Thể hiện hết thẩm quyền, trách nhiệm để ngăn chặn các hành vi xâm phạm hành lang đường bộ

Lê Phước thực hiện| 16/03/2020 08:28

Những năm gần đây, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường bộ trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp. Thế nhưng, việc ngăn chặn, xử lý vấn đề này còn nhiều nan giải. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) về vấn đề này.

ADQuảng cáo

Ông Phạm Văn Mạnh

Phóng viên: Tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ thời gian qua diễn ra như thế nào và đâu là nguyên nhân chính, thưa ông?

Ông Phạm Văn Mạnh: Thời gian qua, tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường bộ trên địa bàn tỉnh diễn ra hết sức phức tạp, đặc biệt là trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Sau khi hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng (năm 2015), tình trạng vi phạm hành lang ATGT trên đường Hồ Chí Minh năm sau luôn cao hơn năm trước. Vi phạm diễn ra ở hầu hết các địa phương, nhưng phức tạp nhất vẫn là địa bàn 2 huyện Đắk Song và Đắk R’lấp.

Chỉ tính riêng trong năm 2019, Thanh tra Sở GTVT đã phối hợp với các lực lượng chức năng lập 62 biên bản xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền phạt hơn 309 triệu đồng; nhắc nhở trực tiếp 604 trường hợp; giải tỏa, thu giữ 1.677 trường hợp, vật dụng các loại; tháo dỡ 422m2 mái che vi phạm hành lang…

Việc vi phạm hành lang ATGT có rất nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi thì có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, hành vi này xuất phát từ ý thức của người dân. Phần lớn người dân có tâm lí thích ra mặt đường ở để thuận tiện cho việc đi lại, kinh doanh, buôn bán. Do đó, sau khi các tuyến đường được nâng cấp, mở rộng, họ tiến hành san lấp mặt bằng và xây dựng nhà cửa, công trình.

Thứ hai, là việc một số hộ dân có đất, tài sản hợp pháp đang sử dụng nằm trong hành lang ATGT đường bộ từ trước. Hiện tại, Nhà nước chưa bố trí được kinh phí đền bù, giải tỏa nên việc tuyên truyền vận động những trường hợp này không vi phạm an toàn hành lang đường bộ gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ ba, việc phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương với lực lượng chức năng trong công tác bảo vệ hành lang ATGT chưa nhịp nhàng, chặt chẽ, nên chưa đạt hiệu quả cao.

Phóng viên: Thưa ông, việc người dân cố tình vi phạm hành lang ATGT có phải là khó khăn lớn nhất của cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, ngăn chặn?

Ông Phạm Văn Mạnh: Tôi cho rằng đây chỉ là khó khăn mang tính khách quan. Khó khăn lớn nhất và mang tính chủ quan là công tác phối hợp của các lực lượng trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Nghị định 11 năm 2010 của Chính phủ quy định rất rõ thẩm quyền của từng bộ, ngành, địa phương về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

ADQuảng cáo

Thông tư 50 năm 2015 của Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định 11 cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan cụ thể. Trong đó, đối với UBND cấp huyện (quy định tại điều Điều 41 Nghị định 11/2010/NĐ-CP), ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật và phối hợp với các lực lượng có liên quan bảo vệ hành lang, chống lấn chiếm, tiến hành cưỡng chế, giải tỏa vi phạm, lập lại hành lang ATGT đường bộ.

Quy định là như vậy, nhưng việc quản lý, sử dụng đất hành lang ATGT đường bộ của một số địa phương thời gian qua chưa tốt. Công tác phối hợp giữa UBND cấp huyện với lực lượng chức năng cũng chưa nhịp nhàng, rõ nét. Nhiều địa phương thậm chí có suy nghĩ rằng, trách nhiệm quản lý, ngăn chặn vi phạm hành lang ATGT đường bộ là của lực lượng Thanh tra Giao thông. Điều này rất nguy hiểm vì dễ dẫn đến việc địa phương buông lỏng việc kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Tình trạng san lấp mặt bằng trong hành lang ATGT đường bộ thời gian qua diễn biến phức tạp (Trong ảnh: San lấp mặt bằng trên QL14, đoạn đi qua xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp).

Phóng viên: Thời gian tới, cần làm gì để ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả các hành vi vi phạm, đặc biệt là san lấp mặt bằng thuộc phạm vi hành lang ATGT trên địa bàn, thưa ông?

Ông Phạm Văn Mạnh: Thời gian tới, Sở GTVT sẽ chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tăng cường công tác phối hợp trong kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm hành lang ATGT trên địa bàn. Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm, quyết liệt các trường hợp vi phạm.

Riêng đối với việc san lấp mặt bằng, đây là nhu cầu thực tế của người dân. Do địa hình tỉnh ta là đồi núi, trên các tuyến đường đa số một bên là đồi còn một bên là vực. Khi người dân muốn ra đường ở thì chắc chắn sẽ tiến hành san lấp mặt bằng, lấy đất bên đồi lấp xuống bên vực. Nhiều vụ việc đã được phát hiện, xử phạt hành chính và buộc khắc phục lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, tôi nghĩ việc khắc phục - tức là múc đất đã san lấp dưới vực lên đắp lại thành quả đồi là điều gần như không thể thực hiện được.

Để hạn chế tình trạng san lấp mặt bằng trong khu vực hành lang ATGT, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân có ý thức bảo vệ và không vi phạm. Chính quyền địa phương cần chú trọng tăng cường quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang đường bộ theo quy định của pháp luật và xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ.

Để giải quyết đồng bộ, dứt điểm các trường hợp vi phạm hành lang ATGT đường bộ, cũng cần có chính sách, bố trí kinh phí giải tỏa, đền bù những trường hợp có đất, tài sản hợp pháp đang sử dụng, nhưng nằm trong hành lang ATGT đường bộ. Chỉ khi lực lượng chức năng, chính quyền địa phương thể hiện hết thẩm quyền, trách nhiệm của mình và ngăn chặn kịp, xử lý tận gốc các hành vi vi phạm thì mới mong giảm thiểu được các vi phạm hành lang ATGT trên các tuyến đường.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thể hiện hết thẩm quyền, trách nhiệm để ngăn chặn các hành vi xâm phạm hành lang đường bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO