Xe công nông, máy kéo - Nỗi lo tai nạn giao thông mùa thu hoạch cà phê

Phạm Khánh| 30/11/2017 09:17

Giống như những địa bàn khác, vào thời điểm này, người dân huyện Đắk Mil đang thu hoạch cà phê.

ADQuảng cáo

Có mặt trên quốc lộ 14, địa phận huyện Đắk Mil vào buổi sáng, trưa và chiều, chúng tôi nhận thấy rất đông xe công nông, máy kéo tham gia giao thông. Từng đoàn xe nườm nượp đi, thậm chí có rất nhiều trường hợp chạy với tốc độ cao, tránh, vượt lấn sang cả làn đường xe máy. Nguy hiểm nhất là tại xã Đắk Lao, Đức Mạnh, Đắk Gằn... nơi có nhà thờ và trường học, chợ, là những điểm mà học sinh, người dân tham gia giao thông rất đông. Mỗi khi xe công nông, xe máy kéo chạy qua, gây nên tình trạng lộn xộn, làm mất trật tự an toàn giao thông tại điểm này.

Nhiều trường hợp lái xe công nông vượt nhau trên tuyến Quốc lộ 14 với tốc độ cao, gây nguy cơ tiềm ẩn TNGT

Bà Lê Thị Hải, trú tại xã Đức Mạnh cho biết: “Vào buổi sáng, phụ huynh chở học sinh đi học, người dân đi chợ mua bán, đi lễ nhà thờ rất đông cũng là lúc người điều khiển xe công nông đi rẫy. Rất nhiều trường hợp, do vội vàng cho kịp thời gian thu hái cà phê, nên điều khiển xe chạy với tốc độ cao, lấn làn đường của phương tiện khác. Khi có xe ô tô đi ngược chiều, họ đột ngột tấp vào lề nên rất nguy hiểm cho người khác”.

Theo quan sát, hầu hết loại phương tiện này đều thiếu hệ thống đèn xi nhan, đè phụ, thậm chí xe không có đèn chiếu sáng. Vào buổi hoàng hôn, do không có đèn chiếu sáng, người điều khiển xe đội đèn pin trên đầu, gây ra hạn chế đến tầm quan sát. Cùng với đó, trong quá trình hoạt động, tài xế lái xe vô tình chiếu thẳng vào mắt người đi ngược chiều cũng gây nguy hiểm, dẫn đến tai nạn rình rập cho người khác.

ADQuảng cáo

Bên cạnh đó, khi xe sang đường, vì không có hệ thống đèn xi nhan, để báo hiệu qua đường, rẽ phải và trái, người điều khiển lại dùng tay ra hiệu. Việc vừa chở hàng nặng, lại điều khiển một tay, rất dễ xảy ra sự cố như mất lái, đạp nhầm chân ga do phân tâm nên nguy cơ xảy ra TNGT rất cao. Điều đáng quan tâm, hầu hết loại phương tiện này do người dân tự độ chế, yếu tố về kỹ thuật của xe là không bảo đảm an toàn. Đa số người điều khiển xe này lại chưa được đào tạo bài bản qua các trường lớp.

Hầu hết xe công nông, máy kéo không có hệ thống đèn phụ để báo hiệu

Theo Trung tá Lê Thanh Hà, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Đắk Mil, lưu lượng xe máy kéo, công nông tham gia giao thông vào mùa thu hoạch cà phê trên địa bàn huyện là khá đông, phức tạp. Đơn vị rất lo lắng về nguy cơ tiềm ẩn xảy ra TNGT do phương tiện này gây ra. Vì thế, trước mùa thu hoạch, đơn vị đã phối hợp với Đội tuyên truyền, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tổ chức trên 30 đợt tuyên truyền pháp luật giao thông cho hơn 6.500 đối tượng điều khiển xe máy kéo, công nông. Đồng thời tổ chức cho họ ký cam kết không vi phạm luật Giao thông đường bộ, lái xe bảo đảm an toàn, thường xuyên kiểm tra kỹ thuật xe trước khi tham gia giao thông.

Cũng theo Trung tá Hà thì hiện nay, Đội Cảnh sát giao thông huyện phải huy động lực lượng tối đa để lập các chốt chặn, tuần tra lưu động nhằm phát hiện, nhắc nhở họ chấp hành pháp luật giao thông tốt hơn. Tuy nhiên, địa bàn rộng, lực lượng lại mỏng nên khó có thể tuần tra khép kín đối với các trục đường nhánh của thôn, bon.

Qua tìm hiểu, trên địa bàn huyện Đắk Mil có gần 6.600 xe công nông, xe máy kéo hoạt động. Bình quân mỗi ngày, một xe lưu thông khoảng 4 lượt để vận chuyển nông sản trên các tuyến đường. Như vậy, với tổng số 6.600 xe, mỗi ngày có trên 26.000 lượt xe công nông lưu thông. Trong khi đó chỉ khoảng 1.600 người điều khiển  được đào tạo, cấp giấy phép lái xe.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xe công nông, máy kéo - Nỗi lo tai nạn giao thông mùa thu hoạch cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO