Việt Nam - Quốc gia biển

13/06/2017 10:03

Từ xa xưa, tọa độ của Việt Nam được ông cha ta xác định là một quốc gia “Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, tức là biển chiếm phần lớn.

ADQuảng cáo

Căn cứ vào các Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam về các vùng biển (1977), về Đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải (1982), luật Biên giới quốc gia (2003), luật Biển Việt Nam (2012) và phù hợp Công ước luật Biển 1982 có thể xác định: Biển Việt Nam là một bộ phận và chiếm khoảng 29% diện tích toàn Biển Đông, rộng gấp hơn 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền, bao gồm: Các vùng biển nằm trong phạm vi 200 hải lý, thềm lục địa và hai quần đảo ngoài khơi Hoàng Sa và Trường Sa.

Phần lục địa nước ta không có nơi nào cách xa biển quá 500 km, nơi thắt hẹp nhất ở Quảng Bình chỉ gần 50 km, nên yếu tố biển (tự nhiên và phát triển) đều có thể phát huy ảnh hưởng đến mọi miền đất nước. Dải ven biển nước ta tạo ra nhiều "cửa ngõ" để mở cửa thông thương ra biển và đại dương với thế giới bên ngoài, như: Hải Phòng, Vũng Tàu, Nghi Sơn, Vũng Áng, Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Vân Phong, Cam Ranh v.v…

Biển Đà Nẵng. Ảnh tư liệu

Năng lực nội sinh và nhu cầu nội vùng của dải ven biển nước ta cũng rất đáng kể: Tập trung các nguồn tài nguyên thiên nhiên, 20/25 hệ sinh thái biển – ven biển quan trọng nhất; tập trung khoảng trên 50% dân số cả nước (tính cho các tỉnh ven biển) và khoảng 30% dân số cả nước (tính cho các huyện ven biển); khoảng 50% các đô thị lớn và trên 300 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế ven biển lớn đã, đang và sẽ được đầu tư phát triển mạnh, trong đó có ba vùng kinh tế trọng điểm quốc gia – Bắc, Trung và Nam. Một dải đất hẹp và bờ biển dài như vậy (trên 3.260 km, không kể bờ các đảo) vừa có lợi thế trong phát triển vừa có giá trị chiến lược về mặt phòng thủ đất nước khi xảy ra chiến tranh.

Dựa vào lợi thế về biển và hải đảo, các thế hệ người Việt và các triều đại Nhà nước Việt Nam đã thực thi liên tục chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển và hai quần đảo ngoài khơi Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam theo quy định của pháp luật quốc gia và phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 (gọi tắt là Công ước luật Biển 1982). Từ sau khi nước nhà giành được độc lập và đất nước thống nhất về một dải, Đảng và Nhà nước ta đã liên tục ban hành các chính sách, chiến lược kinh tế mở và tạo đột phá thành công bước đầu cho nền kinh tế đất nước, bao gồm kinh tế biển.

Các vấn đề biển của nước ta vừa chứa đựng yếu tố quốc gia, vừa chứa đựng yếu tố quốc tế. Cho nên, chính sách biển nước ta một mặt phải có tác động điều chỉnh hành vi phát triển của các ngành kinh tế biển, tạo ra một trật tự pháp lý ổn định trên biển Việt Nam với sự góp sức của người dân, mặt khác phải có khả năng hội nhập quốc tế, phù hợp với tinh thần của Công pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật Biển 1982. Trong phát triển chú trọng cả yếu tố truyền thống và hiện đại, chú trọng phát triển các nghề biển xa và chuẩn bị từng bước điều kiện để vươn khơi, vươn ra đại dương.

Trong bối cảnh thế giới tiến ra biển và đại dương ở thế kỷ 21 với các chiến lược biển quốc gia đầy kỳ vọng và trong xu thế thế giới đang “lấy đại dương nuôi đất liền” như nói trên thì việc nhận diện một “Việt Nam biển” và vị trí quan trọng của nó đối với chiến lược phát triển đất nước như vậy chính là một cách nhìn mới và đầy đủ về “chân dung kinh tế” đất nước.

Biển là không gian sinh tồn của dân tộc Việt Nam và phải trở thành yếu tố trọng yếu, không thể thiếu trong nền kinh tế quốc dân và trong việc lựa chọn con đường đi tới của dân tộc ta. Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, đã không ít hơn 15 lần quân xâm lược tấn công nước ta từ phía biển. Nhà thơ Nguyễn Trọng Văn (2010) khi đứng trước biển ở vùng duyên hải đã thấy một “Tổ quốc Việt Nam – đường chân trời” và quan niệm rằng “Tổ quốc ta căng như một cánh buồm. Thẳng hướng ra khơi!”.

Nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển, ngày 6/5/1993 Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 03-NQ/TW về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và đã chỉ rõ: “Vị trí và đặc điểm địa lý của nước ta cùng với bối cảnh phức tạp trong vùng vừa tạo điều kiện, vừa đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đi đôi với tăng cường bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái biển. Phấn đấu trở thành một nước mạnh về kinh tế biển”.

ADQuảng cáo

Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài hơn 3.000 km. Ảnh tư liệu

Quan điểm kinh tế, chính trị như vậy tiếp tục được cụ thể hóa trong Nghị quyết của các Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, IX. Theo đó, trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm (2006-2010) đã chỉ rõ: “Phát triển mạnh kinh tế biển vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm với những ngành có lợi thế so sánh để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế”.

Đến Hội nghị Ban Chấp hành TW Đảng lần thứ 4 (khóa X) năm 2007, Đảng ta đã thông qua Nghị quyết 09/2007/NQ-TW về ban hành Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 (gọi tắt là Chiến lược biển 2020). Trong đó, xác định mục tiêu đến năm 2020 “phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển”. Đồng thời, chiến lược đã đề ra hàng loạt phương hướng, nhiệm vụ cơ bản và giải pháp chủ yếu tiến ra biển xa, chuẩn bị điều kiện ra đại dương, gắn với phát triển một nền khoa học – công nghệ biển tiên tiến, một nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững, một phương thức quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo, giữ vững hòa bình và ổn định, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biển của Tổ quốc.

Có thể nói, Chiến lược biển 2020 đã thể hiện tư tưởng chỉ đạo và ý chí chính trị của Đảng và Nhà nước ta đối với các vấn đề cực kỳ hệ trọng của đất nước – biển và hải đảo. Một vấn đề vừa rộng lớn, vừa phức tạp, vừa đòi hỏi tính bao quát toàn diện và một tầm nhìn dài hạn, cũng như những giải pháp mang tính đột phá đối với các vấn đề kinh tế, xã hội, quản lý, quốc phòng – an ninh, khoa học – công nghệ, phát triển bền vững… về biển và hải đảo của đất nước trong thời gian tới. Sự phát triển như vậy phải dựa trên thế mạnh, tính đặc thù và việc phát huy lợi thế của biển nước ta trong bối cảnh cụ thể của khu vực Biển Đông, cũng như việc bảo đảm lợi ích quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế về biển.

Chiến lược biển 2020 đưa ra các định hướng phát triển kinh tế biển theo nguyên tắc: Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo gắn với phát triển vùng nội địa; bảo vệ môi trường, tranh thủ hợp tác quốc tế và giữ vững nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

Thực hiện Nghị quyết 09/2007/NQ-TW về Chiến lược biển 2020, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai Chương trình hành động của Chính phủ từ năm 2007, tập trung vào việc từng bước hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách quản lý tổng hợp và thống nhất đối với biển và hải đảo. Cùng với việc thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo thành lập các Chi cục, Phòng quản lý biển, hải đảo trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường ở 28 tỉnh, thành phố có biển. Để quản lý hiệu quả các hoạt động khai thác, sử dụng biển, đảo, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.

Luật Biển Việt Nam được Quốc hội nước ta thông qua, là luật cơ bản về biển, được xây dựng phù hợp với Công ước Luật Biển 1982, bảo đảm tính nhất quán về vấn đề biên giới lãnh thổ, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, ban hành và thực thi các luật ngành và chuyên ngành ở nước ta trong thời gian tới. Theo đó, luật Tài nguyên và Môi trường biển đang được Bộ Tài Nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng theo cách tiếp cận quản lý tổng hợp để thống nhất quản lý Nhà nước đối với biển và hải đảo. 

Năm 2010, Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống 16 khu bảo tồn biển đầu tiên ở Việt Nam và Quy hoạch phát triển hệ thống đảo Việt Nam đến năm 2020… tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế biển nói chung, kinh tế đảo nói riêng, đặc biệt đối với nghề cá, du lịch sinh thái biển ở các vùng biển, hải đảo của đất nước trong thời gian tới.

Quan điểm trên được cụ thể hóa trong đường lối phát triển kinh tế, xã hội của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Bên cạnh chủ trương đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình và tiếp tục khẳng định chủ quyền các vùng biển và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội biển, hải đảo sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường năng lực quản lý vùng biển chủ quyền và thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong phạm vi các vùng biển và hải đảo quốc gia, tiến tới thực hiện quyền tham gia “hưởng lợi” ở các vùng biển quốc tế mà Công ước Luật Biển 1982 cho phép.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam - Quốc gia biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO