Đoàn xã Trường Xuân “truyền lửa” cho bạn trẻ gìn giữ văn hóa truyền thống

Hồ Mai - Trần Thuyên| 25/07/2014 09:51

Đoàn xã Trường Xuân hiện có 312 đoàn viên thanh niên (ĐVTN), trong đó, có 160 ĐVTN là người đồng bào dân tộc thiểu số: M’nông, Thái, Mường, Tày, Ê đê và Nùng.

ADQuảng cáo

Thời gian qua, cùng với việc vận động ĐVTN trong xã tích cực phát triển kinh tế, thực hiện tốt các đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực thi đua hưởng ứng phong trào “4 đồng hành, 5 xung kích” cũng như đẩy mạnh công tác giáo dục lịch sử truyền thống dân tộc thì BCH Đoàn xã Trường Xuân (Đắk Song) còn chú trọng đến việc giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc.

Các bạn trẻ hăng say học cách đánh chiêng. Ảnh: Hồ Mai

Trong những buổi sinh hoạt Đoàn xã cũng như các chi đoàn thôn, bon, BCH khéo léo lồng ghép nói cho các bạn trẻ thấu hiểu ý nghĩa của việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là giữ gìn, sử dụng trang phục, nhạc cụ, hát dân ca.

Đặc biệt, vào các ngày cuối tuần, Đoàn xã đã phối hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin huyện mở lớp dạy cồng chiêng cho thanh niên trên địa bàn xã nhằm lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đến hẹn lại lên, tiếng cồng chiêng, làn điệu dân ca lại vang lên nhộn nhịp vào mỗi tối thứ bảy hoặc chủ nhật hàng tuần trong các buổi sinh hoạt đoàn.

ADQuảng cáo

H’Juyn, Phó Bí thư Đoàn xã Trường Xuân chia sẻ: “Hiện nay, các bạn trẻ thường thích thú những bài hát hiện đại mà đôi khi quên đi những làn điệu dân ca, nét văn hóa dân tộc. Hơn hết, là những người con của núi rừng Tây nguyên, chúng tôi hiểu được ý nghĩa của văn hóa truyền thống đối với cuộc sống. Chính vì thế, tôi đã tham mưu cho BCH Đoàn xã tổ chức lớp học cồng chiêng cho các bạn ĐVTN dưới sự chỉ dạy của các nghệ nhân trong  huyện hoặc nghệ nhân ở tại bon làng”.

Được biết, xen kẽ với việc truyền dạy đánh cồng chiêng thì Đoàn xã còn lồng ghép hướng dẫn các ĐVTN học những bài múa cổ truyền, những làn điệu dân ca, hát ru của dân tộc mình. Đến nay, rất nhiều bạn trẻ trong xã, trong các bon làng như H’Khuyên, H’Thy, Y Uy… đã thuộc nhiều bài hát, điệu múa cồng chiêng đơn giản hay phức tạp, nổi tiếng của dân tộc M’nông như: Tê Buốt Buool, Pic tơ Trơ, Ca tat ia…

Vào những buổi sum họp cộng đồng, những dịp cưới hỏi, mừng nhà mới, lễ hội của bon làng hay tụ họp gia đình, các bạn trẻ lại cùng với các nghệ nhân trong các thôn bon vẫn thường mang các bộ chiêng cổ ra đánh, khơi dậy niềm yêu thích cho mọi người.

Nghệ nhân Y Chá tâm sự: “Các anh chị trên Đoàn xã thường xuyên mời chúng tôi truyền dạy cách đánh cồng chiêng, cách thổi M’Buốt, những điệu múa hay cách hát dân ca cổ truyền cho thế hệ trẻ. Bản thân tôi cũng rất mừng vì Đoàn xã có cách làm hay để giữ gìn văn hóa truyền thống. Có như vậy sau này chúng mình mất đi thì mới có người giữ, người đánh, có “tre già măng mọc”.

Bạn Y Uy, Phó Bí thư Chi đoàn thôn 3 cho biết: “Trước đây, em không hiểu và không thấy được cái hay khi mọi người đánh cồng chiêng, nhưng với sự động viên của các anh chị trong BCH Đoàn xã, cùng với sự chỉ dạy của các già và các anh chị trong đội cồng chiêng đã cho em thấy được ý nghĩa và dần khơi dậy niềm yêu thích đối với cồng chiêng trong em. Bây giờ, em cũng đã học được cách đánh. Trong dịp lễ hội của bon làng, em rất tự hào khi là một người trẻ tuổi biết đánh cồng chiêng. Bên cạnh đó, Chi đoàn thôn thường tổ chức sinh hoạt cho các đoàn viên tham gia chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cùng nhau tiếp thu thật tốt những bài giảng của các nghệ nhân cũng như tìm ra những cái hay, cái mới trong nét văn hóa truyền thống của dân tộc”.

Đầu năm 2014, Đoàn xã đã vinh dự được cử đi đón tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong dịp lễ kỷ niệm 10 năm thành lập tỉnh và biểu diễn tại nhiều hội diễn văn nghệ của tỉnh và khu vực Tây nguyên. Những bài chiêng trong các chuyến lưu diễn đã góp phần tuyên truyền cho mọi người biết tới nét văn hóa độc đáo của dân tộc, đồng thời gìn giữ được giá trị truyền thống lâu đời.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn xã Trường Xuân “truyền lửa” cho bạn trẻ gìn giữ văn hóa truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO