Ý thức chấp hành các quy định về pháp luật an toàn vệ sinh lao động ngày càng được nâng lên

Hoàng Hoài| 20/03/2019 09:31

Theo đánh giá, sau 2 năm triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) giai đoạn 2016-2018, ý thức chấp hành các quy định về pháp luật ATVSLĐ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, người sử dụng lao động, người lao động đã được nâng lên rõ rệt, góp phần bảo đảm ATLĐ, phòng chống cháy nổ.

ADQuảng cáo

Công nhân Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang - VVMI được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động khi làm việc. Ảnh tư liệu

Công tác tuyên truyền được tăng cường

Để công tác ATVSLĐ được thực hiện hiệu quả, bảo đảm tính mạng cho người lao động, tài sản doanh nghiệp, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất đó chính là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Vì vậy, công tác tuyên truyền, tập huấn về ATVSLĐ luôn được các cấp, ngành, các đơn vị sản xuất, kinh doanh chú trọng. Nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng được triển khai như tổ chức hội nghị, đối thoại với người sử dụng lao động và người lao động; treo băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu; mở các lớp huấn luyện, tổ chức lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ...

Từ năm 2016-2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về công tác ATVSLĐ thông qua hộp thư điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng, áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ, bước đầu xây dựng văn hóa ATLĐ tại một số doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cũng phối hợp tổ chức tuyên truyền về công tác ATVSLĐ tại một số doanh nghiệp. Điển hình, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức phát hành các ấn phẩm, tranh ảnh, sách báo và tờ rơi có nội dung về công tác ATVSLĐ cấp cho các doanh nghiệp để phục vụ tuyên truyền. Sở Y tế tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh về quản lý bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe cho người lao động; tổ chức tuyên truyền phòng ngừa tai nạn lao động, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đối với lao động không theo hợp đồng như trưởng thôn, hội viên, nông dân… các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền tại các huyện, thị xã mỗi năm một đợt nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về pháp luật lao động và phòng, chống tai nạn lao động khu vực nông thôn.

ADQuảng cáo

Thực hiện hiệu quả các chính sách phòng ngừa tai nạn lao động

Bên cạnh công tác tuyên truyền, các chính sách phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng được thực hiện thường xuyên, hiệu quả góp phần bảo đảm ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động. Hiện nay, tỉnh đã có 2 tổ chức đủ điều kiện hoạt động huấn luyện ATVSLĐ. Giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh đã tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho 4.368 người gồm cán bộ quản lý, người sử dụng lao động, người lao động, cán bộ công đoàn, đội ngũ an toàn vệ sinh viên.

Ngoài các cơ quan chuyên môn, người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp có đủ điều kiện, cơ sở vật chất cũng đã tự tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động. Hàng năm, ngành LĐTB-XH cũng tổ chức một đợt huấn luyện tại 1 huyện về công tác ATVSLĐ trong lĩnh vực nông nghiệp cho người lao động làm việc không theo hợp đồng.

Công tác quản lý môi trường lao động, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động hàng năm và chủ động mời cơ quan chức năng đo đếm, kiểm tra môi trường lao động theo quy định.

Một số doanh nghiệp chấp hành nghiêm việc khai báo, đăng ký và kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, xây dựng các nội quy, quy trình vận hành các loại máy móc, thiết bị và các biện pháp làm việc, góp phần bảo đảm ATLĐ. Các chủ doanh nghiệp cũng đã thực hiện tốt các chế độ, chính sách về ATVSLĐ đối với người lao động trong việc cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hóa ATLĐ như chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, trang bị bảo hộ lao động, chế độ đối với lao động nữ…

Ngoài ra, ngành LĐTB-XH đã ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường quản lý máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Cùng với việc hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp, cơ sở thực hiện theo quy định pháp luật về kiểm định kỹ thuật, an toàn về sử dụng, xử lý sự cố an toàn tại nơi làm việc, ngành còn quản lý, hướng dẫn, kiểm tra việc kiểm định, đăng ký các máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, góp phần hạn chế những sự cố, nguy cơ mất ATLĐ do các thiết bị gây ra. Đến nay, toàn tỉnh có 1.809 máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ và Sở LĐTB-XH đã cấp giấy xác nhận khai báo sử dụng cho 1.663 máy...

Với việc đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các giải pháp theo quy định của pháp luật về ATVSLĐ, trong 2 năm qua, toàn tỉnh chỉ xảy ra 29 vụ tai nạn lao động. Trong đó, 20 vụ được các doanh nghiệp thực hiện khai báo và tổ chức điều tra, xử lý kịp thời; 9 vụ được doanh nghiệp báo cáo trong công tác ATVSLĐ hàng năm. Các ngành chức năng, đơn vị quản lý lao động cũng đã kịp thời giải quyết chế độ trợ cấp cho người bị thiệt hại, góp phần tạo mối quan hệ thống nhất, gắn bó giữa người sử dụng lao động và người lao động.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ý thức chấp hành các quy định về pháp luật an toàn vệ sinh lao động ngày càng được nâng lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO