Góp sức trẻ giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc

Mỹ Hằng| 11/07/2014 08:50

Những năm qua, bên cạnh việc xung kích phát triển kinh tế, nhiều đoàn viên, thanh niên ở các bon làng đã góp sức mình trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực.

ADQuảng cáo

Điển hình như anh Y Ben, Bí thư Chi đoàn bon Kala Dơng, xã Quảng Khê (Đắk Glong) được xem là “hạt nhân” trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương, nhất là có nhiều sáng tạo trong việc tập hợp các bạn trẻ tham gia các hoạt động văn hóa xã hội.

Cùng với việc vận động thanh niên trong bon tích cực phát triển kinh tế, thực hiện tốt các đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì anh Y Ben đều mời các nghệ nhân am hiểu văn hóa truyền thống nói chuyện, dạy đánh cồng chiêng và cách sử dụng một số loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc cho các bạn trẻ.

Vào các buổi sinh hoạt, chi đoàn đều tổ chức các trò chơi sôi động, vui nhộn như đi cà kheo, bịt mắt đánh chiêng… Nhờ đó, các bạn trẻ trong bon ngày càng có thêm niềm đam mê với văn hóa dân tộc, nhất là cồng chiêng, nên số lượng người biết đánh cồng chiêng thêm nhiều.

Anh Y Ben chia sẻ: “Từ nhỏ mình đã được xem ông bà đánh cồng chiêng trong các mùa lễ hội, nên thích lắm, cố gắng ghi nhớ từng âm thức, điệu nhạc. Muốn giới trẻ tiếp cận được văn hóa truyền thống thì phải truyền đạt liên tục bằng những hình thức sinh động, thiết thực để các bạn trẻ hiểu và ra sức giữ gìn”.

Tương tự, anh K’Khiêm ở bon N’Jiêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cũng đã nỗ lực góp sức mình để “thổi” niềm đam mê văn hóa truyền thống cho các bạn trẻ, với việc luôn là người “giữ lửa” cho các phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương. Là trưởng bon nên anh gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, tất cả các việc lớn, nhỏ của địa phương đều tham gia đầy đủ.

ADQuảng cáo

Các bạn trẻ bon N’Jiêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) luyện tập đánh chiêng

Trong những lúc họp bon, anh đều lồng ghép nói cho các bạn trẻ thấu hiểu ý nghĩa của việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, vào các ngày cuối tuần, anh đều vận động các bạn trẻ trong bon tập trung ở nhà nghệ nhân K’Tiêng để học đánh cồng chiêng. Vì thế, mỗi khi có lễ hội hay sự kiện gì quan trọng thì bon N’Jiêng luôn rộn ràng nhịp chiêng, lời ca, điệu múa.

Với những gì đã và đang làm, anh K’Khiêm luôn được bà con trong bon ủng hộ bằng việc sẵn sàng tham gia các phong trào do địa phương phát động. Chính sự năng nổ, nhiệt tình của mình, K’Khiêm đã góp phần cùng đội ngũ cán bộ và nhân dân xây dựng bon làng ngày càng đi lên.

Còn anh Y Siêm ở buôn Trum, xã Đắk Wil (Chư Jút) thì yêu thích và biết đánh cồng chiêng từ nhỏ nên luôn thấu hiểu được ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của các giá trị văn hóa truyền thống đối với đời sống tinh thần của nhân dân. Vì vậy, anh đã phối hợp với những người già tổ chức dạy đánh cồng chiêng cho các em nhỏ trong buôn.

Theo anh Y Siêm thì dạy đánh cồng chiêng cho các em nhỏ không phải điều đơn giản, bởi trước hết phải khơi dậy được niềm đam mê vì nếu không có đam mê thì không thể đánh cồng chiêng. Được sự hướng dẫn cũng như khích lệ của người già trong buôn nên đến nay đã có 12 em tham gia lớp học đánh cồng chiêng do anh Y Siêm tổ chức.

Anh Y Siêm cho biết: “Thấy các bạn trẻ đã bắt đầu “say” cồng chiêng, tôi vui lắm. Góp chút công sức bé nhỏ của mình để gìn giữ bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc là điều mà mỗi người nên làm, làm cho âm thanh cồng chiêng vang mãi”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp sức trẻ giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO