Hành lang an toàn đường bộ quốc lộ 28: Vi phạm nhiều, xử lý ít

Phạm Khánh| 22/05/2019 10:43

Tình trạng lấn chiếm đất hành lang an toàn đường bộ trên tuyến quốc lộ 28 qua từng năm ngày càng tăng lên nhưng việc xử lý lại không kiên quyết, kịp thời. Vì vậy, phạm vi đất hành lang quốc lộ 28 đang bị người dân lấn chiếm, sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.

ADQuảng cáo

Vi phạm phổ biến

Tuyến quốc lộ 28 chạy qua các huyện Đắk Glong, Krông Nô, Cư Jút và thị xã Gia Nghĩa có tổng chiều dài trên 173 km. Theo quy định, tại những đoạn của tuyến quốc lộ 28 chạy qua trung tâm huyện, thị xã được quy hoạch hệ thống đường cấp 3, số còn lại là đường thuộc cấp 4.

Theo đó, những đoạn đường thuộc cấp 3, vi phạm đất hành lang là 9 m tính từ mép ngoài của rãnh thoát nước, cấp 4 là 7,5 m. Quy định là thế, nhưng 2 năm trở lại đây, hành lang an toàn đường bộ trên tuyến đường này luôn bị người dân lấn chiếm sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.

Nhiều trường hợp tại xã Quảng Sơn (Đắk Glong) xây dựng lều quán trong phạm vi đất hành lang  an toàn đường bộ tuyến quốc lộ 28

Xã Quảng Sơn (Đắk Glong) được xem là “điểm nóng” về tình trạng người dân lấn chiếm phạm vi đất hành lang. Dọc theo tuyến đường rất nhiều trường hợp người dân lấn chiếm để dựng lều, quán bán cơm, nước giải khát. Nguy hiểm nhất, tại những đoạn cua gấp khúc, lều quán làm che khuất tầm nhìn, tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông, nhất là đoạn tại thôn 3a. Thậm chí, một số gia đình còn xây dựng công trình kiên cố ngay trên đất hành lang.

Bên cạnh đó, rất nhiều trường hợp tự ý san lấp mặt bằng trái phép, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông. Tại Km 225+500-Km 260 thuộc xã Quảng Sơn giáp ranh với xã Đắk Ha (Đắk Glong), nhiều hộ dân sau khi đổ đất, san lấp mặt bằng còn lấp luôn cả hệ thống thoát nước, gây ngập úng, nên đoạn đường xuống cấp nhanh. Qua thống kê, trên địa bàn xã Quảng Sơn có tới 12 trường hợp xây dựng công trình tạm, kiên cố, san lấp mặt bằng trong phạm vi đất hành lang tuyến quốc lộ 28.

Tại các xã như Đắk Som, Quảng Khê, Đắk Ha (Đắk Glong) cũng có rất nhiều trường hợp người dân lấn chiếm đất hành lang. Đặc biệt, tại xã Đắk Ha, một số doanh nghiệp, cá nhân còn tự ý mở đường đấu nối trái phép, gây mất trật tự ATGT.

Tại các xã Quảng Phú, Đắk Nang, Đức Xuyên, Nâm N’đir, Đắk D’rô, Đắk Sôr, Nam Đà (Krông Nô) cũng xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ với nhiều hình thức như xây dựng công trình tạm, để hàng hóa, vật liệu xây dựng, biển báo. Bức xúc nhất hiện nay là cảnh người dân họp chợ, chiếm lòng đường làm nơi buôn bán gây ách tắc giao thông, như chợ các xã Đắk Ha, Đắk D’rô.

ADQuảng cáo

Theo thống kê của Công ty Cổ phần quản lý, sửa chữa đường bộ Đắk Nông, năm 2018 có 94 trường hợp, từ đầu năm 2019 đến nay có tới 85 trường hợp vi phạm đất hành lang an toàn đường bộ quốc lộ 28 và chưa dừng lại ở đây.

Người dân xã Đắk Ha (Đắk Glong) lấn chiếm lòng đường trên tuyến quốc l ộ 28 để buôn bán, gây ách tắc giao thông

Buông lỏng quản lý

Tại Khoản 4 Điều 42 Nghị định 11 của Chính phủ nêu rõ: UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ.

Tuy nhiên, dường như một số địa phương không nắm rõ quy định, cho rằng trách nhiệm quản lý, bảo vệ là của đơn vị chức năng và lực lượng thanh tra giao thông chứ không phải của mình. Vì vậy, công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ bị bỏ ngỏ, và người dân cứ thế ồ ạt xây dựng công trình. Điển hình nhất là xã Đắk Som (Đắk Glong) có 12 trường hợp, trong đó có tới 10 trường hợp xây dựng công trình tạm, 2 công trình kiên cố là nhà cửa.

Ông Võ Công Hạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần quản lý sửa chữa đường bộ Đắk Nông cho hay: “Qua theo dõi, đa số các xã đều không quan tâm đến công tác bảo vệ hành lang an toàn đường bộ. Thậm chí, một số trường hợp sau khi đã được lực lượng thanh tra giao thông phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính giao về cho địa phương xử lý, nhưng cũng không được thực thi. Vì vậy, người dân xem thường, dẫn đến vi phạm ngày càng nhiều. Chỉ riêng chính quyền xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) có sự quan tâm, nên các trường hợp vi phạm đều được ngăn chặn kịp thời, hoàn trả lại mặt bằng”.

Bên cạnh việc không quan tâm phát hiện vi phạm, những trường hợp bị lực lượng chức năng lập biên bản, bàn giao để có biện pháp cưỡng chế, nhưng cũng không được chính quyền địa phương quan tâm. Vì vậy, trong tổng số 29 trường hợp bị xử phạt, có 12 trường hợp chấp hành nộp phạt và 6 trường hợp tự tháo gỡ, nhưng không có trường hợp nào do địa phương tổ chức cưỡng chế theo quy định.

Không chỉ địa phương, lực lượng Thanh tra giao thông (Sở Giao thông - Vận tải) cũng chưa kiên quyết và xử lý triệt để đối với những trường hợp vi phạm đất hành lang an toàn đường bộ trên tuyến quốc lộ 28. Từ năm 2018 đến nay, tuyến quốc lộ 28 có tới 179 trường hợp vi phạm nhưng chỉ có 29 trường hợp bị lực lượng thanh tra phát hiện, lập biên bản xử phạt hành chính, số còn lại bị bỏ qua.

Rồi đây, quốc lộ 28 được nâng cấp, mở rộng theo đúng quy mô của nó, sớm hay muộn chính quyền địa phương, lực lượng chức năng cũng phải tổ chức tháo dỡ các công trình vi phạm hành lang an toàn đường bộ theo quy định. Lúc đó, tỉnh lại phải tốn thêm kinh phí để trang trải cho việc thành lập đoàn cưỡng chế (?)

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành lang an toàn đường bộ quốc lộ 28: Vi phạm nhiều, xử lý ít
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO