Nỗi đau mang tên “tai nạn giao thông”

Hà Thanh - H'Mai| 20/02/2020 08:24

Tai nạn giao thông (TNGT) luôn là điều không ai mong muốn, thế nhưng nó vẫn đang diễn ra hàng ngày và gây ra nhiều mất mát, hậu quả nặng nề, đẩy nhiều gia đình vào hoàn cảnh khó khăn, bế tắc. Nỗi đau mang tên TNGT cứ âm ỉ, kéo dài, trở thành nỗi ám ảnh, để lại bao sự day dứt, tiếc nuối cho những người đang sống.

ADQuảng cáo

Người đầu bạc tiễn người đầu xanh’

Đã 2 năm trôi qua, nhưng lướt nhìn di ảnh con trai của mình, bà Lương Thị Phác ở thôn Tân Bình, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) vẫn không kìm được những giọt nước mắt đau đớn. Có nỗi xót xa nào hơn khi đứa con trai cùng chung sống, làm chỗ dựa về già đột ngột ra đi, để lại hai đứa cháu thơ dại.

Một chiều cuối năm 2018, sau giây phút cao hứng bên men say cùng bạn bè, con trai bà là anh Nguyễn Thái Hiền va chạm giao thông với một chiếc xe tải đông lạnh. Mặc dù được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), nhưng vì vết thương quá nặng khiến anh Hiền ra đi mãi mãi, khi mới 35 tuổi, để lại đứa con trai lớn mới học mẫu giáo và đứa con trai nhỏ còn chưa nói tròn vành chữ. Cha không còn, mẹ lại ly thân bỏ đi từ lâu, giờ đây hai đứa con anh không còn ai để nương tựa ngoài ông bà đã đến tuổi xế chiều.

Ngôi nhà nằm sâu ở nơi lưng chừng đồi càng trở nên hiu quạnh. Vợ chồng bà Phác tuổi đã cao nhưng giờ đây lại phải lo làm lụng để nuôi cháu trai ăn học. Lau vội giọt nước mắt, bà Phác ngậm ngùi kể lại những vất vả, khó khăn của vợ chồng bà sau khi anh Hiền mất. Chưa bao giờ bà nghĩ mình nuôi con rồi lại nuôi cháu. Đó không phải sự mệt nhọc lao động mà là vượt quá giới hạn của một đời người.

Hai năm qua bà vẫn không thôi lo lắng khi vợ chồng bà giờ đã trên dưới 70 tuổi, còn cháu trai vẫn trong độ tuổi quá nhỏ. Trên con đường đất nhỏ đưa cháu đến trường, vì tuổi đã cao, chân tay già yếu nên không thiếu những lần hai ông cháu ngã lăn, trầy xước đầy mình. Thương chồng một thương cháu mười, ước mơ cuối cùng của vợ chồng bà là có thêm chút sức khỏe, sống lâu một chút để có thể lao động, chăm sóc cháu trai đến tuổi lớn khôn, có thể tự lo cho bản thân. Vụ tai nạn đã qua đi, nhưng nỗi đau, mất mát vẫn còn lại mãi với gia đình bà…

Ông Nguyễn Duy Quỳ chăm sóc cháu trai đã mất đi người cha vì TNGT

Cùng chịu cảnh “người đầu bạc tiễn người đầu xanh’’, ông Nguyễn Duy Quỳ ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) cũng không giấu được nỗi buồn khi nhắc đến người con trai út của mình là Nguyễn Duy Khánh ra đi vì TNGT. Buông tiếng thở dài, ông kể: “Chiều tối hôm ấy, trên đường đi làm về gần đến nhà nó tông phải chiếc xe tải đậu bên đường. Cú đâm mạnh quá khiến nó mất ngay tại chỗ. Sau khi cơ quan chức năng điều tra, nghe bảo nó đi đúng đường, chiếc xe kia đậu sai, nhưng trời xui đất khiến thế nào nó lại không quan sát rõ đường đi bất cẩn đâm vào…”.

Không chỉ là cảnh cha mất con, anh Khánh ra đi còn là nỗi đau đớn vô cùng của chị Trần Thị Niệm-vợ anh và hai người con đang tuổi ăn học. Bao ước mơ, dự định mà hai vợ chồng ấp ủ và mới xây dựng vỡ toang để lại khoản nợ hàng trăm triệu đồng. Gượng dậy từ nỗi đau quá lớn, chị gánh vác vai trò của một người mẹ và người cha để chăm sóc hai đứa con trai. Bữa cơm của chị thường chan đầy nước mắt khi mất chồng là điều khó có thể bù đắp được. Với chị, tiền bạc thì có thể thức khuya dậy sớm làm lụng có được nhưng người chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cuộc sống sớm hôm thì không còn nữa. Gần 5 năm trôi qua, nhưng đó vẫn là nỗi đau dai dẳng, khó có thể nguôi ngoai.

Một phút sơ sẩy, 3 năm liệt giường

ADQuảng cáo

Buông tiếng thở dài, chị Đỗ Thị Kim Quyên ở thôn Tân Lợi, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) vẫn còn tiếc nuối giây phút sơ sẩy bị TNGT khiến bản thân nằm liệt giường 3 năm nay. Vào một buổi sáng đi lên rẫy, chị bất cẩn mất lái, tự gây tai nạn và bị dập tủy cột sống. Vết thương khiến chị nằm liệt giường, mọi sinh hoạt đều phải nhờ người thân trợ giúp. Trước đây, chị cùng chồng sớm hôm lao động sản xuất, nuôi 3 con ăn học, gây dựng được nhà cửa khang trang, kinh tế khá giả. Sau vụ tai nạn, gia đình chị đổ tiền bạc chạy chữa khắp nơi, từ đông y đến tây y, từ bệnh viện lớn miền Nam đến miền Bắc. Từ chỗ đang là người mạnh khỏe, bỗng chốc chị trở thành gánh nặng cho gia đình.

Chị Quyên chia sẻ: “Tôi nằm liệt 3 năm rồi nên mọi sinh hoạt, ăn uống đều nhờ chồng làm hết. Mỗi ngày anh đều vất vả, làm tất cả công việc trong nhà, nào là lo cho con đi học, cơm nước, quần áo, vệ sinh cá nhân cho tôi... Nằm một chỗ nhìn anh lo toan kiếm tiền chạy chữa, thuốc thang cho tôi mà thấy chạnh lòng. Chỉ sơ sẩy một chút mà tôi lại mất đi thiên chức làm mẹ, làm vợ”.

Nhờ sự kiên trì chăm sóc, nỗ lực chạy chữa của chồng, đến nay chị Quyên mới có thể tập đứng dậy được, tứ chi cử động linh hoạt. Tuy nhiên, hy vọng tự đi và sinh hoạt được vẫn còn quá mong manh đối với chị khi tủy vẫn chưa thể nuôi và phục hồi.

Chị Đỗ Thị Kim Quyên tập đi sau 3 năm nằm liệt giường vì TNGT

Một ý thức giao thông triệu nụ cười

Với mong muốn giảm thiểu thương vong, thiệt hại do TNGT gây nên, mới đây, Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về tăng mức xử phạt hành vi uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nghị định tác động rất lớn đến ý thức người tham gia giao thông, và góp phần hạn chế các vụ TNGT do rượu, bia gây ra. Với mức phạt cao nhất lên tới 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe lên đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn, Nghị định 100 đã khiến người tham gia giao thông cũng phải thay đổi nhận thức, hành vi khi sử dụng rượu bia.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong năm 2019 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 84 vụ TNGT, làm 51 người chết, 73 người bị thương, thiệt hại ước tính 1,037 tỷ đồng. Riêng địa bàn TP. Gia Nghĩa xảy ra 8 vụ làm chết 8 người, bị thương 2 người. Trong tháng 1/2020, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ TNGT, làm 1 người chết, 5 người bị thương; hư hỏng 7 phương tiện; thiệt hại tài sản ước tính hơn 400 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do đi không đúng phần đường, không chú ý quan sát, không giữ khoảng cách an toàn, vượt sai quy định, đi ngược đường một chiều, chuyển hướng không chú ý quan sát…

Ban An toàn giao thông tỉnh cũng nêu cao chủ đề Năm An toàn giao thông 2020 trên địa bàn tỉnh là “Đã uống rượu, bia -Không lái xe”; đòng thời phát động phong trào “Doanh nghiệp vận tải an toàn” và “Lái xe an toàn” năm 2020... Ngoài lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật giao thông, công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân cũng được đẩy mạnh thực hiện.

Trên thực tế cho thấy, TNGT có thể chỉ xảy ra trong chớp mắt và cướp đi sinh mạng của bất kỳ ai. Sau mỗi vụ TNGT, vợ bỗng nhiên mất chồng, con mất cha, bậc làm ông bà phải đứng ra gánh vác “cơm áo gạo tiền’’, bao ước mơ tan vỡ, gia đình ly tán… Trong nhiều nỗi đau mất người thân, có lẽ cái chết do TNGT để lại sự day dứt, tiếc nuối hơn cả. Tổn thất về tinh thần, những vụn vỡ trong lòng của người thân không thể bù đắp được.

Để ngăn ngừa, giảm thiểu TNGT gây ra, trước hết mỗi người phải tự nêu cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông, nhận thức rõ hậu quả của TNGT để chủ động phòng ngừa, giữ an toàn cho mình, người thân và người khác cùng tham gia giao thông. Mỗi người khi tham gia giao thông cần nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn giao thông, biết kiềm chế bản thân khi tham gia giao thông nhằm bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình và cộng đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi đau mang tên “tai nạn giao thông”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO