Tội phạm trẻ hóa và giải pháp ngăn chặn

Phan Tuấn| 27/09/2017 09:50

Những năm qua, các loại tội phạm xã hội, nhất là tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản, hiếp dâm, giết người, buôn bán ma túy… liên quan đến tầng lớp thanh niên ngày càng trở nên phổ biến, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng.

ADQuảng cáo

Nhiều phạm nhân phạm tội khi tuổi đời còn rất trẻ

Thực tế ở Trại giam Đắk P’lao

Phạm nhân Nguyễn Văn Thành (SN 1997), trú tại tỉnh Bình Phước, đang thụ án tại Trại giam Đắk P'lao vì tội "Cướp tài sản". Tiếp xúc với phóng viên Báo Đắk Nông, Thành cho biết, anh ta phạm tội hình sự lúc chỉ mới 17 tuổi. Thành học đến lớp 10 rồi nghỉ học. Khi đó, Thành không tìm kiếm được công ăn việc làm ổn định và sau một thời gian thì tham gia vào một nhóm bạn chỉ lo ăn chơi, đua đòi. Để có tiền cho những cuộc vui thâu đêm, suốt sáng, Thành đã cùng bạn bè đi cướp tài sản để lấy tiền tiêu xài. Hành vi phạm tội này của Thành đã bị cơ quan điều tra khởi tố và bị tuyên phạt 6 năm tù.

Tương tự, phạm nhân Cao Thiện Khiêm (SN 1994), trú tại xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp), phạm tội lúc mới 19 tuổi. Trước khi bị bắt, Khiêm thường theo nhóm bạn bè cùng thôn đi chơi loanh quanh trong xã. Trong một lần như vậy, Khiêm có mâu thuẫn với một nhóm thanh niên khác rồi xảy ra ẩu đá. Nhóm của Khiêm đã đánh chết 1 người. Mặc dù Khiêm không trực tiếp ra tay sát hại nhưng đã góp sức tích cực vào cái chết của nạn nhân. Vì vậy, Khiêm bị tòa án tuyên phạt 11 năm tù.

Theo lãnh đạo Trại giam Đắk P’lao (Đắk Glong), hiện nay, đơn vị đang quản lý khoảng 1.100 phạm nhân. Trong số này, phạm nhân có độ tuổi thanh niên (từ 18-35 tuổi) chiếm hơn trên 65%. Qua tìm hiểu, nhiều phạm nhân ở độ tuổi thanh niên đang cải tạo tại Trại giam Đắk P’lao đều chia sẻ việc bản thân phạm tội xuất phát từ việc ăn chơi, đua đòi, không tu chí làm ăn... Cũng có nhiều phạm nhân đang độ tuổi thanh niên phạm tội vì bốc đồng, suy nghĩ chưa chín chắn, thiếu hiểu biết pháp luật.

Nguyên nhân và giải pháp ngăn chặn

ADQuảng cáo

Trao đổi về vấn đề tội phạm hình sự ngày càng trẻ hóa, ông Ngô Đức Thọ, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, cho biết: “Qua hơn 35 năm làm việc trong ngành tòa án, tôi thấy độ tuổi thanh niên phạm tội hình sự ngày càng gia tăng và đủ các loại án như: giết người, cướp của, hiếp dâm, buôn bán ma túy…”. 

Ông Thọ phân tích, nguyên nhân dẫn đến tầng lớp thanh, thiếu niên phạm tội trước hết là do sự buông lỏng, thiếu quan tâm từ phía gia đình. Bởi vì, sự quan tâm, giáo dục của gia đình sẽ tác động mạnh mẽ đến sự hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách cho tầng lớp thanh thiếu niên.

Qua thực tế cho thấy, những thanh thiếu niên phạm tội thường bỏ học từ rất sớm hoặc rơi vào các gia đình có hoàn cảnh như cha mẹ lo làm ăn kinh tế, cờ bạc, rượu chè, đánh chửi nhau, ly hôn... Do thiếu quan tâm, nên nhiều người làm cha, làm mẹ không biết được con mình đang làm gì, chơi với bạn bè như thế nào. Từ đó, cha mẹ không thể nắm bắt, kiểm soát và điều chỉnh được hành vi của con cái. Một nguyên nhân phổ biến khác là nhiều thanh niên lười lao động thường kết nối, tập hợp lại với nhau để lập hội, lập nhóm ăn chơi đua đòi, lêu lổng. Lâu ngày, chính lối sống buông thả đó từng bước dẫn các em lạc lối vào con đường vi phạm pháp luật.

Về nguyên nhân khách quan, ông Thọ phân tích, hiện nay nhiều tổ chức, đoàn thể xã hội hoạt động còn mang tính hình thức, hiệu quả và sự thu hút, lôi cuốn đối với thanh niên còn hạn chế. Cùng với đó, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã tác động tiêu cực không nhỏ tới giới trẻ. Rất nhiều thanh thiếu niên, học sinh đã và đang bị tác động, lôi cuốn, thậm chí là “nghiện” những chương trình ứng dụng, game, phim ảnh bạo lực. Các hành vi phạm tội, thủ đoạn man rợ của tội phạm hiện nay lưu hành trên Internet rất nhiều. Trong khi đó, các em chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng sống. Chính điều này đã khiến cho một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên bị lệch lạc về nhân cách, dẫn tới hành động theo bản năng. “Trong những lần xét xử, không ít lần tôi còn nghe bị cáo khai báo thực hiện hành vi phạm tội hình sự do học đòi từ phim ảnh”, ông Thọ chia sẻ.

Theo ông Thọ, qua các nguyên nhân phạm tội cho thấy, để cho các em trong lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh không vi phạm pháp luật trước hết gia đình phải là nền tảng đầu tiên và quan trọng nhất để giáo dục, hình thành nhân cách cho mỗi người. Gia đình cần quan tâm cả về mặt vật chất và tinh thần, giáo dục đầy đủ về đạo đức lối sống cho con em mình. Mặt khác, về phía các tổ chức đoàn thể cần quan tâm sát sao hơn nữa tới những gia đình có con em là thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt, gia đình mâu thuẫn, rạn nứt… Các tổ chức, nhà trường, xã hội phải tiếp cận, tìm cách hạn chế, ngăn chặn xu hướng thiếu tích cực có thể xảy ra ở thanh thiếu niên.

Về phía Nhà nước, cần có chính sách quản lý hệ thống thông tin mạng internet tốt hơn. Vì trẻ em hiện nay là đối tượng thường tiếp xúc sớm, nhanh với các thông tin văn hóa phẩm độc hại trên internet. Các ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho các em ở nhà trường, ở địa phương và tại các tổ chức sinh hoạt đoàn thể, nơi các em tham gia. Về lâu về dài, xã hội và gia đình cần quan tâm tạo việc làm cho tầng lớp thanh thiếu niên một cách ổn định. Các địa phương chú trọng đẩy lùi những tụ điểm xấu, tạo ra môi trường vui chơi, học tập, sinh hoạt lành mạnh cho trẻ em và thanh thiếu niên...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tội phạm trẻ hóa và giải pháp ngăn chặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO