Lập nghiệp bằng nghề mây tre đan truyền thống

Đức Hùng| 10/02/2017 09:21

Sinh ra trong cái nôi của làng nghề mây tre đan ở xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) năm 2014, gia đình anh Lê Trọng Hà rời quê hương vào thôn 8, xã Nam Bình (Đắk Song) lập nghiệp bằng chính nghề truyền thống này.

ADQuảng cáo

Câu chuyện khởi nghiệp của vợ chồng anh Hà khá tình cờ, đó là những chuyến xe máy cà tàng chất đầy đồ mây tre đan đi tìm thị trường tiêu thụ dọc các tỉnh Tây Nguyên. Rồi ngày ấy, anh dừng chân tại vùng đất Đắk Nông khi nhận thấy một thị trường tiêu thụ mây tre đan rộng lớn vào mỗi mùa thu hoạch cà phê, hồ tiêu.

Anh Hà kể: “Từ khi còn  nhỏ, tôi đã chơi đùa với những chiếc nan, lớn lên sau những buổi đi học lại về phụ giúp bố mẹ bằng việc đan lát. Những người đi trước dạy, hướng dẫn tôi đã dần trở thành thợ lành nghề. Cả làng làm nghề mây tre đan nên ngoài đan lát tôi đi tìm thị trường tiêu thụ và đặt chân lên vùng đất cà phê, hồ tiêu này”.

Vợ chồng anh Lê Trọng Hà ở thôn 8, xã Nam Bình (Đắk Song) ngày càng nhận nhiều đơn đặt hàng về các sản phẩm mây tre đan

Vào thăm nhà, anh Hà đã giới thiệu về các công đoạn để đan được một vật dụng bằng mây tre. Từ những nan tre, thanh nứa rất đỗi gần gũi qua đôi bàn tay của vợ chồng anh đã cho ra đời những sản phẩm hữu ích, phục vụ cho đời sống.

ADQuảng cáo

Theo anh Hà thì các công đoạn vót tre, đan lát rất kỳ công, tỉ mỉ. Mây tre được chẻ thành những sợi nan và vành nhỏ có độ dày, mỏng vừa phải rồi phơi khô. Khi nan và vành đã khô, lấy vào vót phẳng và đan chúng lại thành mành rồi tiến hành nứt, lận. Để sản phẩm có độ thẩm mỹ cao và sử dụng lâu dài thì sự khéo léo của đôi bàn tay người thợ có vai trò rất quan trọng, có kỹ thuật chẻ nan với độ dày vừa phải, biết lựa chọn từng chiếc nan dẻo cùng dẻo, cứng cùng cứng thì lúc đan mới đều và đẹp.

Hiện nay, anh Hà đã tìm được các đầu mối tiêu thụ hàng hóa tại các chợ trên địa bàn tỉnh, nhận đơn đặt hàng làm theo mẫu mã mang tính nghệ thuật cao cho các nhà hàng, quán cà phê sử dụng đồ mây tre đan nghệ thuật để trang trí. Hàng mây tre đan gia đình anh làm không đủ để tiêu thụ, anh đã phải liên hệ với làng nghề Hoằng Thịnh để nhập đủ hàng phục vụ khách.

Anh Hà cho biết thêm: Trước đây, sản phẩm chính của gia đình tôi chủ yếu là nong nia, thúng, mủng... phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nay, nắm bắt nhu cầu thị trường, tôi còn làm theo đơn đặt hàng các mặt hàng mây tre đan nghệ thuật, chính vì thế thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng.

Ngày ngày, anh Hà đưa hàng bỏ mối cho các tiểu thương. Mỗi mùa vụ cà phê, anh cung cấp hàng ngàn sản phẩm mây tre đan phục vụ nhu cầu sử dụng trong việc thu hái cà phê, hồ tiêu. Theo anh Hà, mỗi năm gia đình anh thu nhập khoảng hơn 200 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập này, gia đình anh đã mua đất, xây nhà và chăm lo cho 2 con ăn học.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lập nghiệp bằng nghề mây tre đan truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO