Những thiếu nữ “mê” chiêng

Mỹ Hằng| 12/09/2014 10:02

Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ và bận bịu với công việc nương rẫy, nhưng không ít thiếu nữ ở xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) lại rất say mê tiếng chiêng, âm thanh của đại ngàn.

ADQuảng cáo

Điển hình như Thị Diệu ở bon Bu Koh luôn dành thời gian để học đánh chiêng. Theo Thị Diệu thì mỗi bài chiêng đều có một ý nghĩa khác nhau, nên phải cố gắng tập luyện, thấu hiểu hết mới có thể diễn tấu hay được.

Khi những tiếng chiêng vang lên, cũng là tiếng lòng người nói với đất trời, tổ tiên và gia đình, là sự giãi bày những cảm xúc sâu kín nhất, thân thiết nhất. Bởi vậy, những lúc rảnh rỗi, Diệu lại tìm đến nhà các nghệ nhân trong bon để được chỉ dạy.

Sau một thời gian dài luyện tập và dưới sự chỉ dẫn của các nghệ nhân, đến nay Thị Diệu có thể diễn tấu nhuần nhuyễn những bài chiêng truyền thống của dân tộc. Thậm chí, một số bài chiêng khó như Pich tơ trơ, Pep Kon jun, Tê Buôt Buool… cũng được Thị Diệu đánh hay không kém gì thế hệ đi trước.

Thị Diệu chia sẻ: “Là người con M’nông, lại được sinh ra trong gia đình có truyền thống là nghệ nhân nên mình hiểu ý nghĩa của văn hóa dân tộc đối với đời sống tinh thần. Hồi mới học đánh chiêng, có lúc đau tay quá mình phải quấn khăn để đánh. Giờ thì các bài chiêng mới mình đều đánh khá thuần thục”.

Đội chiêng nữ bon Bu Koh, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) luôn hăng say luyện tập, tham gia các hoạt động văn hóa của địa phương

ADQuảng cáo

Tương tự, cũng từ niềm đam mê văn hóa dân tộc mà bạn Thị Úc ở bon Bu Đách luôn thu xếp thời gian để đến nhà văn hóa cộng đồng bon để tập đánh chiêng cũng như tập các điệu múa xoang truyền thống. Có những bài chiêng khó, Thị Úc đều lân la hỏi các nghệ nhân trong bon, hoặc khi tham gia các lễ hội thì chú ý lắng nghe và về luyện tập.

Theo Thị Úc, đối với nam giới, tập đánh chiêng đã khó, nên đối với nữ thì càng khó hơn, ngoài việc phải có một sức khỏe dẻo dai thì còn phải biết cảm nhận được hết cái thần thái, biểu cảm của từng nhịp chiêng, vì đó là vẻ đẹp tâm hồn người M’nông.

Thị Úc tâm sự: “Ngày đầu tiên mình học đánh chiêng, đôi tay đau lắm, tưởng chừng sẽ bỏ cuộc, nhưng những khó khăn ban đầu rồi cũng qua đi. Khi tập thuần thục được bài chiêng đầu tiên, mình càng thêm mê chiêng và hăng say luyện tập hơn”.

Ngoài việc biết đánh chiêng thì Thị Úc còn biết hát và biểu diễn các làn điệu dân ca của dân tộc. Những bài dân ca, hát giao duyên, hát đối đáp, khóc trâu… được Thị Úc thể hiện một cách ngọt ngào, say đắm.

Còn bạn Thị Huyền ở bon Bu Koh cũng say mê chiêng không kém. Biết đánh chiêng từ khi mới 6 tuổi, nên Thị Huyền ngày càng thấu hiểu được ý nghĩa của các bài chiêng và ra sức luyện tập. Thị Huyền còn tham gia vào đội cồng chiêng trẻ của xã và thường xuyên tham dự các hội thi do địa phương, tỉnh tổ chức.

Mặc dù bận rộn với công việc nương rẫy, nhưng mỗi khi đội chiêng chuẩn bị đi biểu diễn thì Thị Huyền lại sắp xếp thời gian để luyện tập một cách nghiêm túc. Bởi vậy, mỗi khi địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, hay bon làng vào hội, đón lễ tết, mừng lúa mới, đội chiêng nữ luôn được mời đến góp vui và làm cho buổi lễ thêm thành công, náo nhiệt hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những thiếu nữ “mê” chiêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO