Người phụ nữ M’nông 11 năm làm đại biểu Quốc hội

N.T| 27/05/2016 10:01

Chúng tôi đã nhiều lần gặp gỡ bà H’Duyên, người M’nông để tìm hiểu và phản ánh về những năm tháng hoạt động cách mạng của bà.

Lần này, phải thuyết phục hồi lâu, bà mới cho chúng tôi xem một cái hộp cất kỹ trong nhà. Huy chương 40 năm tuổi Đảng, Kỷ niệm chương 65 năm Quốc hội Việt Nam và rất nhiều huy chương, kỷ niệm chương khác được bà H’Duyên để trong hộp.

Tấm thẻ đại biểu Quốc hội được bà H’Duyên cất kỹ ở cuối hộp. Những kỷ vật gợi lại bao kỷ niệm đối với chủ nhân của nó. Bà bảo, thẻ đại biểu Quốc hội khóa 6, khóa 7, cách đây hơn hai, ba chục năm nên đã nhuốm màu thời gian. Nhưng, với mình, nó vẫn như ngày nào thôi.

Bà H'Duyên (bên trái) kể cho cháu nghe về những kỷ niệm làm đại biểu Quốc hội những năm đầu mới thống nhất đất nước

Từ khi thoát ly đi hoạt động cách mạng vào năm 1961 đến đầu năm 1974, bà H’Duyên chưa từng được đến trường. Sau đó, bà mới ra miền Bắc tham gia học tập. Năm 1975, miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất. Bà trở về, làm ở Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, rồi làm công tác mặt trận, dân vận của huyện Đắk Nông (cũ).

Trình độ học vấn hạn chế, nếu không có lòng nhiệt tình cách mạng, gần gũi nhân dân và tích lũy kiến thức từ thực tế sôi động, chắc khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của một đại biểu Quốc hội liên tục trong 2 khóa, từ năm 1976 đến năm 1987. Bù lại, nhờ am hiểu ngôn ngữ, tập quán của đồng bào mà những đại biểu như bà H’Duyên có thể truyền đạt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến đồng bào thuận lợi và hiệu quả. Đây là lợi thế mà không phải đại biểu Quốc hội nào cũng có.

“Mình nghe tiếng đồng bào nói dễ hơn. Mình nói đồng bào cũng dễ nghe hơn. Mình được học tập, nghiên cứu, biết chữ phổ thông nên mình dựa vào sách vở, nhìn vào đó rồi mới nói với cử tri bằng tiếng của đồng bào. Nếu mình chỉ máy móc, đọc nguyên văn thì bà con khó hiểu lắm”. Đó là điều bà H’Duyên sớm nhận thấy từ thực tế công tác.

Trong 11 năm làm đại biểu Quốc hội, bà H’Duyên cùng với tấm thẻ đại biểu Quốc hội từng vượt qua bao sông suối, núi đồi để đến với cử tri ở những bon, làng xa xôi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông ngày nay.

Bà H’Duyên có chế độ xe ô tô đưa đi công tác, nhưng cũng không ít lần bà phải đi bộ gần 50 cây số để đến với cử tri. Đó là vào năm 1982, trong lần tiếp xúc với cử tri ở khu vực xã Quảng Phú, thuộc huyện Krông Nô bây giờ. Ngày, giờ tiếp xúc cử tri đã định nhưng đến chiều hôm trước thì xe ô tô bị hư, không biết khi nào có thể sửa xong. Nếu sáng hôm sau không có xe thì không đến kịp nơi tiếp xúc cử tri. Vậy là ngay trong chiều đó, bà H’Duyên quyết tâm đi bộ hơn 30 cây số từ Gia Nghĩa, tới xã Quảng Sơn. Nghỉ tối ở đó và sáng sớm hôm sau, người nữ đại biểu Quốc hội tiếp tục đi bộ hơn 10 cây số nữa để có mặt ở xã Quảng Phú, đúng hẹn với bà con.

K H’Vân, con gái của bà H’Duyên, năm nay hơn 30 tuổi, đã lập gia đình và sinh con. Đứa con út của K H’Vân mới biết đi và luôn quấn quýt bên bà ngoại. Bà H’Duyên kể, hồi K H’Vân cũng chập chững như đứa bé này, bà đã từng phải đưa ra Hà Nội, để rồi, vừa nuôi con, vừa họp Quốc hội. Khi nào họp thì gửi con cho mấy cô phục vụ của nhà khách. Có khi kẹt quá, liều để con chơi một mình trong phòng nghỉ.

Bà H’Duyên tâm sự: “Mình nhiệt tình với Đảng, Nhà nước, gắn bó với nhân dân thì làm được thôi. Trường hợp vì lý do này kia, nếu không làm được thì cũng không được phá hoại. Việc gì cũng thế, hễ nhận định như vậy thì chắc chắn sẽ làm được”

Đại biểu Quốc hội ngày nay có trình độ chuyên môn cao hơn, có kỹ năng tốt hơn. Đó là tất yếu trong thời kỳ đất nước phát triển và hội nhập quốc tế. Điều này, bà H’Duyên thấu hiểu: “Đại biểu Quốc hội ngày càng có học vấn cao. Người ta nói khác hơn. Lý luận thuyết phục nhiều hơn. Mình thì dùng thực tế thôi. Như làm ruộng thì mình chỉ cách làm ruộng... Bây giờ, đại biểu Quốc hội có thể phân tích từng ly, từng tý, giúp mở mang, nhìn nhận vấn đề sâu sắc và rộng hơn”.

Ngôi nhà cấp bốn của mẹ con bà H’Duyên ở phường Nghĩa Trung, thị xã Gia Nghĩa khá khiêm nhường so với xung quanh. Phòng khách giản dị, chỉ kê một tủ nhỏ, một bộ bàn ghế và treo vài ba giấy khen, bằng khen của con, của cháu. Không có ảnh, bằng khen, kỷ niệm chương nào của bà H’Duyên hiện diện nơi phòng khách. Vì vậy mà người ngoài rất khó nhận biết được chủ nhân của nó đã từng 11 năm làm đại biểu Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người phụ nữ M’nông 11 năm làm đại biểu Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO