Đồng hành cùng thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp

Hoàng Hoài| 06/01/2017 10:36

Thời gian qua, các cấp Đoàn trong tỉnh Đắk Nông đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, góp phần giúp đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

ADQuảng cáo

Thông qua sự hỗ trợ vốn vay từ tổ chức Đoàn, ĐVTN phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) đã vươn lên trong sản xuất, nâng cao đời sống

Nâng cao nhận thức về chăm lo lao động, sản xuất

Một trong những hoạt động được tập trung triển khai đó là nâng cao nhận thức cho ĐVTN về chăm lo lao động, phát huy nội lực, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc, cây trồng, vật nuôi.Hàng năm, Tỉnh đoàn đều phối hợp tổ chức các lớp tập huấn khuyến nông khuyến ngư, bảo vệ thực vật, chuyển giao khoa học công nghệ cho ĐVTN nông thôn.

Cùng với việc tổ chức đào tạo cho 250 thanh niên về khởi sự doanh nghiệp, lập nghiệp thì các cấp Đoàn, Hội còn thường xuyên nhân rộng mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi trong tỉnh cũng như tổ chức các diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi để thanh niên học tập, ứng dụng. Nhờ đó, nhiều ĐVTN đã nỗ lực vươn lên không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi, được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen.

Điển hình như anh Y Ninh K’Buôr ở buôn Ea Pô, xã Tâm Thắng (Chư Jút), luôn xác định, phải quyết tâm vươn lên thoát khỏi đói nghèo để làm gương cho ĐVTN trong buôn noi theo. Với khoảng 2 ha đất canh tác, trong đó 1,5 ha đất trồng cây ngắn ngày, anh thường xuyên tìm hiểu những loại giống mới, năng suất cao đưa vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng trên cùng một diện tích đất. Với bản tính chịu khó, ham học hỏi và biết đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hàng năm, trừ các khoản chi phí, gia đình anh còn thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Anh Đinh Tiến Thành ở xã Quảng Khê (Đắk Glong), được sự hỗ trợ của Đoàn, cộng với tính ham học hỏi, chịu khó của bản thân, anh đã vươn lên làm giàu từ mô hình cà phê xen cây điều và tiêu. Với diện tích 4,3 ha, mỗi năm, doanh thu của gia đình anh trên 300 triệu đồng.

ADQuảng cáo

Anh Thành cho biết: “Tôi luôn xác định, đói nghèo hay không là do tư tưởng, suy nghĩ rồi dẫn đến hành động. Hơn nữa, với vai trò là đảng viên, tôi luôn gương mẫu, chủ động tìm hiểu nguyên nhân vì sao mình nghèo để khắc phục cũng như làm gương cho các bạn trẻ khác noi theo. Từ đó, tôi nhận ra, mỗi loại cây trồng có đặc thù, quá trình sinh trưởng, chăm sóc khác nhau. Mỗi loại đất phù hợp một số loại cây khác nhau để có sự chuyển đổi phù hợp. Nhờ đó, hàng năm, cây trồng đều mang lại hiệu quả cao”.

Hỗ trợ vốn, định hướng việc làm

Một trong những điều kiện cần nữa để thanh niên khởi nghiệp, đó là vấn đề về vốn. Tính đến ngày 31/10/2016, Tỉnh đoàn nhận ủy thác từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh hơn 383 tỷ đồng và 674 triệu đồng vốn giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn. Qua đó, nhiều ĐVTN được vay vốn ưu đãi để tổ chức sản xuất có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống gia đình và có cơ hội vươn lên làm giàu.

Đối với thanh niên thuộc khối học sinh, sinh viên, thanh niên không có tư liệu sản xuất thì các cấp Đoàn, Hội tập trung các hoạt động truyền thông tư vấn trực tiếp tại cộng đồng như “Ngày hội việc làm”, “Kỳ nghỉ hồng”…

Toàn tỉnh đã có hàng ngàn lượt thanh niên được tư vấn hướng nghiệp và 1.650 thanh niên, 700 bộ đội xuất ngũ hàng năm được giới thiệu việc làm tại các cơ quan, doanh nghiệp, tham gia xuất khẩu lao động tại nước ngoài... Chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho các em học sinh khối lớp 9 và 12 của các trường trên địa bàn tỉnh cũng được chú trọng. Qua đó, học sinh tiếp cận nhiều hơn với những thông tin về thi tuyển để có định hướng nghề nghiệp trong tương lai, đúng khả năng, sở trường, điều kiện của mình.

Theo chị H’Vi Ê ban, Bí thư Tỉnh đoàn thì dựa vào thực tế, nhu cầu của ĐVTN ở từng khu vực, các cấp Đoàn luôn có sự định hướng, hỗ trợ thích hợp trên con đường lập thân, lập nghiệp theo từng nhóm nhu cầu như vốn, khoa học kỹ thuật, giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp… Tuy nhiên, để lập thân lập nghiệp thì mọi sự giúp đỡ chỉ là “bệ đỡ”, căn bản là tự thân mỗi ĐVTN phải tự giác, tự chủ, tự lực trong lao động, sản xuất, luôn dám nghĩ, dám làm để vươn lên làm chủ bản thân mình. Tỉnh đoàn cũng đã xác định, “trao cần câu, dạy cách câu” chứ không “trao con cá” để ĐVTN thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại mà phải vào cuộc để thay đổi cuộc sống.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành cùng thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO