Tuổi thơ nhọc nhằn

Mỹ Hằng| 12/06/2015 09:17

Ngày hè, trong lúc nhiều đứa trẻ được bố mẹ cho đi vui chơi khắp nơi sau một năm học vất vả thì đây đó vẫn còn không ít những em nhỏ đành phải lang thang mưu sinh, với những mơ ước nhỏ nhoi.

ADQuảng cáo

Ước mơ trên từng tờ vé số

Vòng quanh các quán cà phê, khu vực đông người trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa, hình ảnh của những đứa trẻ đi bán vé số dạo không phải là ít. Đang ngồi nhâm nhi ly cà phê, bỗng có tiếng thỏ thẻ của một cô bé “Cô ơi, mua giúp con tờ vé số”. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một cô bé người nhỏ nhắn, cầm trên tay xấp vé số, khuôn mặt vã đầy mồ hôi, ướt sũng cả vạt áo.

Qua hỏi chuyện được biết, em tên là Nguyễn Thị Phương Thảo ở phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa), năm nay 11 tuổi, học lớp 4 Trường tiểu học N’Trang Lơng và đã theo “nghề” được 2 mùa hè. Bố mẹ ly hôn, gia đình khó khăn, nên trong dịp hè, Thảo theo mẹ mưu sinh bằng nghề bán vé số.

Bán vé số - công việc trong dịp hè của bé Thảo

Một ngày làm việc của Thảo thường bắt đầu từ 6 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều. Địa điểm dừng chân của Thảo là các quán cà phê hoặc nơi buôn bán đông người. Nhỏ nhắn, nhanh nhẹn nên trung bình mỗi ngày Thảo bán được 100 tờ vé số, có hôm gặp người thương tình, may mắn bán hết hơn 300 tờ.

Nhớ lại những ngày đầu mới đi bán vé số, Thảo hồn nhiên nói: “Lần đầu đi bán vé số, cháu rất lo lắng vì sợ mất vé là phải bị đền, nhưng rồi cũng quen dần. Ước mơ của cháu là được đi học sau này trở thành cô giáo, có nghề nghiệp ổn định để có thể giúp đỡ cho mẹ”.

Còn em Đặng Thị Hồng (SN 2003) cũng có “thâm niên” bán vé số dạo hơn 3 năm nay, nên các con đường, quán sá trên địa bàn thị xã đều nắm vững như lòng bàn tay. Nhà nghèo, lại là chị cả nên mới học xong lớp 1, Hồng phải ở nhà đi bán vé số kiếm tiền phụ mẹ nuôi em.

ADQuảng cáo

Ngày nào cũng giống ngày nào, em đi bộ lang thang vào các quán cà phê từ lúc 6 giờ sáng đến xế chiều chỉ mong bán hết vé. Có hôm “ế” quá, Hồng phải đi rất xa, về nhà không kịp, đành lót dạ bằng ổ bánh mì rồi đi bán tiếp. Trung bình mỗi ngày, Hồng bán hơn 200 tờ và kiếm lãi khoảng 200.000 đồng.

Hồng buồn bã nói: “Đối với nhiều người, vài trăm nghìn không đáng là bao, nhưng đối với cháu đó là cả một gia tài vì có thể phụ giúp mẹ. Làm nghề bán vé số cũng phải biết “luật” nữa, không được tranh giành khách, địa bàn của nhau. Lớp nhỏ như bọn cháu lắm lúc cũng bị người bán vé số lớn ăn hiếp, dọa nạt nữa đó, nhưng cũng đành chịu cho qua, chứ biết làm gì hơn”.

Theo quan sát, ngồi khoảng 1 tiếng đồng hồ trong quán cà phê nhỏ, chúng tôi thấy có tới 10 người tới chào mua vé số, trong đó có 3 em nhỏ độ tuổi từ 10 -13. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết, chủ đại lý vé số cấp 1 ở chợ Gia Nghĩa thì người đến lấy vé số bán rất nhiều, đa số là những lao động nghèo. Các em nhỏ đều được người lớn hướng dẫn đi bán hoặc đi theo mẹ để bán riết rồi quen.

Muôn nẻo mưu sinh

Cũng giống như mùa hè khác, năm nay, khi tiếng trống trường đã dừng lại thì em Nguyễn Văn Bi (SN 2004) ở tổ dân phố 5, phường Nghĩa Đức lại theo mẹ đến các cơ sở thu mua chanh dây để làm công kiếm tiền. Công việc khá đơn giản, chỉ cần cắt quả chanh dây làm đôi, rồi dùng thìa múc ruột chanh ra, mỗi ký được 1.200 đồng. Có hôm khỏe thì Bi múc được khoảng 60kg, còn hôm nào đau tay thì chỉ được 40kg.

Do làm theo thời vụ nên khi hết việc thì Bi lại đi nhặt điều thuê cho các hộ gia đình khác gần nhà. Có hôm đi làm về, thấy ve chai người ta vứt giữa đường nhiều, Bi cũng nhặt, bán kiếm thêm ít đồng.

Bi cho biết: “Cháu cũng muốn được đi chơi đây đó, được ăn ngon mặc đẹp như các bạn cùng trang lứa, nhưng điều kiện không cho phép. Cháu phải tích cực kiếm tiền để ít bữa vào năm học mới đi mua sách vở, cặp bút… phụ giúp mẹ phần nào hay phần đó”.

Dịp hè, không những không có điều kiện vui chơi như bạn bè cùng trang lứa mà còn phải lang thang khắp nơi mưu sinh, tuổi thơ của không ít em nhỏ thật nhọc nhằn. Nhìn những đôi vai gầy guộc, sớm phải lo toan, gánh nặng cuộc sống, chúng ta chỉ mong sao đây chỉ là những công việc tạm thời để cùng gia đình vượt qua khó khăn trước mắt, còn các em sẽ tiếp tục vững bước học tập, thành công trên đường đời mai sau.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuổi thơ nhọc nhằn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO