Xâm nhập các “lò” độ chế xe máy

Phạm Khánh| 17/09/2019 09:33

Các huyện Đắk Mil, Đắk R’lấp và thị xã Gia Nghĩa là địa bàn xuất hiện nhiều tiệm sửa chữa kiêm độ chế xe máy cho các đối tượng thanh, thiếu niên ham chơi, tụ tập đua xe trái phép. Tình trạng sử dụng xe độ chế ngày càng phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý của ngành chức năng.

ADQuảng cáo

Sẵn sàng nhận độ chế vì lợi nhuận

Thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) có rất nhiều tiệm sửa chữa xe máy, nhưng chỉ có 6 tiệm thường nhận độ chế xe máy. Khách hàng của các tiệm chủ yếu là thanh, thiếu niên thường xuyên tụ tập, lạng lách, đánh võng, nẹt pô. Xe máy khi đưa đến tiệm để độ chế đang hoạt động cũng có, bị hư hỏng, chỉ còn bộ khung cũng có.

Công an huyện Đắk Mil thu giữ hàng loạt xe gắn máy độ chế

Tiệm anh Tr V L tại thị trấn Kiến Đức bình quân mỗi tháng nhận 1 chiếc xe máy để độ chế. Những xe còn hoạt động, tùy theo nhu cầu của khách hàng, anh độ chế côn, máy, pô với giá 10 triệu đồng, chỉ mất 3-4 ngày là xong. Những xe bị hư hỏng, chỉ còn khung, vỏ máy, anh mất hơn một tuần để độ khung xe, máy, côn, bộ phận lọc gió, vành, bình xăng và phải gắn tay lái trợ lực. Giá của những chiếc xe này khi được độ chế xong ngang ngửa với chiếc xe tay ga đời mới với mức 30-40 triệu đồng. Việc độ chế xe máy cũng mang lại nguồn lợi cho các chủ tiệm gấp vài chục lần so với sửa chữa xe máy thông thường.

Anh L cho biết: “Trên địa bàn thị trấn có nhiều tiệm sửa chữa xe máy, nhưng không phải tiệm nào cũng có thể độ chế xe được vì họ chưa có kinh nghiệm, sẽ dẫn tới hư hỏng máy, sườn xe không chịu được vận tốc cao khi xe chạy. Xe sau khi độ chế đạt được vận tốc từ 120 - 200 km/giờ, cao hơn rất nhiều so với thiết kế xi lanh ban đầu. Các xe được các đối tượng mang đến độ chế thường mang nhãn hiệu Wave, Dream, Cúp 50. Mỗi xe sau khi độ chế, tôi có lợi nhuận từ 5-10 triệu đồng, tùy thuộc vào mức độ thay thế chi tiết máy trong xe”.

Trần Đ H ở tổ dân phố 4, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) là đối tượng thường sử dụng xe độ chế và cũng là người trực tiếp độ chế xe. Mỗi lần độ chế xe cho mình hoặc người khác, các chi tiết, phụ tùng cần thiết đều được H mua từ TP. Hồ Chí Minh về rồi độ thêm để tăng tiếng nổ, vận tốc của xe.

H cho hay: “Các bộ phận của máy được mua về, sau đó chỉ cần độ thêm bằng cách dán thêm lá bố, nâng dung tích xi lanh, kim xăng để tăng công suất, vận tốc của xe. Tại thị xã, có khoảng 10 tiệm sửa chữa xe máy độ chế được máy, thậm chí dùng chì đổ vào khung cho nặng để khi tăng ga, xe không bị bay vọt lên phía trước”.

Tại các xã Đức Mạnh, Đức Minh, Đắk Sắk của huyện Đắk Mil có hàng chục tiệm sửa xe máy. Khi có đối tượng đặt vấn đề độ chế xe máy, vì lợi nhuận, các tiệm này sẵn sàng nhận làm.

ADQuảng cáo

Các đối tượng điều khiển xe máy độ chế, gây mất trật tự giao thông ở thị xã Gia Nghĩa bị lực lượng chức năng tạm giữ

Chế tài xử lý còn nhẹ

Tình trạng sử dụng xe máy độ chế của thanh, thiếu niên gây mất trật tự giao thông là điều không bàn cãi. Bởi, các đối tượng thường tụ tập nẹt pô, chạy tốc độ cao, hò hét, lạng lách, đánh võng, gây nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn giao thông là điều không tránh khỏi. Chính bản thân Trần Đ H từng phẫu thuật chân rất nhiều lần, khi đi xe độ chế tự gây ra tai nạn. Tuy bị lực lượng chức năng bắt 2 lần, thu cả xe, nhưng với bản tính ham chơi, đua đòi, H vẫn liều lĩnh sử dụng xe độ chế tham gia các cuộc đua xe. Trong khi đó, đối với những tiệm sửa chữa xe máy, vì lợi ích về kinh tế, họ vẫn nhận làm, không từ chối.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xe máy độ chế vẫn được sử dụng đó là chế tài xử phạt đối với chủ phương tiện, người điều khiển, cá nhân, tổ chức sản xuất, lắp ráp sai thiết kế xe ban đầu vẫn còn chưa có tính răn đe cao. 

Công an thị xã Gia Nghĩa thu giữ 1 chiếc xe gắn máy được độ chế hoàn toàn cả máy, khung

Vì vậy, lực lượng công an tại các địa bàn không thể căn cứ vào đâu để có những chế tài xử phạt đối với những tiệm sửa chữa xe máy có hành vi độ chế xe máy. Trường hợp chủ xe có đầy đủ giấy tờ đăng ký, sau khi bị xử phạt, lại mang xe về, còn không thì bị tịch thu phương tiện. Mức phạt đối với người điều khiển xe độ chế là từ 800.000-1.000.000 đồng và tước giấy phép lái xe từ 1- 3 tháng.

Theo Thượng úy Trương Văn Bình, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông-Công an thị xã Gia Nghĩa, vì những nguyên nhân nêu trên, nên lâu nay đơn vị cũng chỉ dùng các biện pháp tuyên truyền, tổ chức cho các chủ tiệm ký cam kết không được độ chế xe máy. Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với địa phương giáo dục cộng đồng những đối tượng cá biệt thường điều khiển xe độ chế gây mất trật tự giao thông. Đơn vị cũng thường tổ chức tuần tra, truy quét, bắt giữ những trường hợp sử dụng xe máy độ chế. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, sự chiều chuộng, thiếu quản lý, giáo dục của gia đình, nên tình trạng thanh thiếu niên độ chế, điều khiển xe máy độ chế vẫn còn diễn ra phức tạp.

Tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP không có điều, khoản nào quy định mức xử phạt đối với cá nhân, tổ chức có hành vi cải tạo, lắp ráp xe mô tô, gắn máy sai với thiết kế ban đầu của nhà sản xuất hay tự ý sản xuất. Tại các điểm a, b, c, Khoản 4 Điều 30 của Nghị định 46 chỉ xử phạt từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy tự ý cắt, hàn, đục lại số khung số máy; tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký xe; tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe.

Qua tìm hiểu, từ đầu năm đến nay, công an các huyện Đắk Mil, Đắk R’lấp và thị xã Gia Nghĩa đã tăng cường tuần tra, bắt và thu giữ 110 xe gắn máy độ chế các loại của các đối tượng điều khiển lạng lách, đánh võng, nẹt pô gây mất trật tự giao thông.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xâm nhập các “lò” độ chế xe máy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO