự tiện ích đó”. Ông H phân trần, để nộp hồ sơ xin giấy phép thành lập doanh nghiệp xây dựng, theo quy định phải có bộ phận kỹ sư xây dựng. "Khi chúng tôi nộp xong hồ sơ tại bộ phận “một cửa” thì bộ phận này gửi về Sở Xây dựng và doanh nghiệp phải đóng chi phí hết 1 triệu đồng. Sau khi nhận hồ sơ, Sở Xây dựng trả lời là mã số Kỹ sư xây dựng mà công ty đăng ký đang làm việc cho doanh nghiệp khác nên không hợp lệ, sau đó, trả lại hồ sơ cho doanh nghiệp. Để thành lập được doanh nghiệp, chúng tôi lấy mã số một kỹ sư xây dựng khác, rồi cũng gửi hồ sơ theo kiểu như trên và tiếp tục nộp phí thêm 1 triệu đồng nữa. Cũng với lý do như trên, Sở Xây dựng một lần nữa trả hồ sơ lại cho doanh nghiệp. Sự việc cứ diễn ra mấy lần như thế. Mỗi lần doanh nghiệp mất 1 triệu đồng tiền phí, mà cuối cùng cũng không xong hồ sơ giấy phép xây dựng”.

Ông Đinh Xuân Thu, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại xanh Thu Thủy (Đắk Song) cho hay: “Động thái” của các sở, ngành trong cắt giảm thủ tục hành chính là đã có, nhưng mức độ chuyển biến chưa cao. Nhiều kỳ vọng của doanh nghiệp gửi gắm chưa thực sự được các cấp, ngành giải quyết thấu tình đạt lý”.

Ông Thu nêu ví dụ: Để đăng ký quyền bảo hộ của nhãn hiệu sản phẩm, từ khi đơn vị gửi hồ sơ đến khi nhận được thông báo của cơ quan chức năng phải mất gần 1 năm. Điều đáng nói, sau gần 1 năm, văn bản mà cơ quan chức năng gửi cho doanh nghiệp lại thông báo là nhãn hiệu mà đơn vị muốn đăng ký đã có doanh nghiệp khác đăng ký rồi. Cuối cùng, doanh nghiệp phải hủy tất cả các hồ sơ đã làm trước đó, dẫn đến vừa tốn chi phí, lại mất nhiều thời gian.

Cần thêm tính đồng bộ và quyết liệt

Các chuyên gia nhận định, Đắk Nông chưa giải quyết căn cơ một số bất cập căn bản như thể chế, tính tiên phong, sáng tạo trong điều hành, lãnh đạo, thực thi nền hành chính và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Do vậy, những cải cách để tạo ấn tượng hay đột phá sẽ khó khăn hơn.

Đơn cử như cũng mô hình trung tâm hành chính công đã được nhiều tỉnh, thành áp dụng khá lâu và nhận được hiệu ứng tích cực từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, những tỉnh, thành này đã có sẵn một thể chế phù hợp, nền hành chính công tương đối đồng bộ từ trên xuống dưới. Còn đối với Đắk Nông, cũng mô hình này nhưng mặt bằng về trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, hệ thống thủ tục giữa chiều dọc (từ trên xuống) và chiều ngang, các sở, ngành, đơn vị từng cấp chưa thực sự được đồng bộ hóa nên đã tạo thành những điểm nghẽn trong vận hành.

Bên cạnh đó, như đã nói ở trên, vốn dĩ PCI là chỉ số động, tịnh tiến theo mặt bằng và xu hướng tăng dần để ngày càng đáp ứng cao hơn yêu cầu bức bách về môi trường đầu tư thông thoáng, hiệu quả. Vì vậy, nếu thời điểm này, mô hình này có thể phát huy hiệu quả tức thời thì một vài năm sau sẽ có mô hình khác phù hợp hơn thay thế. Nếu chúng ta áp dụng những mô hình kiểu như: Cà phê doanh nhân (Hậu Giang) hay “Bác sĩ doanh nghiệp” (Bắc Ninh); “Trung tâm hành chính công” (Đà Nẵng) mà không có sự cải tiến theo hướng linh hoạt, phù hợp thì tác động về điểm số lẫn thứ hạng cũng không lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chỉ số PCI Đắk Nông: Đâu là điểm nghẽn ? (kỳ 2: Cần thêm sự quyết liệt và đồng bộ)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO