Thực hiện đổi mới cải cách đánh giá học sinh tiểu học: Động viên, khích lệ học sinh vươn lên

Nguyễn Hiền| 12/06/2015 09:21

Qua 1 năm thực hiện việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ Giáo dục-Đào tạo, các trường học trên địa bàn tỉnh đã dần thích nghi và áp dụng một cách linh hoạt, góp phần động viên, khích lệ học sinh vươn lên trong học tập.

ADQuảng cáo

Cụ thể như tại Trường tiểu học Lê Lợi ở xã Nam Xuân (Krông Nô) đã tổ chức phổ biến sâu rộng Thông tư 30 trong toàn thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Ngoài nắm bắt tinh thần chung qua các lớp tập huấn, giáo viên còn tự tìm hiểu, nghiên cứu để có hình thức áp dụng hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lớp học phụ trách. Về phía phụ huynh học sinh cũng được phổ biến phần nhiệm vụ để phối hợp với nhà trường trong thực hiện.

Theo bà Lê Ánh Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lợi thì áp dụng Thông tư 30, Nhà trường không đánh giá, xếp loại theo mức giỏi, khá, trung bình hay yếu như trước đây mà học sinh được khuyến khích, khen thưởng ở nhiều mặt khác nhau. Như vậy, kể cả học sinh có học lực yếu cũng được khen thưởng ở một thế mạnh nào đó.

Trong quá trình bình xét, tất cả học sinh được tham gia đánh giá về các bạn khác trong lớp nên các em thể hiện được chính kiến, cách nhìn nhận của mình qua việc nhận xét bạn và tự mình khắc phục hạn chế của bản thân.

Trong lễ tổng kết năm học 2014-2015, Nhà trường đã tổ chức khen thưởng cho học sinh theo các lĩnh vực như: Xuất sắc toàn diện, xuất sắc một lĩnh vực, hoàn thành tốt các môn học hoặc lĩnh vực phẩm chất. Vì vậy, em nào cũng tỏ ra vui mừng và có hướng phấn đấu để năm sau nhận được nhiều quà và giấy khen hơn. Phụ huynh thì rất phấn khởi và đồng tình ủng hộ.

Còn tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp), cùng với việc áp dụng cách đánh giá mới, Nhà trường cũng tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Vì vậy, hầu hết học sinh đều có điều kiện, cơ hội để thể hiện năng lực, khả năng của mình trong học tập cũng như rèn luyện.

ADQuảng cáo

Kết thúc năm học, Nhà trường đã có 90% học sinh được hiệu trưởng khen thưởng. Những học sinh còn lại cũng được nhận phần thưởng theo từng lĩnh vực nổi bật của từng em.

Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm áp dụng phương pháp dạy học mới để phát huy tính tích cực của học sinh

Theo ông Lê Bá Cường, Trưởng Phòng Tiểu học (Sở Giáo dục-Đào tạo), qua một năm triển khai thực hiện đã khẳng định được tính ưu việt của Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học, nhất là tính nhân văn. Qua theo dõi, tổng hợp từ các trường cho thấy, việc đánh giá đã phát huy được tính tích cực của từng học sinh và không có sự so sánh giữa học sinh này với học sinh khác.

Trong năm học vừa qua, nhiều trường đã tổ chức trao thưởng cho tất cả học sinh về tất cả các lĩnh vực. Học sinh nào có điểm nổi bật trong học tập và rèn luyện đều được khen thưởng nên đã kịp thời động viên các em phát huy sự tự tin, tính tự giác.

Đây là một sự cố gắng rất lớn của các  trường và phụ huynh, vì cần phải có sự thống nhất, phối hợp cao trong việc khen thưởng một số lượng lớn học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số giáo viên chưa xác định được mục đích, ý nghĩa của việc đánh giá nên vẫn còn làm theo kiểu  đối phó, hình thức.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện đổi mới cải cách đánh giá học sinh tiểu học: Động viên, khích lệ học sinh vươn lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO