Nhân lên thói quen, niềm đam mê đọc sách

Nguyễn Hiền| 18/04/2014 10:23

Với sự phát triển không ngừng về mọi mặt của đời sống, nhất là công nghệ thông tin, làm cho thói quen đọc sách của một bộ phận người dân ngày càng mất dần.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, với nhiều người, việc đọc sách đã trở thành thói quen không thể thiếu nhằm nghiên cứu, học tập, phục vụ nhiệm vụ chuyên môn; hoặc chỉ đơn thuần vì niềm đam mê trí thức…

Đọc sách ở thư viện là thói quen của nhiều học sinh Trường chuyên Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa)

Em Tiêu Thị Ý Nhi, học sinh lớp 11 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa) trước đây cũng như những bạn trẻ khác ít có thói quen đọc sách. Đến đầu năm lớp 10, khi vào học lớp chuyên, vì yêu cầu của việc học tập nên Nhi bắt đầu tìm các tài liệu tham khảo môn Văn, các tác phẩm văn học trong và ngoài nước để đọc. Dần dần, Nhi càng thấy yêu thích việc đọc sách hơn và mở rộng việc đọc các loại sách khác như sách dạy các kỹ năng sống, các tác phẩm văn học kinh điển nổi tiếng, sách danh nhân, khoa học tự nhiên…

Nhi tâm sự: “Bây giờ, đọc sách gần như là niềm yêu thích của em mỗi khi rảnh rỗi hay nghỉ giải lao giữa các giờ học. Việc đọc sách không chỉ giúp em có thêm nhiều tư liệu phục vụ cho việc học tập, nhất là làm các bài văn hay hơn mà còn biết thêm được nhiều kỹ năng trong cuộc sống, nhìn nhận mọi việc sâu sắc, biết vị tha và thông cảm nhiều hơn với mọi người".

Nhi cũng cho biết nhiều bạn khác trong lớp, trong trường bây giờ cũng rất thích đọc sách và thường xuyên chia sẻ sách hay với nhau để đọc.

Cô giáo Nguyễn Thị Sơn ở Trường THCS Nâm N’đir, xã Nâm N’đir (Krông Nô) lại đọc sách từ thời còn sinh viên. Hiện nay, ngoài việc đọc các loại sách phục vụ chuyên môn. Theo cô giáo Sơn còn có thói quen đọc các loại sách về khoa học tự nhiên, sách lịch sử.

ADQuảng cáo

Theo cô giáo Sơn thì: mỗi giai đoạn có sở thích đọc các loại sách khác nhau cho phù hợp với hoàn cảnh cũng như điều kiện về thời gian. Việc đọc sách không chỉ giúp mình biết cách hoàn thiện bản thân hơn trong cuộc sống mà còn có thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức tự nhiên và xã hội, các kỹ năng để dạy các con, cháu. Từ lợi ích của việc đọc sách nên trong quá trình giảng dạy, thường xuyên tuyên truyền và giới thiệu các loại sách hay, phù hợp cho học sinh tìm đọc.

Còn ông Trần Văn Thạnh ở xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) thì cho biết: “Từ khi được tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, tôi thường xuyên đọc các loại sách, báo hơn. Qua đó, không những giúp tôi nắm bắt được tình hình kinh tế, chính trị, xã hội đang diễn ra mà còn nắm vững được các đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để vận động, tuyên truyền cho bà con mình làm theo. Đặc biệt, nhờ thường xuyên đọc sách, báo nên tôi thường cập nhật được những mô hình, cách làm kinh tế hay, những kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả để chia sẻ cho bà con trong thôn cùng học hỏi và áp dụng”.

Trong thực tế cho thấy, việc đọc sách luôn là điều bổ ích đối với tất cả mọi người như cung cấp tri thức, bồi bổ tâm hồn, nâng cao nhận thức về cuộc sống, xã hội... Chính vì vậy, tỉnh ta cũng đã có những hình thức để khuyến khích tinh thần đọc sách của các tầng lớp nhân dân.

Cụ thể như nhiều thư viện trường học, tủ sách pháp luật ở các xã đã phát huy được vai trò của mình trong việc cung cấp và khuyến khích mọi người dân đọc sách. Nhiều trường học còn tổ chức đọc sách trong các giờ ngoại khóa, giới thiệu các loại sách hay và hướng dẫn học sinh cách đọc sách hiệu quả.

Điển hình như Trường chuyên Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa), trong các giờ ngoại khóa, giáo viên đã tổ chức cho học sinh bình luận, nêu lên cảm nhận của mình về các loại sách, các tác phẩm đã được giao đọc trước đó nhằm khích lệ tinh thần cũng như tạo thói quen đọc sách thường xuyên cho các em.  

Đặc biệt, năm nay, lần đầu tiên Chính phủ đã chọn ngày 21/4 hàng năm làm Ngày sách Việt Nam nhằm thúc đẩy việc xây dựng, phát triển phong trào đọc sách trong cả nước. Việc có Ngày sách Việt Nam còn khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách, tôn vinh giá trị của sách; xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng và tôn vinh những người tham gia quá trình sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác, xuất bản, in ấn, phát hành, lưu giữ và quảng bá sách.

Do vậy, để việc đọc sách trở thành thói quen, niềm đam mê của nhiều người các cấp, ngành, tổ chức xã hội, các đơn vị trường học cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong việc đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích và ý nghĩa của việc đọc sách, tạo phong trào rộng khắp trong nhân dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân lên thói quen, niềm đam mê đọc sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO