Sử dụng thiết bị giám sát hành trình: Góp phần đảm bảo an toàn giao thông

Phan Tuấn| 01/04/2014 10:18

Theo Sở Giao thông - Vận tải thì thực hiện Nghị định 91/2009/ NĐ-CP của Chính phủ, hiện nay, tất cả các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, theo hợp đồng, xe buýt… trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

ADQuảng cáo

Đây là công cụ hỗ trợ rất hiệu quả cho việc quản lý, điều hành việc kinh doanh, vận tải hành khách cũng như giúp các lái xe nâng cao ý thức bảo đảm an toàn giao thông khi xe lưu thông trên đường. Hiện nay, ngoài chi phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có giá từ 4 - 6 triệu đồng, hàng năm, mỗi xe còn đóng khoảng 1,2 triệu đồng phí sever và sim để duy trì hoạt động.

Có thể nói, với những lợi ích thiết thực mà thiết bị này mang lại thì khoản chi phí này là không cao, nên các đơn vị vận tải đều tích cực lắp đặt để quản lý hoạt động của các phương tiện.

Thanh tra Sở GT - VT kiểm tra việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của các xe khách

Điển hình như Hợp tác xã vận tải Đắk R’lấp, sau hơn nửa năm đưa thiết bị giám sát hành trình vào hoạt động, việc quản lý phương tiện đã trở nên đơn giản và đạt hiệu quả cao. Theo đó, các thông tin về lộ trình di chuyển, vận tốc, vị trí, tín hiệu đóng mở cửa, số lần vượt quá tốc độ, dừng đỗ sai quy định… của phương tiện luôn được hiển thị rõ trên thiết bị.

Những thông tin này giúp hợp tác xã có thể quản lý phương tiện một cách dễ dàng trong suốt hành trình từ khi xuất bến cho đến điểm dừng cuối cùng. Từ màn hình máy vi tính ở phòng điều độ, nhân viên điều hành sẽ theo dõi được tốc độ, tọa độ của xe, số lượng hành khách trên xe theo từng thời điểm để từ đó đưa ra những cảnh báo, điều chỉnh cho phù hợp, nhằm hạn chế tai nạn xảy ra.

ADQuảng cáo

Tương tự, cũng nhờ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mà hoạt động kinh doanh, vận tải hành khách của Hợp tác xã vận tải Thành Tân (Gia Nghĩa) đã hiệu quả hơn. Hằng ngày, tại trụ sở của đơn vị luôn có bộ phận theo dõi hành trình, ghi nhận và truy xuất kết quả, biết được tần suất hoạt động, lộ trình di chuyển của từng đầu xe có đúng với biểu đồ quy định hay không.

Bên cạnh đó, hợp tác xã cũng dễ dàng quản lý việc bàn giao ca, lái xe có chạy quá tốc độ, thời gian quy định hay không cũng như giám sát chặt chẽ lượng hành khách đi trên xe để kiểm soát doanh thu của từng chuyến xe...

Theo ông Lê Đình Trọng, Phó Chánh Thanh tra Sở GT - VT thì thực tế cho thấy, kể từ khi đưa vào sử dụng thiết bị giám sát hành trình thì trong quá trình lưu thông, vận chuyển hành khách, các lái xe, nhân viên phục vụ đã ngày càng chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông hơn. Ngoài ra, việc kiểm tra, xử lý các lái xe vi phạm giao thông cũng dễ dàng hơn nhờ thông tin mà hộp đen ghi lại.

Tuy nhiên, hiện nay cũng có một số doanh nghiệp vận tải và các lái xe chưa thấy hết những tiện ích từ thiết bị này mang lại nên vẫn còn hiện tượng đối phó. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, một số xe không thực hiện niêm yết hướng dẫn sử dụng và số sim của thiết bị giám sát hành trình trên xe.

Một số lái xe còn vi phạm về tốc độ và chưa thực hiện theo các yêu cầu của chủ doanh nghiệp. Vì vậy, các đơn vị vận tải cần tổ chức tập huấn cho các lái xe, phụ xe nắm bắt, nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ các quy định trong việc sử dụng thiết bị giám sát hành trình trong quá trình vận chuyển hành khách, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng thiết bị giám sát hành trình: Góp phần đảm bảo an toàn giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO