Cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp cần thực chất

Bình Minh| 29/06/2018 09:41

Công tác cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh Đắk Nông trong 6 tháng qua được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt thực hiện và đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thế nhưng, hoạt động này cần phải thực chất hơn vì đến nay vẫn còn nhiều rào cản cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

ADQuảng cáo

Bộ phận “một cửa” UBND xã Nam Bình (Đắk Song) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Đức Diệu

Những cải cách của UBND tỉnh và các ngành, địa phương trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong 6 tháng đầu năm 2018, môi trường kinh doanh của Đắk Nông đã được cải thiện đáng kể.

Thời gian thành lập doanh nghiệp mới được hỗ trợ, giải quyết trong 2 ngày làm việc. Thời gian cấp giấy phép xây dựng từ 30 ngày xuống còn 10 ngày. Các thủ tục liên quan khác như tiếp cận điện năng, nộp bảo hiểm bắt buộc đối với doanh nghiệp, đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản, thời gian cấp mã số doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể so với trước đầy. Hoạt động ứng dụng thông tin, điều hành công việc qua mạng điện tử của các cơ quan được đẩy mạnh.

Hiện nay, tỉnh đã triển khai mô hình “Cà phê doanh nhân” có sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và thắc mắc của doanh nghiệp. Qua đánh giá bước đầu, mô hình đã tạo ra không gian đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh và các ngành liên quan.

Môi trường kinh doanh được cải thiện nên số doanh nghiệp và lượng vốn đăng ký hoạt động của doanh nghiệp tăng, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hay giải thể cũng giảm mạnh. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 240 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,2% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký gần 800 tỷ đồng. Số doanh nghiệp giải thể là 30 doanh nghiệp, giảm 3,2% so với cùng kỳ. Tình hình hoạt động của các hợp tác xã và tổ hợp tác đã có nhiều chuyển, biến, 6 tháng đầu năm thành lập mới 35 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh là 168 hợp tác xã, 262 tổ hợp tác.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của các doanh nghiệp, bên cạnh những điểm sáng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh thì vẫn còn hàng loạt khó khăn đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp có sự phân cực rõ rệt. Đối với các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh nông sản, gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thị trường; các doanh nghiệp liên quan đến xây dựng hoạt động cầm chừng do khó khăn về nguồn vốn đầu tư.

ADQuảng cáo

Qua thực tế cho thấy, hoạt động liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp hiện đang được triển khai ở nhiều cơ quan, đơn vị, một mặt tạo được nhiều kênh để doanh nghiệp tiếp cận, thụ hưởng. Thế nhưng, chính điều này lại tạo cho doanh nghiệp cảm giác bị chi phối, thiếu an tâm do không có đơn vị đầu mối.

Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ như thế này dễ bị trùng lặp ở các đơn vị thông qua những hoạt động như hội nghị, hội thảo, đào tạo tập huấn, kết nối thị trường… dẫn đến hiệu quả chưa cao, chưa thực chất. Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của tỉnh đối với doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn để thực hiện.

Đội ngũ cán bộ, những người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn thiếu, chưa được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên về kiến thức pháp luật, kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đa số cán bộ, công chức làm việc kiêm nhiệm nên chất lượng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn chưa cao. Trong khi đó, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực để cung cấp cho doanh nghiệp, các dịch vụ hỗ trợ khác và đăng ký thương hiệu còn nhiều hạn chế. Kinh phí cho các hoạt động hỗ trợ trực tiếp chưa nhiều, chưa tạo được sự thu hút của doanh nghiệp tham gia vào các chương trình của tỉnh.

Điều đáng nói, tính liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cùng một ngành nghề thường không có hoặc rất yếu. Điều này xuất phát từ tâm lý sợ bị thất bại, sợ bị đẩy ra khỏi thị trường nên các doanh nghiệp có xu hướng cạnh tranh lẫn nhau bằng mọi giá để tồn tại trong phạm vi thị trường vốn đã nhỏ hẹp nay lại càng trở nên hẹp hơn.

Trước những hạn chế, bất cập này, UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo tăng cường thực hiện kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh canh cấp tỉnh. Ngoài đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử, UBND tỉnh cũng chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với những hành vi nhũng nhiều, gây khó cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”.

Ở góc độ doanh nghiệp, các đơn vị đề nghị UBND và các cơ quan tham mưu trong quản lý nhà nước cần đẩy mạnh việc rà soát, sửa đổi chính sách để giảm thiểu và xóa bỏ rào cản kinh doanh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, các chi phí chính thức và không chính thức vẫn cao, đưa các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đi vào thực chất để hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp cần thực chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO