Tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông: Vẫn còn “khoán trắng” cho lực lượng chức năng

Phạm Khánh| 17/07/2019 09:22

Năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, số lượng, thời lượng những buổi tuyên truyền pháp luật giao thông của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh khá nhiều, có chiều sâu. Tuy nhiên, qua các buổi tuyên truyền vẫn chưa mang lại hiệu quả cao mà nguyên nhân chính bắt nguồn từ sự thiếu phối hợp của các cấp chính quyền cơ sở.

ADQuảng cáo

Tham dự để được nhận... quà

Có thể nói, lực lượng cảnh sát giao thông luôn có sự đổi mới trong công tác tuyên truyền pháp luật giao thông đường bộ như xây dựng phim, hình ảnh, nội dung các tờ rơi, làm các mô hình, biển báo, áp phích, băng rôn thể hiện được chủ đề về bảo đảm an toàn giao thông (ATGT). Trong quá trình tuyên truyền, cán bộ, chiến sĩ còn tương tác, giải đáp các câu hỏi khi người dân thắc mắc. Ngoài ra, đơn vị còn kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ quà, mũ bảo hiểm, áo phao để thu hút người dân đến tham dự các buổi tuyên truyền.

Nhiều đợt tuyên truyền, người đến tham dự là người già, hoặc mất khả năng điều khiển xe máy

Tuy nhiên, chứng kiến nhiều buổi tuyên truyền tại một số xã Cư K’nia, Tâm Thắng, Nam Dong (Cư Jút), Đắk R’măng, Đắk Som (Đắk Glong) chúng tôi nhận thấy, đối tượng đến tham dự khá đông nhưng đa số là người già mang theo trẻ nhỏ, rất ít thanh niên, trung niên - những người trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trong số người tham dự, thậm chí nhiều trường hợp không biết đi xe mô tô, xe gắn máy, hoặc mất khả năng điều khiển xe. Lý do rất đơn giản, tại những buổi tuyên truyền thường có quà tặng, nên họ đến để nhận quà. Như vậy, có nghĩa đối tượng cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật giao thông thì đến không nhiều.

Có những buổi dù tập hợp được thanh niên, trung niên đến nghe tuyên truyền, nhưng họ chỉ có mặt đầu buổi và cuối buổi nhận quà. Do vậy, những buổi tuyên truyền thực tế chỉ được 10-15 người tham dự, lắng nghe, tương tác và chia sẻ những kiến thức về bảo đảm ATGT với tuyên truyền viên.

Ngoài ra, khi lực lượng chức năng xuống địa điểm tuyên truyền là các nhà văn hóa thôn, bon lại không được quét dọn, bụi bặm, thậm chí bàn ghế không có, nên người dân ra về. Đáng buồn hơn, có những địa phương dù được liên hệ, gửi kế hoạch trước một tuần, nhưng khi xuống tận nơi bà con không đến, hoặc có đến chỉ khoảng 5-7 người, nên lực lượng chức năng đành mang vác máy móc, phương tiện ra về. Tình trạng này từng xảy ra tại một số xã ở các huyện Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Glong.

Kêu gọi hỗ trợ quà để thu hút người dân tham dự tại các buổi tuyên truyền

ADQuảng cáo

Cần sự chung tay, góp sức

Qua thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền pháp luật giao thông chỉ “khoán trắng” lực lượng cảnh sát giao thông thực sự là không đủ. Điều dễ nhận thấy tại các buổi tuyên truyền từ trước đến nay, các ban, ngành, đoàn thể không mấy quan tâm, thờ ơ, đứng ngoài cuộc, nên chưa huy động được người dân, cũng như đối tượng cần tuyên truyền.

Vì vậy, các địa phương cần phát huy vai trò của các ban, ngành, đoàn thể cùng phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng nhằm giáo dục, phổ biến pháp luật giao thông cho hội viên, người dân của mình. Qua sự phối hợp của các bên sẽ phát huy những sáng tạo trong khâu tổ chức để thu hút sự quan tâm của hội viên, người dân đến tham dự đầy đủ, tiếp thu kiến thức ATGT. Bên cạnh đó, các đoàn thể cần lồng ghép, đưa kiến thức pháp luật giao thông đến với người dân thông qua các buổi sinh hoạt.

Đặc biệt, lực lượng xung kích là đoàn viên tại các cơ sở cần phát huy vai trò của mình để tập hợp thanh niên tham gia các phong trào, trong đó, học tập tìm hiểu pháp luật giao thông đường bộ, nâng cao ý thức chấp hành. Thực tế tại xã Thuận An (Đắk Mil), mỗi lần tuyên truyền tại bon Sar Pa, nhờ sự phối hợp của Đoàn xã, với những hoạt động văn hóa, văn nghệ nên vận động, thu hút khá đông đoàn viên, thanh niên tham gia các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật giao thông. Một số thanh niên ở bon Sar Pa thường hay tụ tập, đua xe trái phép, gây mất an ninh trật tự, nhưng sau khi được vận động tham dự các buổi tuyên truyền thì ý thức chấp hành pháp luật giao thông tốt hơn và tình trạng đi xe lạng lách, uống rượu, bia giảm hẳn so với trước.

Chi đoàn bon Sar Pa, xã Thuận An (Đắk Mil) phát huy được vai trò nên vận động thanh niên tham gia các buổi tuyên truyền pháp luật giao thông

Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, đơn vị phối hợp với Ban ATGT tỉnh, các doanh nghiệp kêu gọi tặng gần 20.000 mũ bảo hiểm, hàng chục ngàn suất quà là mỳ tôm, gạo, nước mắm, bánh kẹo, áo phao, tập sách và khám chữa bệnh, cấp phát thuốc… cho người dân ở các địa phương. Bình quân mỗi năm, đơn vị tổ chức khoảng 200 đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông cho hàng chục ngàn lượt người dân tham dự. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, đơn vị đã tổ chức 135 đợt tuyên truyền, thu hút hơn 46.000 lượt người dân tham dự. Ngoài trực tiếp xuống địa bàn phổ biến, đơn vị còn in băng, đĩa về hình ảnh, nội dung, kiến thức ATGT để cấp phát cho các thôn, bon.

Tuy nhiên, để công tác tuyên truyền về pháp luật giao thông thực sự hiệu quả, đến được với đông đảo người dân, các cấp chính quyền, đoàn thể ở cơ sở cần có sự quan tâm, chung tay góp sức, vì mục tiêu bảo đảm ATGT cho mỗi người, mỗi nhà và toàn xã hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông: Vẫn còn “khoán trắng” cho lực lượng chức năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO