Đưa văn hóa, lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy

Đức Hùng| 12/09/2014 09:25

Bắt đầu từ năm học 2014-2015, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) tỉnh sẽ đưa tài liệu 4 môn: ngữ văn, địa lý, lịch sử, giáo dục công dân do Sở biên soạn vào giảng dạy cho học sinh bậc THCS, THPT ở những tiết học dành riêng cho chương trình giáo dục địa phương.

ADQuảng cáo

Theo đó, phần dành riêng này đã được xây dựng lịch học theo từng môn học trong sách giáo khoa chung, nên giáo viên, học sinh có thể dễ dàng áp dụng tài liệu vào dạy và học. Về những kiến thức trong tài liệu, Sở GD-ĐT đã soạn thảo theo đặc điểm của từng môn học, với nội dung là những hình ảnh vùng đất, con người, văn hóa truyền thống các dân tộc điển hình của địa phương, phù hợp với từng lớp, từng cấp học...

Điển hình như tiết học thứ 71 môn ngữ văn lớp 6, bài học về giáo dục địa phương là một câu chuyện gắn với văn hóa bản địa: “Sự tích thuần voi”, thể hiện sự đặc thù, đặc trưng riêng của vùng đất, con người Tây Nguyên. Hay như ở tiết học thứ 72, lớp 6 đưa các nội dung về lỗi chính tả trong việc phát âm và chữ viết của người dân địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên mắc phải vào giảng dạy.

Còn tiết học 69 môn ngữ văn lớp 7, lại giới thiệu về truyền thống văn hóa các dân tộc tại Đắk Nông, với nhiều thông tin về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, lễ hội. Tiết học 52, môn lịch sử lớp 8,  là bài học “Khởi nghĩa N’Trang Lơng (1912 – 1936)”, nêu rõ hoàn cảnh lịch sử, diễn biến, kết quả, ý nghĩa của sự kiện…

ADQuảng cáo

Với môn giáo dục công dân thì những kiến thức về an toàn giao thông, bạo lực học đường, vấn đề môi trường... được đưa vào giảng dạy. Về môn địa lý, thì có các kiến thức về vị trí địa lý, đặc điểm, quy hoạch dân cư, cơ cấu ngành nghề, ngành công nghiệp thủy điện, công nghiệp khai khoáng… của tỉnh.

Theo Sở GD - ĐT thì từ năm học 2008 -2009, ngành cũng đã đưa chương trình giáo dục địa phương vào giảng dạy, nhưng mới chỉ ở dạng môn học ngoại khóa, bổ sung kiến thức, hoặc theo sự sáng tạo của giáo viên bộ môn, nên các yếu tố về lịch sử, văn hóa chưa nhiều, chưa thống nhất. Vì vậy, với việc đưa tài liệu giáo dục địa phương lần này vào áp dụng cho 2 cấp học trên địa bàn tỉnh, các giáo viên sẽ có được một tài liệu chung để giảng dạy theo bộ môn, đảm bảo được yêu cầu chung của tiết học được quy định, học sinh được cung cấp về những kiến thức bổ ích về địa phương.

Đây cũng được xem là tài liệu về tỉnh Đắk Nông đa dạng, phong phú trên nhiều lĩnh vực được cung cấp tới công chúng. Những thông tin, số liệu, kiến thức được cập nhật trong tài liệu được lấy từ các nguồn chính thống như: Cục thống kê, Công an tỉnh, Dư địa chí, các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật được ấn hành… Tài liệu còn nhận được nhiều ý kiến của giáo viên, học sinh để xây dựng và hoàn thiện.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT cho biết: “Tài liệu sẽ góp phần giúp giáo viên, học sinh trên địa bàn tỉnh dạy và học phần giáo dục địa phương một cách thống nhất cũng như cung cấp cho người đọc nhiều kiến thức về nhiều lĩnh vực trên quy mô toàn tỉnh. Kiến thức được cung cấp theo bài học của sách giáo khoa bộ môn nên về mặt chuyên môn, giáo viên không cần phải tập huấn, còn học sinh dễ dàng tiếp cận như một bài học trong sách giáo khoa môn học đó, chỉ khác là thêm về mặt kiến thức mà thôi. Trước mắt, Sở sẽ triển khai trong các nhà trường để thay thế những tiết học về địa phương mà thời gian qua chưa có tài liệu cụ thể. Hiện Sở đang xúc tiến khâu in ấn tài liệu để cung cấp cho các trường sao cho hiệu quả, tiết kiệm nhất”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa văn hóa, lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO