Khơi nguồn yêu thích môn học lịch sử cho học sinh

Đức Hùng| 27/06/2014 09:27

Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo (GD&ĐT) xây dựng nhiều hoạt động thiết thực để phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử cũng như tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước cho các thế hệ cho học sinh.

ADQuảng cáo

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 1 bảo tàng công lập, 2 nhà truyền thống của ngành, khoảng 50 thư viện cùng hàng chục phòng truyền thống các ngành, cơ quan, trường học.

Trên cơ sở chương trình phối hợp giữa Sở GD&ĐT với Bảo tàng tỉnh, hàng năm thông qua các giờ ngoại khóa, các dịp lễ, nhất là ngày truyền thống của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, ngày thành lập đội… các trường đã tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu kiến thức lịch sử, văn hóa của tỉnh, tham quan các điểm di tích cấp quốc gia do bảo tàng trực tiếp quản lý, nhất là tại Bảo tàng tỉnh và 2 khu di tích lịch sử đã được đưa vào phục vụ công chúng là nhà ngục Đắk Mil tại xã Đắk Lao (Đắk Mil) và Di tích lịch sử cách mạng B4 – Liên tỉnh 4, tại xã Nam Nung (Krông Nô).

Học sinh trường THPT Đắk Mil nghe hướng dẫn viên giới thiệu về Di tích nhà ngục Đắk Mil

Các trường học cũng căn cứ vào đặc thù của mình để tổ chức các hoạt động tham quan phù hợp cho học sinh. Cụ thể, các trường THCS, THPT trên địa bàn huyện Đắk Mil thường xuyên kết hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức cho học sinh trong trường tham quan và tham gia vào các hoạt động văn hóa truyền thống tại điểm di tích lịch sử cấp Quốc gia Nhà ngục Đắk Mil.

Còn các trường THCS, THPT trên địa bàn huyện Krông Nô cũng tổ chức các hoạt động tham quan khu di tích lịch sử B4 – Liên tỉnh 4 tại xã Nam Nung. Tại đây, ngoài việc tìm hiểu lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước, các em còn được tham gia các trò chơi dân gian, dự tọa đàm về những sự kiện lịch sử văn hóa tiêu biểu của địa phương, tổ chức lễ kết nạp đoàn, lễ tri ân trưởng thành cho học sinh các cấp học.

Mặt khác, thông qua các em cũng nhằm quảng bá khu di tích lịch sử của địa phương đến với nhiều người dân trên địa bàn.

ADQuảng cáo

Từng được cùng với lớp tham quan di tích lịch sử cách mạng Nhà ngục Đắk Mil em Nguyễn Thị Bích Thảo, học sinh lớp 12, trường THPT  Đắk  Mil cho biết: “Đây là lần đầu tiên em được vào tham quan khu di tích lịch sử. Qua những hiện vật và qua lời của hướng dẫn viên, em hiểu thêm về lịch sử, về cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng đã từng bị giam cầm tại đây”.

Còn em Trương Tiến Hào, học sinh lớp 12 Trường THPT Đắk Mil (Đắk Mil) chia sẻ: “Thật sự, khi tham quan di tích nhà ngục, em được hiểu biết thêm rất nhiều về lịch sử quê hương mình. Chúng em hiểu rằng, là học sinh, thế hệ được sống trong hòa bình, độc lập, là nhờ có sự hy sinh trong đấu tranh cách mạng của các thế hệ cha anh, trong đó có những người bị cầm tù tại “địa chỉ đỏ” này".

Với Nguyễn Thị Cẩm Tú, lớp 10A3 Trường THPT Đắk Mil thì niềm đam mê học môn Lịch sử lại được tăng lên khi có thêm những bài học trực quan từ khu nhà ngục. Tú bộc bạch: “Khi đến tham quan nhà ngục, được hướng dẫn viên thuyết trình về các sự kiện liên quan đến hiện vật đó, em thấy thêm hứng thú với môn học cũng như tự hào về quê hương, tinh thần đấu tranh kiên cường của cha ông đi trước".

Ngoài ra, để đưa bảo tàng đến gần học sinh hơn, Bảo tàng tỉnh còn phối hợp với các Trường dân tộc nội trú trên địa bàn  tổ chức các lớp học, tìm hiểu về văn hóa truyền thống cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, mỗi năm từ 3-5 đợt, Bảo tàng tỉnh sẽ mang các hiện vật đến trưng bày tại trường để phục vụ nhu cầu tham quan, học tập của học sinh và thầy cô.

Có thể nói, với những chương trình vừa tham quan tại chỗ, vừa kết hợp tham quan dã ngoại như thế, Bảo tàng tỉnh đã mang đến cho các em học sinh các cấp học những xúc cảm chân thực, thân thiện thông qua việc tìm hiểu những di tích lịch sử, tác động trực tiếp đến nhận thức, khiến các em dễ học, dễ thuộc và hiểu sâu về lịch sử một cách sinh động và sáng tạo.

Theo ông Nguyễn Anh Bằng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh thì để phát huy hiệu quả hoạt động, thời gian tới, hệ thống bảo tàng và nhà truyền thống của tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các trường học, xây dựng chương trình giáo dục lịch sử, văn hoá truyền thống của quê hương chi tiết, cụ thể, thiết thực.

Thông qua góp phần giáo dục các thế hệ học sinh biết trân trọng và gìn giữ những giá trị lịch sử cũng như góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, bồi dưỡng nhân cách và ý thức trách nhiệm công dân, có cái nhìn tổng thể, sâu sắc hơn về những giá trị lịch sử văn hóa của quê hương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi nguồn yêu thích môn học lịch sử cho học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO