Bạn trẻ dân tộc thiểu số thích học nghề

Thanh Nga| 06/01/2017 10:30

Hiện nay, nhiều bạn trẻ là người dân tộc thiểu số ở các địa phương đã chú trọng chọn học nghề để có kiến thức, tay nghề sau này lập thân, lập nghiệp.

ADQuảng cáo

Học viên Trường Trung cấp nghề Đắk Nông (Gia Nghĩa) thể hiện khả năng, tay nghề qua việc được đào tạo bài bản

Em Điểu Luế ở thôn 4, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) năm nay đã quyết định chọn học lớp Bảo vệ thực vật tại Trường Trung cấp nghề Đắk Nông (Gia Nghĩa). Điểu Luế tâm sự: “Trong thời gian qua, em nghe nhiều thông tin về việc sinh viên ra trường nhưng không tìm được việc làm như nghề mình đã chọn vì xã hội dư thừa. Theo em, việc theo học đại học mất nhiều thời gian và tiền của của gia đình mà không tìm được việc làm là rất lãng phí. Vì thế, em suy nghĩ lực học của mình không giỏi, điều kiện kinh tế của gia đình cũng không dư giả nên nếu theo học đại học sẽ rất khó. Do đó, năm học này em đã xin phép gia đình chọn học hệ trung cấp, vừa học chữ vừa học nghề tại tỉnh nhà và được đồng ý”.

Nói về việc lập thân, lập nghiệp của bản thân, Điểu Luế rất tự tin: “Gia đình em vốn có nghề làm nông, chủ yếu trồng cà phê, lúa, điều, cao su và chăn nuôi. Nhà cũng có gần 10 ha rẫy và bố mẹ hứa sau này sẽ chia cho các con mỗi người một ít. Vì thế, em thấy nghề mà mình đang theo học rất bổ ích cho bản thân. Em nghĩ mình có kiến thức và làm nông nghiệp tốt thì đó cũng là sự thành công và có thu nhập ổn định. Sau khi học xong, có kiến thức về lĩnh vực bảo vệ thực vật, em sẽ về giúp gia đình phát triển kinh tế trang trại và hướng dẫn bà con cách chăm sóc, bảo vệ cây trồng”.

ADQuảng cáo

Em Điểu Tiêu cũng ở thôn 4, xã Đắk R’tíh thì chọn học ngành Công tác xã hội, Trường Trung cấp nghề Đắk Nông. Điểu Tiêu cho biết: “Em rất thích tham gia công tác đoàn và các hoạt động văn nghệ, thể thao ở trường và địa phương. Em sẽ phấn đấu học tập tốt, tích lũy kiến thức và muốn sau này về địa phương tham gia công tác đoàn thể, nhất là Đoàn thanh niên xã”.

Thực tế, việc học nghề cũng đã đem lại cuộc sống ổn định cho không ít học viên. Em H’Hiêng ở thôn 1, xã Đắk Ha (Đắk Glong) cho biết, trước khi tham gia học nghề đã có việc làm kế toán tại một doanh nghiệp. Qua làm việc, H’Hiêng thấy công việc cần có kiến thức về bảo vệ thực vật nên đã quyết định theo học hệ trung cấp. Vừa rồi, H’Hiêng đã tốt nghiệp loại giỏi và được công ty nhận làm việc lâu dài với thu nhập ổn định. Với kiến thức có được, H’Hiêng dự định sau này sẽ hỗ trợ giúp bà con trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường cũng như mở cửa hàng kinh doanh để có thêm thu nhập.

Qua tìm hiểu tại các trường nghề ở trong tỉnh và khu vực Tây Nguyên cho thấy, có từ 70-80% học viên là các bạn trẻ dân tộc thiểu số. Đa số học viên theo học những nghề như: Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi - Thú y, Nông - lâm nghiệp, Điện công nghiệp, Cơ khí, May công nghiệp, Công tác xã hội… Điều đáng nói là việc học nghề được các bạn trẻ xác định nghiêm túc, rõ ràng, dựa trên sở thích, khả năng của bản thân và sau này sẽ phục vụ cho cuộc sống.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạn trẻ dân tộc thiểu số thích học nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO