Công tác cải cách thủ tục hành chính: Nhiều tồn tại, hạn chế được phát hiện qua kiểm tra

Bình Minh| 27/12/2017 14:37

Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo bằng nhiều văn bản, thông qua các cuộc họp, hội thảo, hội nghị nhưng đến nay việc triển khai thực hiện ở các đơn vị, địa phương vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế và yếu kém.

ADQuảng cáo

Trước hết, tỷ lệ trễ hẹn hồ sơ tại bộ phận "một cửa", "một cửa liên thông" qua kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành theo Quyết định số 661/QĐ – UBND do Sở Nội vụ chủ trì ở nhiều đơn vị còn khá cao so với báo cáo gửi UBND tỉnh.

Cụ thể, kiểm tra tại huyện Đắk R'lấp, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn trong 9 tháng 2017 lên tới 9,4%; tại huyện Đắk Glong qua kiểm tra 35 hồ sơ lĩnh vực đất đai thì có tới 23 hồ sơ trễ hẹn, chiếm 65,7%. Nguyên nhân chính là do việc tiếp nhận hồ sơ sai quy trình, cán bộ tiếp nhận không nắm vững quy định nên tiếp nhận hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết dẫn đến phải trả lại.

Lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn cũng khá cao, có nơi lên tới 66,9%. Điều đáng nói sau khi trễ hẹn, hầu hết các đơn vị không ban hành văn bản xin lỗi, nêu rõ lý do trễ hẹn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Qua báo cáo nhiều đơn vị đã cung cấp dịch vụ công mức độ 2, 3, 4 nhưng thực tế kiểm tra ở nhiều đơn vị thì mới chỉ thực hiện đạt ở cập độ 1, thiếu thông tin các văn bản, tờ khai, nghị định, thông tư liên quan.

Qua kiểm tra, nhiều đơn vị ban hành kế hoạch triển khai thực hiện cải cách hành chính (CCHC) còn chung chung, không có hoạt động, kết quả đầu ra cụ thể. Thậm chí đến nay đã gần hết năm nhưng nhiều đơn vị vẫn chưa ban hành kế hoạch CCHC như xã Quảng Sơn (Đắk Glong); UBND huyện Đắk R'lấp, UBND xã Quảng Tâm (Tuy Đức), UBND xã Đạo Nghĩa (Đắk R'lấp) cũng chưa ban hành kế hoạch kiểm soát TTHC.

Thời gian qua, các bộ, ngành Trung ương đã ban hành nhiều quy định giảm thiểu giấy tờ, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo ngành, lĩnh vực nhưng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh vẫn chậm đề xuất phương án thực hiện. Tình trạng này đã dẫn đến có địa phương thực hiện áp dụng văn bản hết hiệu lực vào giải quyết thủ tục hành chính gây bức xúc trong nhân dân.

ADQuảng cáo

Cụ thể, tại huyện Đắk Glong theo quy định mới của Nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định thủ tục giải quyết liên quan đến đất đai chỉ 30 ngày nhưng cán bộ vẫn hẹn trả 60 ngày như quy định cũ. Việc niêm yết công khai các TTHC còn sơ sài, chưa cập nhật đầy đủ thông tin mới ban hành, sửa đổi, bổ sung nhất là đối với cấp xã.

Qua kiểm tra thực tế cũng cho thấy, nhận thức, thái độ của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn chưa thay đổi nhiều, chưa thấy được tầm quan trọng của CCHC là chuyển từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ nên giữ thói quen, lề lối làm việc quan liêu như trước đây. Trong khi đó, việc xử lý, kỷ luật những tổ chức, cá nhân có vi phạm trong giải quyết các TTHC của người dân, doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm túc, mang tính răn đe, giáo dục cao.

Tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn của cán bộ, công chức khi tiếp xúc với doanh nghiệp và người dân vẫn còn nhiều. Để đánh giá mức độ hài lòng của người dân, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát 200 phiếu khảo sát ý kiến của người dân trong các đợt tiếp xúc cử tri tại 8 huyện, thị xã, qua đó tiếp nhận 156 phiếu trả lời.

Kết quả có tới 121 phiếu không hài lòng chiếm tỷ lệ 77,56%, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, tư pháp, y tế, bảo hiểm, lao động, thương binh, xã hội. Lý do người dân không hài lòng là vì giải quyết chậm, rườm rà, bắt đi lại nhiều lần, trả kết quả không đúng hẹn, thái độ của công chức hướng dẫn làm TTHC không nhiệt tình, không đúng mực, làm sai quy định.

Ngoài ra, việc thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" ở nhiều đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là về diện tích còn chật hẹp, phương tiện và phần mềm hỗ trợ chưa phát huy hiệu quả. Qua kiểm tra cho thấy, việc tiếp nhận TTHC vẫn chưa được số hóa mà vẫn tiếp nhận bằng giấy theo cách làm “truyền thống” như trước đây.

Được biết, để đạt mục tiêu của tỉnh đề ra là đến năm 2020 phấn đấn có 80% người dân, doanh nghiệp hài lòng với sự phục vụ của cơ quan nhà nước, ngoài chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chương trình, kế hoạch đã đề ra, hỗ trợ cấp huyện, xã, kiểm tra quá trình thực hiện thì việc xử lý trách nhiệm các cá nhân vi phạm trong giải quyết TTHC có vai trò rất quan trọng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác cải cách thủ tục hành chính: Nhiều tồn tại, hạn chế được phát hiện qua kiểm tra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO