Bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe

Vũ Trang| 17/06/2020 10:04

Với việc triển khai nhiều hoạt động, mô hình phù hợp, hiệu quả, thời gian qua, người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã từng bước được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách bình đẳng, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về bình đẳng giới.

ADQuảng cáo

Tăng tỷ lệ phụ nữ tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế

Mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe gồm 4 chỉ tiêu cụ thể: Tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 115 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2020; Giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản xuống 52/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2020; Tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lên 50% vào năm 2020; Giảm tỷ lệ phá thai xuống 25/100 trẻ đẻ sống vào năm 2020.

Khám, sàng lọc các bệnh không lây nhiễm cho phụ nữ trên địa bàn huyện Đắk R'lấp

Thực hiện các chỉ tiêu trên, thời gian qua, ngành Y tế phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình lồng ghép với các hoạt động hỗ trợ, can thiệp, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Đơn cử như các mô hình: Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; Can thiệp giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh… Với khoảng 300 câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành viên và thanh niên, cùng 128 câu lạc bộ sức khỏe tiền hôn nhân, hàng năm, toàn tỉnh có hàng ngàn thanh, thiếu niên được giáo dục, tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức về giới cũng như tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Bên cạnh đó, hiện nay, hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn cũng tăng cường các hoạt động trợ giúp phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, vận động phụ nữ có thai tiêm đầy đủ vắc xin uốn ván... Đến nay, 100% cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã có dịch vụ tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản; 100% số trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi. Phụ nữ được bảo đảm thực hiện tốt chức năng sinh con, nuôi dạy con và tham gia hoạt động xã hội.

Cần được thụ hưởng các dịch vụ y tế như nhau

ADQuảng cáo

Theo quy định tại Điều 17 Luật Bình đẳng giới thì nam nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động giáo dục truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế cũng như bình đẳng trong lựa chọn quyết định sử dụng biện pháp tránh thai, biện pháp an toàn tình dục, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục…Không chỉ là quy định mà thực tế cũng cho thấy, phụ nữ và nam giới đều cần được thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong đó có sức khỏe sinh sản như nhau.

Nam giới cũng cần tiếp cận các thông tin, dịch vụ liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người dân, nhất là nam giới vẫn cho rằng việc chăm sóc sức khỏe sinh sản là chuyện chỉ dành riêng cho phụ nữ. Thực tế, sự xuất hiện của nam giới với góc độ là đối tượng thụ hưởng các chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản còn hạn chế. Trong khi đó, nam giới cũng có rất nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản cần được quan tâm như: vấn đề hiếm muộn, vô sinh, nhu cầu về sinh lý, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục…

Mặt khác, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nam giới hiện nay cũng không sẵn có và không thuận lợi trong việc tiếp cận, dẫn đến tình trạng nhiều trường hợp bệnh nặng với những biến chứng nguy hiểm thì mới được phát hiện, điều trị…

Tính đến hết năm 2019, các chỉ tiêu về bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của tỉnh đã cơ bản được thực hiện tốt. Tỷ số giới tính khi sinh bảo đảm mức 106 trẻ trai/100 trẻ gái. Tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản giảm xuống 0/100.000. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt 78%. Tỷ lệ phá thai giảm xuống 0,07%.

Để bảo đảm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu đặt ra, tỉnh xác định tiếp tục tập trung vào các nhóm giải pháp trọng tâm. Cụ thể, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản cần tiếp tục được mở rộng theo hướng đa dạng, bình đẳng, linh hoạt và dễ tiếp cận cho phụ nữ và nam giới. Các hoạt động truyền thông tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, chú trọng việc giáo dục về bình đẳng giới nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, đồng thời tuyên truyền nhằm huy động sự tham gia của nam giới vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.

Đặc biệt, nhiều ý kiến cũng cho rằng, khi xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về bình đẳng giới cho giai đoạn tiếp theo, các ngành chức năng cần chú trọng đưa những chỉ tiêu liên quan đến cả nam giới, chứ không chỉ đơn thuần là nữ giới như trong giai đoạn vừa qua.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO