Tăng cường quản lý hoạt động vận tải đường thủy

Phan Tuấn| 09/07/2018 10:21

Thời gian qua, tận dụng các lợi thế về sông, suối, hồ đập… nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã sử dụng các phương tiện vận tải đường thủy nội địa để mưu sinh. Do phát triển tự phát nên loại hình vận tải đường thủy trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn những nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông. Trước thực tế trên, các cơ quan chức năng đã tăng cường quản lý, chấn chỉnh những bất cập, tồn tại.

ADQuảng cáo

Cảnh sát giao thông đường thủy lập biên bản người lái tàu thuyền không có chứng chỉ hoạt động

Hoạt động tự phát

Huyện Đắk Glong là địa phương có nhiều hồ thủy điện như: Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Đắk N’Teng… Hoạt động giao thông thủy ở các khu vực này có bước phát triển khá nhanh.

Ở khu vực lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 hiện nay đang có 2 bến thuyền hoạt động. Đây đều là những bến thuyền tự phát, chưa được cơ quan chức năng cấp phép, không đủ điều kiện hoạt động. Tại đây, các phương tiện đường thủy và người điều khiển hoạt động cũng chưa tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý phương tiện và người lái.

Theo báo cáo của UBND huyện Đắk Glong, toàn huyện có 14 phương tiện cần phải đăng ký, đăng kiểm nhưng có đến 13 phương tiện không thỏa mãn điều kiện. Ngoài “hai không” -  không đăng ký, không đăng kiểm, người điều khiển tàu, thuyền ở đây cũng không có chứng chỉ lái phương tiện theo quy định.

Tại huyện Krông Nô có sông Krông Nô chảy qua hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk nên nhu cầu người dân sử dụng phương tiện đường thủy khá phổ biến. Lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Nô cho biết, hiện nay, toàn huyện có 3 bến khách ngang sông, 6 bến khai thác cát với gần 200 phương tiện thủy nội địa hoạt động dọc sông Krông Nô. Các bến khách ngang sông hoạt động không phép và hầu hết các phương tiện thủy nội địa ở đây cũng trong tình trạng “không đăng ký, không đăng kiểm”.

Theo thống kê, không riêng gì huyện Krông Nô và huyện Đắk Glong mà trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều phương tiện giao thông thủy chưa thực hiện việc đăng kiểm, đăng ký... bởi do người dân tự đóng hoặc mua lại phương tiện không có bản vẽ thiết kế, hồ sơ…

Cơ quan chức năng kiểm tra các phương tiện đường thủy nội địa

ADQuảng cáo

Tăng cường chấn chỉnh vi phạm

Vừa qua Ban An toàn giao thông tỉnh đã tổ chức đoàn liên ngành giữa Công an tỉnh, Sở Giao thông – Vận tải kiểm tra công tác bảo  đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn toàn tỉnh.

Đoàn liên ngành đã tiến hành kiểm tra thực tế 42 phương tiện thủy nội địa đang hoạt động tại các huyện Đắk Glong, Krông Nô và Cư Jút.  Trong đó, có 11 phương tiện của cá nhân, 28 phương tiện của doanh nghiệp, 3 phương tiện của cơ quan nhà nước. Sau khi tiến hành kiểm tra, Đoàn liên ngành đã lập biên bản, đình chỉ hoạt động theo quy định đối với 40 phương tiện đường thủy.

Kết quả kiểm tra của các lực lượng chức năng cho thấy, tất cả bến thủy nội địa, bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh đều hoạt động tự phát và không đủ điều kiện để hoạt động theo quy định tại Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT, ngày 17/10/2014 của Bộ Giao thông - Vận tải.

Tại huyện Đắk Glong, Đoàn liên ngành ghi nhận: Đa số các phương tiện thủy ở đây thường là phương tiện loại nhỏ, máy công suất thấp. Nhiều phương tiện do người dân đóng bằng thùng phi, tôn… nên chất lượng không bảo đảm, cũ nát. Trong quá trình sử dụng người dân thường chèo tay, chở quá tải… nên rất dễ bị lật, tự chìm đắm khi có gió lớn. Vì vậy, Đoàn liên ngành đã yêu cầu các chủ phương tiện đường thủy thô sơ dưới 5 mã lực hoặc không có động cơ… liên hệ với UBND cấp xã để được cấp đăng ký theo quy định. Với các phương tiện chưa thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm, ngoài lập biên bản vi phạm hành chính, Đoàn liên ngành còn lập biên bản tạm dừng hoạt động, yêu cầu hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Tương tự, khi kiểm tra ở huyện Krông Nô cho thấy phần lớn các phương tiện đường thủy đều do người dân tự đóng. Nhiều phương tiện mặc dù đã có bản vẽ thiết kế, hồ sơ nhưng chưa đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Sau khi lập biên bản, Đoàn liên ngành đã giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương cùng với các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ không cho phương tiện hoạt động cho đến khi hoàn thiện đầy đủ các thủ tục về đăng ký, đăng kiểm theo quy định. 

Theo ông Trần Thái Châu, Quyền Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Nô, hiện nay, nhu cầu đi lại bằng phương tiện thủy của người dân thuộc 2 tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk qua xã Buôn Choáh ngày càng gia tăng. Để tạo thuận lợi trong việc vận chuyển người, phương tiện, nông sản bằng đường sông, huyện đề nghị UBND tỉnh sớm lập quy hoạch bến thủy nội địa. Trước mắt, huyện sẽ đề xuất tỉnh xem xét cấp giấy phép tạm cho các bến đò ngang hoạt động, trong đó có 2 bến khách ngang sông tại xã Buôn Choáh để bảo đảm nhu cầu đi lại cho người dân.

Theo ông Phạm Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở GT-VT, thời gian qua, Sở Giao thông - Vận tải đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức mở các lớp học chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện thủy nội địa cho người dân. Trong thời gian tới, Sở Giao thông – Vận tải sẽ phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức các lớp dạy và cấp chứng chỉ lái tàu tại cơ sở để cho những người dân nghèo, khó khăn có điều kiện tham gia.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường quản lý hoạt động vận tải đường thủy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO