Cải thiện dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực đất đai: Bắt đầu từ cán bộ thực thi

Đức Diệu| 23/03/2017 08:36

Trong những năm qua, việc đẩy mạnh cải cách hành chính nói chung, cải cách quy trình, thủ tục trong lĩnh vực đất đai nói riêng đã được các đơn vị, địa phương quan tâm và thu được những kết quả nhất định.

Hệ thống các quy định, quy trình từng bước được chuẩn hóa, niêm yết công khai, thời gian giải quyết thủ tục được rút ngắn. Tuy nhiên, kết quả điều tra mức độ hài lòng của người dân đối với chất lượng cung ứng dịch vụ về đất đai năm 2016 được UBND tỉnh Đắk Nông công bố mới đây cho thấy, bên cạnh mặt tích cực, vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan ngại, nhất là thái độ, chất lượng phục vụ của chính cán bộ thực thi chính sách.  

Qua điều tra ngẫu nhiên 500 đối tượng bằng hình thức phát phiếu thăm dò cho thấy chỉ có 37% mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực đất đai, 47% ý kiến tham khảo đánh giá trung bình, còn lại là ý kiến đánh giá thấp. Trong nhiều nội dung được đưa ra tham khảo, lấy ý kiến thì nội dung đánh giá về trách nhiệm và chuyên môn của cán bộ công chức tiếp nhận, giải quyết công việc thuộc lĩnh vực đất đai được nhiều người dân đánh giá mức trung bình hoặc chưa hài lòng.

Cụ thể, trả lời về thái độ làm việc của công chức khi tiếp nhận và trả kết quả trong lĩnh vực này, chỉ có 34% người được hỏi đánh giá cán bộ nhiệt tình; 50,8% đánh giá bình thường và 12,2% đánh giá chưa nhiệt tình, 3,1% cho rằng công chức thờ ơ, không quan tâm. Trong các nhóm đối tượng được hỏi thì nhóm những người làm kinh doanh, nông dân đánh giá công chức chưa nhiệt tình chiếm cao hơn các đối tượng khác.

Về năng lực hướng dẫn, có 44% ý kiến cho biết công chức hướng dẫn quy trình, thủ tục khó hiểu, 9,9% cảm thấy phiền hà, còn lại 46,1% cho rằng công chức hướng dẫn đầy đủ, một lần, dễ hiểu.

Theo đánh giá của người dân, chỉ có 25,2% ý kiến được hỏi cho rằng cán bộ, công chức tiếp nhận và trả kết quả am hiểu công việc chuyên môn; 67,3% đánh giá ở mức tạm được và 7,6% cho rằng cán bộ, công chức giải quyết công việc còn lúng túng.

Qua tham vấn còn cho thấy, tình trạng cán bộ, công chức ưu tiên người thân quen trong giải quyết thủ tục về đất đai vẫn còn phổ biến, trễ hẹn so với thời gian quy định vẫn còn diễn ra. Có 28,5% ý kiến cho biết, hồ sơ về đất đai thường trễ hẹn. Thời gian trễ hẹn trung bình là 7 ngày so với quy định, trong đó, trễ hẹn trên 20 ngày chiếm tới 25,9%.

Điều đáng nói, khi hồ sơ trễ hẹn, cơ quan thẩm quyền chưa quan tâm đến việc xin lỗi và nêu rõ nguyên nhân theo quy định cho công dân. Chỉ có 4% người được hỏi cho biết họ nhận được văn bản xin lỗi, còn 96% không nhận được văn bản xin lỗi của cơ quan nhà nước khi hồ sơ, thủ tục đất đai trễ hẹn so với quy định. Riêng thị xã Gia Nghĩa và huyện Krông Nô, 100% người được hỏi đều cho biết họ không nhận được văn bản xin lỗi khi hồ sơ trễ hẹn so với quy định. Qua khảo sát cũng cho thấy, 22,5 % ý kiến cho biết họ phải trả thêm các khoản chi phí ngoài quy định, trong đó thị xã Gia Nghĩa có tỷ lệ cao nhất với 29,3%...

Rõ ràng, kết quả khảo sát trên tuy chưa phản ánh sát và hết thực trạng về chất lượng cung ứng dịch vụ công của tỉnh nhưng đây là một trong những cơ sở để cơ quan có thẩm quyền nhận diện rõ hơn những hạn chế để tập trung khắc phục. Qua đây cũng cho thấy, mọi nỗ lực cải cách muốn có hiệu quả trước hết phải bắt đầu từ chính đội ngũ cán bộ thực thi chính sách. Vì vậy, việc nâng cao trình độ, trách nhiệm và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức cần được đặt lên hàng đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải thiện dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực đất đai: Bắt đầu từ cán bộ thực thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO