Đoàn, hội cần xem xét, thay đổi nội dung, cách thức khám, cấp phát thuốc miễn phí cho cộng đồng

Hoàng Bảo| 10/02/2017 09:08

Khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo, dân tộc thiểu số, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới luôn là một trong những hoạt động được các cấp Đoàn, Hội thanh niên trên địa bàn tỉnh Đắk Nông quan tâm triển khai. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, xét về góc độ chuyên môn y tế thì việc khám, cấp phát thuốc như thế này không nên khuyến khích thực hiện nhiều.

ADQuảng cáo

Theo Tỉnh đoàn, năm 2016, hưởng ứng Phong trào “Xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, các cấp Đoàn trong tỉnh đã phối hợp thực hiện 16 đợt khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo. Riêng trong chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh đã phối hợp tổ chức 8 đợt cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo, gia đình chính sách với tổng trị giá 503 triệu đồng. Việc tổ chức các hoạt động thực sự góp phần mang lại niềm vui cho nhiều người dân.

Thế nhưng, bên cạnh những giá trị thiết thực mang lại thì tại cuộc họp đánh giá kết quả triển khai thực hiện phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam Xuân Đinh Dậu-2017” do UBND tỉnh tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, không nên khuyến khích các hình thức khám bệnh cộng đồng như thế này.

Theo ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đắk R’lấp thì khám, cấp phát thuốc miễn phí cho gia đình khó khăn là điều cần thiết, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ giữa con người với nhau. Song việc khám cộng đồng như thế này cũng cho thấy những hạn chế, bởi đối tượng được ưu tiên khám là hộ nghèo, dân tộc thiểu số. Trên thực tế, nhiều người là đồng bào dân tộc thiểu số lại hạn chế về trình độ, nghe kêu đi khám thì đi, nhưng về thấy người khỏe lại không uống thuốc, đến khi thấy đau lại lấy thuốc ra uống. Như vậy, không chỉ khó kiểm soát được chất lượng thuốc mà còn tình trạng bệnh này lại uống thuốc kia. Do đó, việc khám sức khỏe cộng đồng thì tốt, nhưng chỉ nên khám, chẩn đoán sàng lọc, rồi hướng dẫn họ ra các cơ sở khám bệnh chuyên môn để được tư vấn, khám, cấp phát thuốc thì sẽ hiệu quả hơn.

Theo đại diện ngành Y tế tỉnh thì về mặt y học, việc khám sức khỏe đòi hỏi phải có phòng khám riêng, yên tĩnh, thứ tự từng người một vào khám, sau đó bác sĩ chẩn đoán bệnh, rồi hướng dẫn khám theo từng phòng chuyên môn, loại bệnh, mới tiến hành kê đơn, cấp thuốc. Trong khi đó, khám cộng đồng thì đa số tổ chức ngoài trời hoặc hội trường thôn, bon, người đông, ồn ào, có khi một buổi sáng đã phải khám cho hàng trăm lượt người, chưa kể phương tiện kỹ thuật thiếu thốn nên khó đáp ứng được nhu cầu của người dân.

ADQuảng cáo

Như vào khoảng giữa năm 2016, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh phối hợp tổ chức khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân tại xã Đắk P’lao (Đắk Glong) diễn ra trong không gian của nhà văn hóa cộng đồng, hàng trăm người dân già có, trẻ có đều đứng đợi để chờ đến lượt khám bệnh.

Không gian nhỏ hẹp, người thì đông, nên dẫn đến tình trạng ồn ào, chen chúc nhau. Chưa kể một góc nhà còn được dùng để bánh kẹo, quần áo cấp phát cho người nghèo, dân tộc thiểu số… Không những vậy, người dân thấy khám, cấp phát thuốc miễn phí thì lại rủ nhau đi, có khi lấy thuốc về đó nhưng không sử dụng. Hơn nữa, người đông thì việc hướng dẫn tận tình, chỉ dẫn cụ thể cũng khó.

Do đó, theo đại diện ngành Y tế thì nơi nào người dân không tiếp cận được với các dịch vụ y tế thì nên tổ chức các đoàn trực tiếp xuống cộng đồng thăm, khám bệnh sàng lọc. Từ đó, làm cơ sở giới thiệu lên bệnh viện, cơ sở y tế theo tuyến để được khám lại rồi có phương án điều trị.

Việc tổ chức khám bệnh cộng đồng thế này không nên tập trung vào cấp thuốc mà nên thay đổi hướng mạnh vào công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về việc nên đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh cũng như phòng, tránh một số bệnh thông thường. Bởi thực tế, không biết bệnh tình thế nào, nhưng qua các đợt khám, cấp phát thuốc do Đoàn, Hội tổ chức thì hễ đến khám là bà con đều có thuốc mang về.

Có thể nói, khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo, dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa là hoạt động có ý nghĩa của tuổi trẻ tỉnh nhà. Tuy nhiên, các cấp Đoàn, Hội cần xem xét, nghiên cứu thay đổi cách thức, nội dung thực hiện để trở nên có ích, phù hợp và đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn, hội cần xem xét, thay đổi nội dung, cách thức khám, cấp phát thuốc miễn phí cho cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO